Kon Tum chủ động ứng phó với khô hạn cục bộ

08:35' - 23/04/2024
BNEWS Nhờ hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng đã được nạo vét, cải thiện, Kon Tum đã hạn chế được thiệt hại của khô hạn trong phạm vi hẹp, cục bộ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh Kon Tum, đến giữa tháng 4/2024, mực nước các hồ trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với mực nước dâng bình thường từ 8,79 - 23,5%, một số hồ chứa nhỏ chỉ còn phần dung tích chết. Trong khi mực nước trên các sông cũng giảm so với trung bình nhiều năm từ 20 - 60%. Song việc giảm mực nước hiện chỉ gây khô hạn cục bộ, chưa gây ra những thiệt hại nặng cho người dân.

 
Ông Đặng Trần Huân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, tình trạng hạn hán chỉ ghi nhận thiệt hại trong phạm vi hẹp, cục bộ do hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng đã được nạo vét, cải thiện; người dân chủ động tưới sớm. Một số vùng canh tác cây công nghiệp, nông nghiệp được hưởng lợi từ các trận mưa trái mùa trong thời gian tháng 1 và cuối tháng 3, đầu tháng 4/2024.

“Nhờ vào canh tác sớm, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận diện tích lúa bị thiệt hại do hạn hán. Đối với cây cà phê, đa số diện tích đã tưới được 4 đợt, đảm bảo lượt tưới trong giai đoạn mùa khô; thậm chí nhờ có mưa nên một số diện tích đã tưới đợt 5, 6. Hiện nay, thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn chỉ ở mức cục bộ, gây ảnh hưởng cho gần 40 ha cây trồng; chủ yếu là cây cà phê tại huyện Đăk Hà”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum thông tin.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung, huyện Đăk Hà cho biết, hiện nay, diện tích cà phê của đơn vị đã tưới đợt 4, một số diện tích tưới đợt 5, nên nguy cơ thiệt hại do hạn hán hiện nay không cao. Tuy nhiên, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, người dân nhiều khả năng sẽ phải tưới cà phê thêm một đến hai đợt nữa để tránh khô cây, gây ảnh hưởng đến niên vụ sau.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, tình trạng nắng nóng, khô hạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ tiếp diễn đến khoảng nửa cuối tháng 5/2024. Tình trạng hạn hán, nắng nóng sẽ gia tăng trong giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5, nhất là ở những vùng không chủ động được nguồn nước.

“Hiện nay, một số diện tích nông nghiệp cần nhiều nước như lúa đã bước vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch nên không còn cần nhu cầu nước nhiều. Tuy nhiên, đối với diện tích cây công nghiệp, nhất là cà phê, chúng tôi khuyến cáo các địa phương và người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước”, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.

Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cũng cho biết, hiện đa số cà phê trong tổng diện tích hơn 12.000 ha của địa phương đã được tưới đủ đợt theo yêu cầu. Một số diện tích cà phê tái canh đã tưới đợt 5, 6. Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục có nắng nóng, khô hạn trong khoảng gần một tháng nữa, các diện tích cà phê này vẫn có khả năng bị ảnh hưởng như héo, khô lá, nguy cơ gây ảnh hưởng đến năng suất của vụ sau.

Theo ông Đặng Trần Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, để ứng phó với tình hình hạn hán có khả năng kéo dài và diễn biến phức tạp trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp phòng, chống ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.

Theo đó, các địa phương, đơng vị quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tưới cuối khu tưới. Đồng thời, thực hiện tưới luân phiên, đặc biệt là các công trình có đầu mối là hồ chứa để tiết kiệm nước như hồ Cà Tiên, Tân Điền, Đăk Chà Mòn I, Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum); Cà Sâm, Đăk Prông (huyện Đăk Hà); C19, Hố Chè (huyện Đăk Tô);…

Đặc biệt, trường hợp nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng, các địa phương, đơn vị chỉ thực hiện tưới để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng, kết hợp với việc sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để giữ ẩm, hạn chế thất thoát nước do bốc hơi.

Riêng đối với nước sinh hoạt, các địa phương cần triển khai kiểm tra, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để triển khai các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để nhân dân thiếu nước. Trong trường hợp cần thiết, phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước cung cấp cho người dân.

“Về lâu dài, các địa phương, đơn vị tiếp tục ưu tiên bố trí các nguồn lực để hỗ trợ vật tư, thiết bị để duy trì hoạt động của công trình cấp nước tập trung phục vụ cấp nước, tạo nguồn nước; nâng cấp, sửa chữa, mở rộng công trình cấp nước theo quy định đối với dự án đầu tư công khẩn cấp. Đặc biệt, tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân, các tổ chức liên quan chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước ngọt”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum khuyến cáo.

Theo ghi nhận tại hồ Đăk Uy (Đập Mùa Xuân) dung tích nước hiện còn khoảng 16,3%, hồ Đăk Yên dung tích còn khoảng 23,5%, hồ Ia Bang Thượng dung tích còn 8,79%; các hồ chứa nhỏ như hồ Cà Tiên, hồ 6A, 6B, hồ C2, C3, C4, C19… chỉ còn lại phần dung tích chết. Điều này đã ảnh hưởng đến việc cấp nước tưới cho diện tích cây trồng, đặc biệt là cây cà phê do nắng nóng kéo dài.

Trong khi đó, theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, mực nước trên các sông cũng xuống mức thấp hơn nhiều so với các năm trước. Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20%; riêng sông Đăk Bla ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 40 - 60%. Đây là mức nước thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục