Khi kinh tế Trung Quốc mất đi lợi thế kinh tế từ dân số

05:30' - 19/05/2021
BNEWS Đối với Trung Quốc, trong khi nước này thúc đẩy chiến lược "tuần hoàn kép" để kích thích tiêu dùng hộ gia đình, thì tình trạng lão hóa dân số lại trở thành vấn đề cơ bản của đất nước.

Tổng điều tra dân số 10 năm 1 lần ở Trung Quốc đã được công bố vào ngày 11/5 vừa qua. Kết quả không phải là tăng trưởng âm như nhiều đồn đoán trước đó, nhưng cho thấy bước ngoặt dân số của Trung Quốc đang đến gần. 

Điều làm dư luận quan tâm chú ý hơn là bước ngoặt dân số ấy xảy ra vào thời điểm then chốt của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc. Đối với mục tiêu xây dựng nước lớn về tiêu dùng của Trung Quốc, đây có lẽ sẽ trở thành yếu tố không xác định lớn nhất.

Trở lại với kết quả tổng điều tra dân số của Trung Quốc năm 2020, tới ngày 1/11/2020, tổng dân số nước này là 1.411.789.000 người, so với 10 năm trước tăng 72,05 triệu người. Như vậy, trong 10 năm, dân số Trung Quốc tăng 5,38%, bình quân 1 năm tăng 0,53%. So với giai đoạn từ năm 2000-2010, tốc độ tăng trưởng dân số bình quân năm giảm 0,04%.

Cũng theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2020, số người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc là 264,02 triệu người, chiếm 18,7% dân số, tăng 5,44% so với 10 năm trước. Trong khi đó, số người từ 0-14 tuổi chỉ tăng 1,35% so với 10 năm trước, chiếm 17,95%, đạt 253,38 triệu người. 

Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc Ninh Cát Triết thừa nhận tỷ lệ người cao tuổi đang tăng nhanh và lão hóa dân số đã trở thành vấn đề cơ bản ở nước này trong một thời gian từ nay về sau.

Một điều đáng chú ý là số sinh mới ở Trung Quốc trong 3 năm qua giảm liên tiếp, năm 2020 tỷ lệ sinh giảm xuống còn 8,5%, là mức thấp nhất kể từ năm 1952 khi Trung Quốc bắt đầu lưu trữ số liệu dân số. So với mức tăng 10,48% của năm 2019, tỷ lệ sinh năm 2020 gần như lao dốc thẳng đứng. Đây được nhìn nhận như một tín hiệu về bước ngoặt dân số đang tăng tốc tới gần.

Theo chuyên gia hàng đầu về vấn đề Trung Quốc Tô Nguyệt thuộc cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu EIU của tạp chí The Economist, việc mở cửa chính sách sinh con thứ hai đã không làm thay đổi sự suy giảm nhanh chóng của tỷ lệ sinh ở Trung Quốc. 

Trong một phát biểu được đài BBC phiên bản tiếng Trung trích lời, chuyên gia Tô Nguyệt cho rằng với xu thế như hiện nay, tới năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) ở Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 18% tổng dân số, tương đương mức của Tây Ban Nha và Na Uy. Trong khi đó, số người ở độ tuổi lao động của Trung Quốc (từ 15-65 tuổi) sẽ giảm khoảng 70 triệu người.

Dự báo của nhà nghiên cứu Dị Phúc Hiền thuộc Viện nghiên cứu phân hiệu Madison, Đại học Wisconsin thậm chí còn bi quan hơn. Chuyên gia Dị Phúc Hiền cho rằng với sự phát triển kinh tế, tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ giảm xuống như châu Âu hay Singapore. Cộng thêm việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong thời gian dài, tốc độ suy giảm dân số của Trung Quốc sẽ lao dốc thẳng đứng. Do đó, cuộc khủng hoảng lão hóa dân số mà nước này phải đối mặt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Số liệu cho thấy thời kỳ đỉnh cao của sinh đẻ ở Trung Quốc sau khi nước này bắt đầu mở cửa cho việc sinh con thứ 2 vào năm 2016 đã kết thúc. Từ năm 2018, "lợi tức" từ chính sách 2 con không còn nữa, khiến tỷ lệ sinh bắt đầu đi xuống. 

Giới chức Trung Quốc dự kiến bước ngoặt đánh dấu tăng trưởng dân số từ dương sang âm sẽ đến trong khoảng trước hoặc sau năm 2030. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế và cơ quan nghiên cứu dự đoán bước ngoặt dân số của Trung Quốc sẽ xảy ra sớm hơn, trong thời gian thực hiện Quy hoạch Kinh tế Xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021-2025).

Đối với Trung Quốc, đây là vấn đề không thể xem nhẹ, nhất là khi nước này chưa đưa ra thêm chính sách khuyến khích sinh đẻ hiệu quả và xu thế suy giảm theo kiểu rơi thẳng đứng của số người sinh mới vẫn tiếp tục. Lão hóa dân số luôn là vấn đề mãn tính của nền kinh tế. Bước ngoặt dân số xảy ra sẽ đặt chiến lược "tuần hoàn kép" trong đó "tuần hoàn trong nước" đóng vai trò chủ đạo của Trung Quốc vào tình trạng bị "rút củi đáy nồi".

Chưa nói tới việc Trung Quốc chưa giải quyết được bài toán bù đắp sự thiếu hụt về lao động trong nước do chưa trở thành điểm đến ưa thích của người nhập cư nước ngoài, tình trạng lão hóa dân số sẽ khiến tỷ lệ người già trong cơ cấu dân số ngày càng tăng, làm gia tăng gánh nặng về chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội.

Đồng thời, người trẻ tuổi là lực lượng tiêu dùng chính, chi tiêu khá mạnh tay. Do thích tìm tòi cái mới, họ còn là động lực chính để đa dạng hóa tiêu dùng. Người cao tuổi lại có xu hướng "tiêu dùng thụ động" các sản phẩm chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe, dưỡng lão hay đảm bảo an toàn cuộc sống thường nhật…

Nhìn chung, so với những người trẻ tuổi, người già ít có mong muốn tiêu dùng. Họ tiêu dùng tương đối dè dặt, hiếm có sự phóng khoáng trong tiêu dùng như những người trẻ tuổi. Điều này không có lợi cho việc quảng bá thúc đẩy bán hàng. Như vậy, khi tỷ trọng người trẻ tuổi đang có xu hướng giảm xuống, tỷ trọng người cao tuổi tăng lên, kế hoạch thúc đẩy "tuần hoàn trong nước" của Trung Quốc sẽ đứng trước thách thức lớn.

Bên cạnh việc làm suy giảm tốc độ tiêu dùng, tình trạng lão hóa dân số cũng dẫn tới sự thay đổi về kết cấu tiêu dùng. Nhiều nghiên cứu cho thấy xu hướng tiêu dùng ở các độ tuổi khác nhau sẽ khác nhau. Ví dụ những người sinh sau năm 1980 thích xe ô tô, những người sinh ở thập niên 1960-1970 thích rượu và thuốc lá còn những người sinh trước thập niên 1960 thích các sản phẩm chăm sóc y tế. 

Do vậy, kết cấu độ tuổi dân số thay đổi sẽ ảnh hưởng tới các ngành nghề khác nhau. Số lượng người từ 25-54 tuổi ở Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2017, tiêu thụ rượu và thuốc lá sau đó đã giảm xuống. Số lượng người 25-45 đạt đỉnh vào năm 2003, lượng xe ô tô tiêu thụ sau đó cũng giảm dần và năm 2018 lần đầu tiên xuất hiện tình trạng tăng trưởng âm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục