Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng lần đầu tiên trong 3 năm qua

15:27' - 28/12/2020
BNEWS Số liệu do Cơ quan thống kê Triều Tiên công bố ngày 28/12 cho thấy, sau hai năm sụt giảm liên tiếp, lần đầu tiên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng vào năm 2019, với 0,4%.

Cụ thể, kinh tế quốc gia Đông Bắc Á này lần lượt giảm 3,5% năm 2017 và 4,1% năm 2018. Sự chuyển biến của kinh tế Triều Tiên nhờ tăng trưởng đột biến trong các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Tuy nhiên, Tổng thu nhập quốc dân (GNI) danh nghĩa của Triều Tiên cùng kỳ đã giảm 0,9% so với năm trước đó, xuống còn 35.600 tỷ won (32,5 tỷ USD). Thu nhập bình quân đầu người cũng giảm còn 1,41 triệu won so với mức 1,43 triệu won của năm 2018.

Về năm 2020, hoạt động thương mại của Triều Tiên được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do các nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm tập trung ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Báo cáo của Hiệp hội thương mại quốc tế Triều Tiên cho biết trao đổi thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này, đã giảm xuống còn 1,7 triệu USD, mức thấp chưa từng thấy.

*Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia ngày 28/12 công bố báo cáo kinh tế, theo đó trong tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu của Malaysia tăng 4,3%, lên 84,43 tỷ ringgit (tương đương 20,81 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Thành tích này đạt được nhờ gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Malaysia sang các thị trường Mỹ, Singapore, Trung Quốc.

Tuy nhiên, tổng kim ngạch thương mại trong tháng 11 của Malaysia giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 152,04 tỷ ringgit và nhập khẩu giảm 9% xuống 67,61 tỷ ringgit.

Trong 11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.610 tỷ ringgit. Xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm giảm 2,6% xuống 885,02 tỷ ringgit, trong khi nhập khẩu giảm 7% xuống 721,16 tỷ ringgit.

Xuất khẩu hàng hóa sản xuất, vốn chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ tăng xuất khẩu các sản phẩm điện và điện tử (E&E) cũng như các sản phẩm cao su. Xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tăng 6%, chủ yếu nhờ tăng kim ngạch xuất khẩu dầu cọ và các sản phẩm nông nghiệp làm từ dầu cọ.

Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa khai khoáng giảm 34,6% so với cùng kỳ năm trước do xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), dầu thô cũng như các sản phẩm ngưng tụ của dầu mỏ và dầu mỏ khác giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục