Kinh tế Trung Quốc đối diện áp lực suy giảm trong nửa cuối năm 2021

09:55' - 23/06/2021
BNEWS Theo UBS, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối diện với áp lực suy giảm trong nửa cuối năm nay, đồng thời rủi ro địa chinh trị cũng tiếp tục gia tăng.

Ngân hàng UBS công bố báo cáo nhấn mạnh, chịu ảnh hưởng của các nhân tố như nhu cầu suy yếu, xuất khẩu chậm lại, bất động sản tiếp tục bị kiểm soát, cũng như giá nguyên vật liệu tăng làm thu hẹp lợi nhuận biên của doanh nghiệp…, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối diện với áp lực suy giảm trong nửa cuối năm nay, đồng thời rủi ro địa chinh trị cũng tiếp tục gia tăng.

Hãng tin Reuters trích dẫn báo cáo “Triển vọng đầu tư châu Á-Thái Bình Dương” kỳ mới nhất do Văn phòng Giám đốc Đầu tư quản lý tài sản của UBS phát hành cho biết, mặc dù kinh tế Trung Quốc dẫn đầu phục hồi trong dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2020 và nửa đầu năm nay, nhưng sẽ gặp thách thức trong nữa cuối năm 2021.

Theo UBS, Chính phủ Trung Quốc sẽ chuyển sang hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế thực có mục tiêu hơn trong nữa cuối năm 2021, những biện pháp đã công bố hoặc có thể ban hành, bao gồm Ngân hàng trung ương bơm thanh khoản cho thị trường, có thể sẽ chuyển sang mức dương từ cơ bản cân bằng trong quý II để kiểm soát lãi suất tăng đột ngột, mở rộng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiểm soát giá hàng hóa chiến lược. 

Báo cáo cho rằng, tuy Chính phủ Trung Quốc có một số biện pháp nới lỏng mang tính mục tiêu, nhưng chính phủ có thể sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách bất động sản và các nền tảng tài chính của chính quyền địa phương để ổn định nợ.

Theo đó, năm 2020, nợ của Trung Quốc chiếm khoảng 295% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng 20 điểm phần trăm tính theo năm, nguyên nhân do nợ của chính phủ, doanh nghiệp và gia đình đều tăng nhanh trong thời kỳ dịch bệnh xuất phát từ sự nới lỏng khá mạnh.

Báo cáo cho rằng, Trung Quốc quyết tâm sẽ duy trì tỷ lệ đòn bẩy dưới 300% vào cuối năm nay, do đó tầng lớp lãnh đạo một lần nữa nhấn mạnh đến tính cần thiết của việc ổn định nợ.

Báo cáo dự báo, mặc dù quy mô phát hành nợ của chính quyền địa phương đã chậm lại đáng kể từ tháng Tư dưới yêu cầu nghiêm ngặt hơn, nhưng các hoạt động phát hành nợ có liên quan trong nửa cuối năm vẫn sẽ được đẩy nhanh, vì tính đến cuối tháng Năm mới chỉ sử dụng 20% hạn mức phát hành trái phiếu 4.470 tỷ NDT (689,7 tỷ USD).

Tín dụng quý III năm nay sẽ duy trì tốc độ tăng tương đối chậm và ổn định trong quý IV, dự kiến mức phát hành trái phiếu cả năm sẽ tăng khoảng 11%. 

Mặc dù tồn tại thách thức trong thời gian tới, song UBS cho rằng, tăng trưởng tín dụng ổn định và chính sách nới lỏng sẽ giúp kinh tế Trung Quốc duy trì tăng trưởng. Sau khi đạt mức tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm, dự báo mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong cả năm 2021 sẽ chậm lại còn 5-6%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục