Kinh tế toàn cầu: Lương cao hơn sẽ kéo dài lạm phát? - Bài 1: Động lực chính mới của giá cả

06:30' - 06/03/2023
BNEWS Liệu người lao động trên thế giới có được đáp ứng yêu cầu về mức lương tốt hơn hay không là câu hỏi lớn nhất mà các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới phải đối mặt trong năm nay.
Hơn 340.000 người Mỹ sẽ được tăng lương hàng tháng sau khi Walmart, nhà tuyển dụng khu vực tư nhân lớn nhất nước này, đã nâng mức lương tối thiểu theo giờ lên 14 USD. Động thái của nhà bán lẻ Walmart được cho là sẽ thiết lập một mức thanh toán mới ở nhiều tiểu bang của Mỹ.

Trong khi đó ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, có tới nửa triệu công nhân trong khu vực công của Vương quốc Anh đã có những đòi hỏi nhất định về tiền lương và các công đoàn khu vực công của Đức cũng đang kêu gọi đình công. Ở Hungary và Ba Lan, tăng trưởng tiền lương đã đạt hai con số.

Ngay cả ở Nhật Bản, nơi nhiều người đã không được tăng lương trong nhiều thập kỷ, các ông chủ lớn cũng đang cân nhắc việc thay đổi cơ cấu lương dựa trên thâm niên.

Liệu người lao động trên thế giới có được đáp ứng yêu cầu về mức lương tốt hơn hay không là câu hỏi lớn nhất mà các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới phải đối mặt trong năm nay, giữa bối cảnh họ vẫn đang phải đấu tranh để kiềm chế tốc độ tăng của lạm phát.

"Ngay cả sau khi các yếu tố về năng lượng và đại dịch biến mất…, lạm phát tiền lương sẽ là động lực chính của lạm phát giá cả trong vài năm tới", Philip Lane, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã đưa ra cảnh báo vào tháng 11/2022.

Phần lớn các ngân hàng trung ương chưa phải đối mặt với kiểu "vòng xoáy giá lương" đã xảy ra ở Mỹ hồi những năm 1970. Khi đó, nhân viên đã được tăng lương để bù đắp cho lạm phát. Tuy nhiên, điều này lại thúc đẩy giá cả tăng cao hơn nữa cho đến khi ông Paul Volcker làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mang lại sự thay đổi về chế độ tiền tệ. Ông Volcker đã dập tắt lạm phát, nhưng phải trả giá bằng một cuộc suy thoái sâu sắc.

"Bạn chưa thấy [vòng xoáy tiền lương-giá cả]. Nhưng toàn bộ vấn đề là... một khi bạn nhìn thấy nó thì vấn đề đã trở nên nghiêm trọng".

* Tăng lương không đi kèm tăng năng suất

Các vấn đề lạm phát mà Fed và ECB phải đối mặt là khác nhau. Tại Mỹ, lạm phát chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng vọt sau khi chính phủ đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế. Câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách là liệu mức lương cao hơn có thể được biện minh bằng năng suất được cải thiện hay không?

Tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Vương quốc Anh, vấn đề nổi cộm là cú sốc giá năng lượng do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Chi tiêu năng lượng cao hơn đáng kể đã khiến toàn xã hội trở nên nghèo hơn, trong khi phần chi phí tăng cao đó buộc phải được chia sẻ giữa các công ty, người lao động và người nộp thuế. Trong bối cảnh này, ngay cả khi tiền lương tụt hậu so với lạm phát, chúng vẫn có thể quá cao đối với các công ty nếu họ không tăng giá sản phẩm.

Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, tỷ lệ lạm phát toàn phần sẽ giảm mạnh trong vài tháng tới, do giá xăng giảm và chi phí đi vay cao hơn đang bắt đầu làm giảm nhu cầu. Nhưng mức sống của hầu hết người lao động đã bị ảnh hưởng trong năm qua, bởi vì các khoản thanh toán lương có vẻ hào phóng trong thời gian bình thường nay vẫn còn yếu so với lạm phát. Tăng lương sẽ là vô ích nếu hành động này chỉ đơn giản là mang đến lạm phát cao, nhưng người lao động muốn tiền lương của họ bắt kịp với giá cả.

Bất chấp tình trạng sa thải cao trong lĩnh vực công nghệ và một năm dễ dàng hơn cho các chủ ngân hàng và luật sư, tình trạng thiếu lao động vẫn đang phổ biến và người sử dụng lao động có ý định giữ chân nhân viên ngay cả trong thời kỳ suy thoái.

Trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lo lắng rằng, thậm chí mức tăng lương chỉ 4 hoặc 5% cũng sẽ là quá lớn để họ có thể đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% một cách bền vững - do cho đến nay, do không có bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về năng suất của người lao động.

         

* Tăng trưởng tiền lương có thật sự tồn tại?

Một vấn đề lớn khác là liệu diễn biến thị trường việc làm đã đủ chậm lại để cản trở tăng trưởng tiền lương hay chưa? - hay liệu các ngân hàng trung ương có cảm thấy cần phải tăng lãi suất hơn nữa và giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn để tạo ra tình trạng mất việc làm và tổn thất tài chính hay không?

Bill Diviney, nhà kinh tế học tại ABN Amro cho biết: "Với thị trường lao động thắt chặt, rõ ràng là các ngân hàng trung ương muốn nhìn thấy những dấu hiệu thuyết phục rằng nền kinh tế đang đi xuống và sau đó là tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên".

Hiện tại, cả phe "diều hâu" và "bồ câu" đều có thể chỉ ra bằng chứng củng cố lập luận của họ. Tháng 1/2023, Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng bất ngờ trong việc tuyển dụng, với hơn 500.000 người tham gia thị trường lao động. Trong cùng tháng đó, mức tăng hàng năm về thu nhập trung bình mỗi giờ đã chậm lại từ 4,8 xuống 4,4%.

Sự kết hợp giữa việc tạo ra nhiều công ăn việc làm và tốc độ tăng lương chậm lại có thể chứng minh cho những người tin rằng Fed có thể thiết kế một cú "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế, chế ngự lạm phát mà không cần phải tăng lãi suất đến mức có thể gây ra tình trạng sa thải nhân công trên diện rộng.

Arin Dube, Giáo sư tại Đại học Massachusetts, người đứng đầu nghiên cứu về tiền lương tối thiểu, cho rằng mức tăng lương phản ánh sự thay đổi thực sự trong cấu trúc của thị trường lao động Mỹ vì các đợt phong tỏa do đại dịch và việc tuyển dụng tăng vọt sau đó đã khiến người lao động rời bỏ các công việc dịch vụ lương thấp để chuyển sang các lĩnh vực năng suất cao hơn.

Tuy nhiên, những người khác có cái nhìn kém lạc quan hơn. Jason Furman, một thành viên tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói rằng sau khi xem xét các bản sửa đổi số liệu của những tháng trước đó, ông nhận thấy "mô hình có vẻ không giống như tăng trưởng tiền lương chậm lại vào năm 2022 mà giống như tăng trưởng ổn định gần như phù hợp với lạm phát ở mức 3,5%".

Nhiều dữ liệu gần đây đã khiến các nhà kinh tế lo ngại rằng ngay cả sau khi tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất lịch sử trong năm qua, Fed vẫn chưa làm đủ để giải tỏa sức nóng của thị trường lao động.

Một chỉ số được theo dõi chặt chẽ về lạm phát giá cả - loại bỏ chi phí thực phẩm, năng lượng và nhà ở dễ bay hơi và do đó bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tiền lương của khu vực dịch vụ - đã tăng tốc vào tháng 1/2023. Chuyên gia Furman cho biết, điều này cho thấy rằng mặc dù ảnh hưởng của đại dịch đối với giá gỗ, vi mạch hoặc vận chuyển đã qua, nhưng "nhu cầu và mức lương tự thỏa mãn vẫn tồn tại với chúng ta; cũng như lạm phát rất cao"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục