Kinh tế toàn cầu: Lương cao hơn sẽ kéo dài lạm phát? - Bài cuối: Trách nhiệm không của riêng ai

16:01' - 07/03/2023
BNEWS Tình trạng khan hiếm công nhân đang thúc đẩy sự điều chỉnh rất cần thiết trong cán cân quyền lực giữa tư bản và lao động, và rằng tiền lương phải tăng lên để bảo vệ mức sống.
Dữ liệu mới nhất từ Pháp và Tây Ban Nha cũng chỉ ra áp lực lạm phát dai dẳng ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Ở đó, tăng trưởng tiền lương đã không xảy ra vào năm 2022, nhưng dự kiến sẽ tăng trong năm nay khi các công đoàn đàm phán lại thỏa thuận trong nhiều năm trong lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn của lực lượng lao động ở một số quốc gia.         

Các nhà kinh tế mô tả thỏa thuận được thực hiện vào tháng 11 bởi IG Metall, công đoàn lớn nhất của Đức, như một kịch bản "Goldilocks" cân bằng các rủi ro đối với tăng trưởng và lạm phát. Thỏa thuận kết hợp tăng lương trong hai năm với các khoản thanh toán một lần để bù đắp cho chi phí hóa đơn năng lượng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, các công đoàn khu vực công của Đức hiện đang hướng đến mức tăng lương hai con số và các công đoàn Hà Lan đang đồng ý trả thưởng 5 hoặc 6%, cao hơn nhiều so với các tiêu chuẩn lịch sử.

Châu Âu khó nằm ngoài "vòng xoáy"

Erwan Gautier, một nhà kinh tế tại ngân hàng trung ương Pháp Banque de France, cho rằng ở Pháp, mức lương tối thiểu sẽ tự động điều chỉnh khi lạm phát cao. Điều này cho thấy tăng trưởng tiền lương sẽ tăng tốc vào năm 2023.

Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tuần trước cho biết, ECB đang "xem xét và thương lượng về vấn đề tiền lương rất chặt chẽ". Isabel Schnabel, một thành viên trong ban điều hành ngân hàng đã cảnh báo rằng, mức tăng lương dao động từ 4 đến 5% trong những năm tới là "quá cao để phù hợp với mục tiêu lạm phát 2% của chúng tôi".

Tuy nhiên, một yếu tố có thể hạn chế áp lực tiền lương trong Eurozone. Ở hầu hết các nền kinh tế lớn của khối, cơ hội việc làm tốt hơn đã thu hút nhiều người hơn tham gia lực lượng lao động, với hoạt động kinh tế cao hơn tốc độ trước đại dịch ở Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

Điều này trái ngược hoàn toàn với tình hình ở Anh, nơi lực lượng lao động đã giảm hơn 300.000 người kể từ khi dịch COVID-19. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) nhận thấy rất ít triển vọng về sự thay đổi này, trừ khi tình trạng nhập cư tăng lên, bởi vì nguyên nhân là do những người quá ốm yếu không thể làm việc hoặc đã chọn rời bỏ lực lượng lao động. Ngay cả khi di chứng của đại dịch mất dần theo thời gian, các nhà tuyển dụng sẽ ngày càng gặp phải những hạn chế do dân số già gây ra. 

Người sử dụng lao động cần phải cạnh tranh để có được những người lao động ngày càng khan hiếm. Đây là lý do chính khiến tiền lương ở Anh có thể duy trì ở mức cao hơn những nơi khác trong thời gian dài hơn - và tại sao thống đốc BoE Andrew Bailey đã cảnh báo về hậu quả đối với lạm phát và chính sách tiền tệ nếu chính phủ đồng ý trả tiền nhiều hơn mà không tăng thuế để tài trợ cho ngân sách chi trả lương.  

Tuy nhiên, ở tất cả các quốc gia, sự căng thẳng đang ngày càng tăng giữa mối quan tâm của các ngân hàng trung ương đối với lạm phát và mong muốn của các chính phủ nhằm bảo vệ mức sống của cử tri và tránh xung đột xã hội.         

Ở châu Âu, nhiều chính phủ đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách tăng lương cho những người nghèo. Mức lương tối thiểu theo luật định tăng trung bình 12% trên toàn EU vào năm 2022, gấp đôi tỷ lệ của năm trước. Điều này một phần là do sự bắt kịp ở các quốc gia Đông và Trung Âu, nhưng mức lương sàn cũng tăng 22% ở Đức, 12% ở Hà Lan và khoảng 5 đến 8% ở những nơi khác trong khối.         

Cả Pháp và Đức cũng đã đưa ra các khoản giảm thuế để khuyến khích các công ty bù đắp cho việc tăng lương bằng các khoản thưởng lớn một lần. Những biện pháp này sẽ có tác động nhất thời hơn, nhưng vẫn thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và từ đó làm tăng quyền định giá của các công ty.         

Và trong khi Fed lo ngại rằng thị trường lao động Mỹ có thể đang quá nóng, thì chính quyền Tổng thống Joe Biden lại ca ngợi một môi trường kinh tế đã giúp các nhóm yếu thế và người lao động lương thấp tiến lên nấc thang việc làm.         

"Đất nước chúng ta đã hoạt động trở lại. Chúng ta đã chứng kiến mức tăng việc làm lịch sử trong hai năm qua", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết vào tháng trước. Bà cũng lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp hiện ở gần mức thấp kỷ lục đối với người Mỹ da đen và gốc Tây Ban Nha cũng như người khuyết tật.

Kiểm soát lạm phát: Trách nhiệm của ai?         

Một số người lập luận rằng tình trạng khan hiếm công nhân đang thúc đẩy sự điều chỉnh rất cần thiết trong cán cân quyền lực giữa tư bản và lao động, và rằng tiền lương phải tăng lên để bảo vệ mức sống. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu các công ty hấp thụ cú sốc thông qua lợi nhuận thấp hơn - điều hiếm khi xảy ra trước đây.         

Hiện tại, ngoại trừ lĩnh vực năng lượng, nơi lợi nhuận tăng vọt - cả người lao động và người sử dụng lao động đều đang cảm thấy bị siết chặt. Như Torsten Bell thuộc Tổ chức Resolution Foundation của Anh đã nói: "Quy mô của nỗi đau quá lớn, khiến cả lợi nhuận và tiền lương đều giảm".

Sự căng thẳng này có thể khiến các ngân hàng trung ương gặp khó khăn nếu tiếp tục tăng lãi suất để ngăn chặn áp lực tiền lương kéo dài, trước khi các cơ quan này có thể thấy được toàn bộ tác động của việc thắt chặt mà họ đã thực hiện.

Gilles Moëc, nhà kinh tế trưởng của Axa Group cho biết: "Các chính phủ phải đối mặt với nhu cầu xã hội liên tục… có thể ngày càng phẫn nộ với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, và các doanh nghiệp cũng vậy, khi họ bị siết chặt giữa chi phí lao động và vốn tăng cao".

Tăng lãi suất vẫn là đơn thuốc tiêu chuẩn để đối phó với những áp lực này – kiềm hãm tăng trưởng kinh tế cho đến khi người lao động trở nên quá sợ mất việc và ngừng yêu cầu mức lương cao hơn trong khi các công ty cũng quá sợ mất khách hàng để không tăng giá hơn nữa.         

Tuy nhiên, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Olivier Blanchard đã lập luận rằng, đây là "một cách rất kém hiệu quả" để đối phó với lạm phát, mà ông mô tả là kết quả của "xung đột phân phối giữa các công ty, người lao động và người nộp thuế".         

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lâu nay luôn ủng hộ việc các chính phủ sử dụng mức lương tối thiểu để giúp những người nghèo nhất quản lý giá cả tăng cao, nhưng cũng thúc giục sử dụng nhiều hơn các cơ chế thương lượng tập thể.

OECD lập luận rằng những điều này có thể giúp tránh vòng xoáy tiền lương giá cả, bởi vì chúng giúp chia sẻ chi phí lạm phát một cách công bằng giữa những người lao động ở các mức thu nhập khác nhau, đồng thời cho phép đánh đổi giữa tiền lương và các lợi ích khác mà người lao động đánh giá cao, chẳng hạn như làm việc linh hoạt hơn.         

Nhưng trên thực tế, ông Blanchard lưu ý, hầu như luôn luôn là các ngân hàng trung ương đứng ra giải quyết xung đột: "Người ta có thể mơ về một cuộc đàm phán giữa người lao động, doanh nghiệp và nhà nước, trong đó đạt được kết quả mà không gây ra lạm phát và đòi hỏi phải giảm tốc một cách đau đớn ... Thật không may, điều này đòi hỏi nhiều sự tin tưởng hơn mức có thể hy vọng và sẽ không xảy ra"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục