Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục xu hướng phục hồi

15:07' - 01/02/2024
BNEWS Các chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ hàng hóa, du lịch, thành lập doanh nghiệp mới của Tp. Hồ Chí Minh trong tháng 1/2024 có nhiều tín hiệu khả quan.

Đây là nội dung được các sở, ngành thông tin tại cuộc họp kinh tế - xã hội tháng 1/2024 của UBND Tp. Hồ Chí Minh, ngày 1/2.

 

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh thông tin: Tháng 1/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) thành phố tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2023 (tháng 1/2023 trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán). Chia ra, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 33,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 31,1%; cung cấp nước và xử lý nước thải tăng 10,7%. Có 28/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ.

Theo đó, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao như: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 71%; sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 46,9%; sản xuất giường tủ, bàn, ghế tăng 43,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 41,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại tăng 40,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 38,9%.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất tháng 1 tăng 29,1% so với cùng kỳ. Chia ra, ngành cơ khí tăng 43,1%; ngành hóa dược tăng 33,3%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 23,5%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 7,4%.

Trong tháng đầu năm nay, hoạt động thương mại - dịch vụ cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 103.241 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng này chủ yếu từ hoạt động bán lẻ hàng hóa do đây là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm, nhiều siêu thị và cửa hàng thực hiện chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm gần một nửa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ. Hầu hết nhóm hàng đều có doanh thu tăng, cao nhất là lương thực, thực phẩm (8,8%); hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (16,4%); đá quý, kim loại quý (18,7%). Đây đều là các mặt hàng có nhu cầu cao vào tháng cuối cùng trong năm.

Một tín hiệu khả quan khác cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường đã được cải thiện là số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đầu tư mới tăng khá cao. Theo đó, trong tháng 1 thành phố có thêm 3.303 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký mới là 39.020 tỷ đồng, tăng 30,2% về số lượng và tăng 117,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 4.426 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký bổ sung là 564.223 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, bên cạnh những mặt khả qua, kinh tế Tp. Hồ Chí Minh vẫn còn một số thách thức khi tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 tăng so với cùng kỳ nhưng giảm 4,5% so với tháng trước. Cũng so với tháng liền trước, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm trong khi chỉ số tồn kho tăng.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào Tp. Hồ Chí Minh trong tháng 1 chỉ  đạt 125,7 triệu USD, bằng 70,2% cùng kỳ. Thu ngân sách giảm 5,8% so với cùng kỳ. Cũng trong tháng 1, có 12.660 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu chưa có nhiều tín hiệu khả quan khi xuất khẩu giảm 4,2% so với tháng trước, nhập khẩu cũng giảm 5,3%.

"Nhìn chung trong ngắn hạn, các ngành hàng còn gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu thế giới giảm, nhất là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Nhu cầu nhập khẩu của Tp. Hồ Chí Minh chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất; do đó khi đơn hàng xuất khẩu giảm thì nhu cầu nhập khẩu cũng giảm theo”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh nhận định.

Về du lịch, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Tổng thu du lịch tháng 1 năm 2023 đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 6,8% so với kế hoạch năm 2024. Trong số đó, khách du lịch nội địa ước đạt hơn 2,3 triệu lượt, tăng gần 13% so cùng kỳ năm 2023; khách quốc tế ước đạt 416.500 lượt, tăng 16,7% so cùng kỳ năm 2023.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh, không chỉ tăng về số lượng mà kết quả thống kê gần đây cũng cho thấy thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách đến Tp. Hồ Chí Minh đã tăng hơn so với thời điểm 2019 (trước dịch COVID-19). Cụ thể, thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế tăng từ 4,3 lên 4,8 ngày; mức chi tiêu cũng tăng từ 3,89 triệu/ngày lên 4,17 triệu/ngày. Lượng khách du lịch đến lần đầu chiếm 55%, khách quay lại lần 2 chiếm 25%, lần 3 chiếm 19%.

Mặc dù vậy, Sở Du lịch cho rằng doanh thu của hoạt động ăn uống, lưu trú những tháng tới sẽ khó tăng khi lượng khách hàng dự báo ổn định nhưng mức chi tiêu cho các hoạt động, sự kiện có xu hướng tiết kiệm hơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhận định: Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh trong tháng khởi đầu khá khả quan so với cùng kỳ năm 2023, nhưng các Sở, ngành cần tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ đã được giao. Trong đó, Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố cần nhanh chóng đưa ra các dự báo, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế thành phố sát với tình hình thực tế gắn liền với các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng tâm.

Các sở, ngành, đơn vị được giao dự án đầu tư công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tốc độ giải ngân để tạo hiệu ứng lan toả sang các lĩnh vực kinh tế khác, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 12% ngay trong quý I/2024.

Đối với tiêu dùng nội địa, ngoài các chương trình khuyến mãi, tín dụng mua sắm trên địa bàn cần tăng cường liên kết vùng trong trao đổi hàng hoá thông qua thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Ngành công thương, hải quan thành phố tạo điều kiện cải thiện hệ thống logistics, hỗ trợ để hoạt động xuất nhập khẩu sớm sôi động trở lại, tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng lưu ý Sở Lao động Thương binh và Xã hội chăm lo tốt cho người lao động, gia đình chính sách vui xuân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Công an Thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, tai nạn trong thời gian nghỉ Tết sắp tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục