Kon Tum chấn chỉnh việc lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh

09:36' - 04/01/2023
BNEWS UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) vừa ra thông báo kết luận về việc xử lý nội dung liên quan đến việc xác nhận chưa chính xác cho Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum (số 276/TB-UBND).

Đây được xem là động thái kịp thời của địa phương trong việc chấn chỉnh các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng Quốc bảo sâm Ngọc Linh để đạt được mục đích riêng của mình.

“Chạy" giấy thông hành

Trước đó, ngày 30/5/2022 Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được UBND huyện Tu Mơ Rông xác nhận về việc công ty "đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông".

Ngay khi phát hiện vụ việc, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tu Mơ Rông đã họp và đề nghị cá nhân ký xác nhận giấy trên báo cáo giải trình và kiểm điểm trách nhiệm liên quan vì có nội dung chưa phù hợp với thực tế. Cùng với đó, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo các đơn vị chức năng phải ra văn bản hủy bỏ Giấy xác nhận trên vì quy trình xử lý chưa đảm bảo và có nội dung chưa phù hợp với thực tế.

 

"Thực tế đơn vị đang trồng nuôi cấy mô thí điểm, UBND tỉnh vừa cho chủ trương đưa nuôi cấy mô ra ngoài tự nhiên (cách đây hơn 1 tháng). Việc xác nhận khai thác là chưa chính xác, huyện sẽ thu hồi văn bản này," ông Võ Trung Mạnh khẳng định.

Để tìm hiểu vụ việc, phóng viên đã làm việc với chính quyền xã Ngọk Lây nơi công ty đang làm dự án. Theo ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Lây, Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum có thực hiện dự án nuôi cấy mô, trồng trong nhà màng, không phải dưới tán rừng.

Thời gian qua, Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum nhiều lần nhờ chính quyền xác nhận có liên kết với dân trồng sâm nhưng chưa được. Công ty, người dân muốn xác nhận có liên kết trồng sâm, chính quyền phải đi kiểm tra thực tế mới ký.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Duy Thái, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum khẳng định: Ở xã Ngọk Lây công ty đã liên kết được 10 hộ trồng sâm. Diện tích hộ dân trồng lớn hơn của công ty. Diện tích mỗi hộ từ 5-10 ha. Ở xã Măng Ri được 3 hộ với hơn 10 ha. Tê Xăng đang làm việc với 2 hộ. Việc liên kết xã có xác nhận.

Trước thông tin trên, ông Võ Trung Mạnh khẳng định số liệu trên là không trung thực. Toàn huyện, người dân hiện đang trồng khoảng 60 ha. Năm 2022 huyện trồng mới được hơn 14 ha, năm 2021 được 8 ha. Tại xã Măng Ri người dân không có liên kết trồng sâm Ngọc Linh với Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Ngoài Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, trước đó một công ty khác là Công ty cổ phần Sâm Việt Nam tự công bố có liên kết với dân, doanh nghiệp để trồng sâm. Khi báo chí phản ánh, lực lượng chức năng kiểm tra và khẳng định công ty không trồng, liên kết trồng sâm Ngọc Linh với dân.

Đây được xem là "chiêu" giúp các công ty tạo niềm tin cho người tiêu dùng trước khi tung sản phẩm được giới thiệu từ sâm Ngọc Linh do chính công ty trồng ra thị trường để lừa dối, trục lợi người tiêu dùng.

Vườn sâm khủng trên…giấy

Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum là một thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam (Tập đoàn). Tập đoàn này có tham vọng mở 300 showroom trên cả nước, 35 showroom ở nước ngoài chuyên bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Theo giới thiệu, Tập đoàn đang sở hữu hơn 7.000 ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh - nơi cây sâm Ngọc Linh đầu tiên được tìm thấy. Tập đoàn đã trồng hơn 600 ha. Sau gần 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, Tập đoàn xây dựng được vùng trồng quy mô lớn nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Thái cho biết thêm, sản phẩm của Tập đoàn lấy nguồn từ Công ty rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ở Quảng Nam không có đơn vị thành viên. Theo đề án, công ty vừa nuôi cấy mô, vừa trồng sâm gieo bằng hạt, mua sâm của dân về trồng. Trong rừng, công ty có diện tích hơn 24 ha. Diện tích sâm Ngọc Linh ở rừng, trồng bằng gieo hạt được công ty thực hiện từ lâu. Sản phẩm sâm củ, công ty cung cấp trực tiếp cho tập đoàn để chế biến sâu.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, năm 2017 Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum mới triển khai và năm 2018 bắt đầu thực hiện dự án Khoa học công nghệ của sản phẩm Quốc gia tại huyện Tu Mơ Rông (dự án của Bộ Khoa học và Công nghệ). Theo đó, công ty thực hiện nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh tại xã Ngọk Lây.

Để đảm bảo tiến độ dự án, tháng 10/2022, Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum có kiến nghị với UBND tỉnh Kon Tum về việc liên kết, hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô để triển khai trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh (loại nuôi cấy mô) dưới tán rừng. Việc giao mặt bằng hơn 24 ha để liên kết thực hiện được hơn 1 tháng tại lô 17, khoảnh 4, tiểu khu 228. Số lao động người địa phương nơi công ty triển khai dự án tuyển dụng chỉ có 2 lao động.

Chưa có 1 cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô nào được trồng ra rừng thành công. Việc liên doanh, liên kết với người dân để trồng sâm được chính quyền các cấp ở huyện Tu Mơ Rông không xác nhận. Diện tích rừng liên kết trồng sâm nuôi cấy mô mới bàn giao.

Tuy nhiên, Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam tự giới thiệu diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất Việt Nam (600 ha). Thực tế, diện tích trên chỉ trồng trên… giấy vì tại Kon Tum người dân trồng được hơn 60 ha (chưa tính 2 doanh nghiệp được tỉnh công nhận là Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô). Tại tỉnh Quảng Nam, hiện có 12 công ty, doanh nghiệp trồng hơn 34 ha.

Để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh-Quốc bảo của Việt Nam, đã đến lúc chính quyền 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nơi có chỉ dẫn địa lý về sâm Ngọc Linh cần làm rõ thông tin các công ty, doanh nghiệp lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh, thổi phồng, "vẽ" diện tích sâm trồng trên giấy để lừa dối người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục