Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào đổi mới và tăng năng suất?

07:23' - 17/11/2017
BNEWS Tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều vào sự đổi mới và tăng năng suất. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có muốn tiến hành quá trình chuyển đổi này hay không?
Lãnh đạo các nước thành viên BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

“Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài viết cho rằng sau hơn ba thập kỷ tăng trưởng cao dựa trên việc khai thác mức lương thấp và lợi thế về nhân khẩu học, cũng như những cải cách theo định hướng thị trường và mở cửa quốc tế, Trung Quốc giờ đây đang phải đối mặt với mức lương cao hơn và một lực lượng lao động bị thu hẹp.’

Trong 25 năm liên tiếp kể từ năm 1990, nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức hơn 6% một năm. Tốc độ tăng trưởng ngoạn mục đó về căn bản dựa trên sự kết hợp của mức lương thấp và một cấu trúc nhân khẩu học thuận lợi.

Những tiềm năng này sau đó đã được chuyển đổi thành tốc độ tăng trưởng thực tế thông qua một chuỗi cải cách thể chế theo định hướng thị trường ở trong nước, và sự cởi mở hơn đối với thương mại và đầu tư nước ngoài.

Nhưng kể từ năm 2011, lực lượng lao động của Trung Quốc đã và đang bị thu hẹp, một phần do các chính sách kế hoạch hóa gia đình trong ba thập kỷ trước. Thay đổi chính sách để tăng độ tuổi nghỉ hưu hoặc khuyến khích nữ giới tham gia lực lượng lao động sẽ là cách tốt nhất để hạn chế suy giảm lực lượng lao động. Trong khi đó, việc nới lỏng chính sách một con hồi tháng 11 năm 2015 trong 15 năm tới có thể sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn do không có sự thay đổi về lực lượng lao động. 

Bên cạnh đó, việc tăng năng suất có thể xuất phát từ việc giảm phân bổ sai nguồn lực, bao gồm cả thông qua thúc đẩy cải cách đối với các doanh nghiệp nhà nước. Song tốc độ cải cách trong tương lai dường như không được mạnh mẽ như trong quá khứ, một phần bởi vì xã hội (đúng hơn là các nhóm lợi ích) hiện có nhiều phương tiện hiệu quả hơn để chặn các cải cách.

Vậy thì liệu Trung Quốc có thể chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự đổi mới hơn? Chính phủ Trung Quốc nên theo đuổi những chính sách gì để tạo điều kiện cho sự chuyển đổi này?

Dựa trên những chỉ số về bằng sáng chế, các công ty Trung Quốc ngày càng trở nên sáng tạo hơn. Cụ thể, số lượng các bằng sáng chế được cấp cho các công ty Trung Quốc, cả ở trong nước và ở Mỹ, là khá cao so với mức trung bình của các nước trong nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Tận dụng việc thị trường toàn cầu đang ngày càng mở rộng và ứng phó với chi phí lao động tăng cao là hai lực đẩy quan trọng cho quá trình đổi mới của các doanh nghiệp.

Bên cạnh mối tương quan giữa mức độ đổi mới với quy mô doanh nghiệp và tình trạng xuất khẩu, vẫn còn một số yếu tố khác có thể góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Thứ nhất, ngày càng có nhiều những cơ hội tiếp cận thị trường dưới hình thức thuế suất thấp hơn từ các đối tác thương mại có xu hướng thúc đẩy sự đổi mới.

Thứ hai, các doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu tiền lương cao hơn bằng cách tham gia vào quá trình đổi mới nhiều hơn nữa. Điều này đặc biệt đúng đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực cần nhiều lao động. Đồng thời yếu tố này cho thấy một số lý do để lạc quan về triển vọng các công ty Trung Quốc trở nên sáng tạo hơn khi thu nhập của nước này tiếp tục gia tăng.

Thứ ba, các sản phẩm Trung Quốc đã chiếm thị phần ngày càng lớn trên thị trường toàn cầu khi tính theo dân số, quy mô của nền kinh tế và kim ngạch xuất khẩu. Khả năng cạnh tranh ngày càng cao của các sản phẩm Trung Quốc trên thị trường quốc tế cho thấy rằng các sản phẩm của quốc gia này đã chứng tỏ sự nâng cao về chất lượng theo thời gian.

Ngoài ra, có một số bằng chứng cho thấy sự đổi mới đưa ra phản ánh tích cực đối với các chính sách trợ cấp, trong khi tỏ ra tiêu cực trước các loại thuế. Nhưng phân bổ trợ cấp tại Trung Quốc dường như có sự thiên lệch mạnh mẽ dành cho các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những công ty thuộc sở hữu của chính quyền địa phương. Trong khi đó, các doanh nghiệp khu vực tư nhân cho thấy họ đầu tư vào đổi mới, sáng tạo nhiều hơn so với các doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, sự hiệu quả của thuế suất dường như khác nhau không chỉ trên các lĩnh vực mà còn đối với các doanh nghiệp. Điều thú vị là doanh nghiệp nhà nước - đặc biệt là các doanh nghiệp lớn - dường như phải đối mặt với mức thuế suất cao hơn so với các công ty tư nhân, ngay cả sau khi đã trừ các khoản trợ cấp.

Định hướng cải cách phù hợp có thể theo hình thức giảm đồng thời trợ cấp và thuế, cùng với việc đối xử công bằng hơn đối với các công ty thuộc bất cứ hình thức sở hữu nào. Việc tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, hạn chế ảnh hưởng của chính phủ trong việc phân bổ trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), và đảm bảo các công ty khu vực tư nhân có cơ hội nhận được những khoản trợ cấp sẽ làm giảm sự phân bổ sai nguồn lực và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục