Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

10:00' - 30/06/2022
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), ngày 30/6, tờ Liên hợp buổi sáng, chi nhánh tại Hong Kong, đã có bài viết đánh giá về mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong quý II/2022.

Bài viết nhấn mạnh với sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng, kinh tế Việt Nam đã bật tăng mạnh mẽ trong quý II vừa qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 7,72% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng mạnh nhất trong gần 11 năm trở lại đây.

 

Điều này dự kiến sẽ thúc đẩy GDP trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa kỳ vọng 5,5% của chính phủ. Cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 2,04%.

Khi công bố số liệu trên vào ngày 29/6, Tổng Cục Thống kê Việt Nam nhấn mạnh so với các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới, đây là mức tăng trưởng khá cao, đồng thời cho biết Việt Nam cũng đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo tác giả, sau  khi Việt Nam từng bước dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 vào cuối năm 2021, các ngành công nghiệp và nhà máy trong nước đã khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ.

Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 185,94 tỷ USD, sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bloomberg, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam là nhờ các biện pháp kích thích 15 tỷ USD do chính phủ ban hành cũng như chính sách tiền tệ nới lỏng. Điều này có lợi cho việc nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam, giúp quốc gia Đông Nam Á này trở thành điểm đến đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó khăn.

Tuy nhiên, Tổng Cục Thống kê Việt Nam cũng cảnh báo, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong nửa cuối năm như áp lực lạm phát, biến động chính trị toàn cầu và dư chấn của dịch bệnh…

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi đầu tháng cũng khuyến nghị Việt Nam duy trì cảnh giác với rủi ro lạm phát như giá nhiên liệu và nhập khẩu tăng cao có thể kiềm chế đà phục hồi nhu cầu trong nước.

Cùng với giá lương thực và năng lượng gia tăng, giá tiêu dùng tháng 6 của Việt Nam tăng 3,37% so với cùng kỳ, trong khi chi phí vận chuyển tăng 21,4% so với cùng kỳ. Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là kiểm soát lạm phát trung bình ở mức 4% trong năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục