Kon Tum ngăn bệnh "kép" lan rộng trên cây sắn

16:17' - 03/08/2021
BNEWS Trước tình trạng cây sắn trên địa bàn huyện Kon Rẫy (Kon Tum) bị nhiễm bệnh khảm lá và thối rễ, chính quyền địa phương đã kịp thời vào cuộc nhằm sớm ngăn chặn tình trạng trên lan ra diện rộng.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy, huyện đã trồng được hơn 4.100 ha sắn, nhưng có khoảng 150 ha bị thối rễ, gần 18 ha sắn bị khảm lá, mức độ nhiễm bệnh từ 10-20% diện tích. Bệnh chủ yếu tập trung ở 2 xã Tân Lập, Đăk Ruồng.

Trước đó, đầu tháng 5, sau khi xuống hom giống và đến cuối tháng thời tiết mưa nắng thất thường, hai loại bệnh trên cây sắn bắt đầu xuất hiện và lây lan.

Với diện tích cây sắn khảm lá, khi lá vừa chớm thì bị khảm vàng loang lổ làm cho lá xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Còn diện tích sắn bị thối rễ, cây không phát triển được củ.

Ông Nay Y Khánh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy cho biết, khi cây nhiễm bệnh lá sẽ không quang hợp, ảnh hưởng năng suất.

Người dân chủ yếu dùng các loại giống sắn trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng nên diễn ra tình trạng khảm lá trên cây sắn.

Ngoài ra, khi xuống giống, người dân dùng giống sắn KM94 không đảm bảo chất lượng nên dẫn tới tình trạng cây sắn bị thối củ, rễ. Bệnh thối củ, rễ chủ yếu lây qua nấm phấn trắng, làm ảnh hưởng đến nhiều diện tích sắn của bà con.

Trước tình trạng bệnh "kép” xuất hiện trên cây sắn, Phòng Nông nghiệp huyện Kon Rẫy đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tuyên truyền cho người dân nhổ bỏ, đốt, tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng huyện Kon Rẫy tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây sắn để giúp người dân giữ vững diện tích sắn còn lại, hạn chế tối đa mức thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết thêm, huyện đã đề nghị người dân nhổ bỏ, tiêu hủy những cây sắn đã nhiễm bệnh theo đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp nên đến nay dịch bệnh cơ bản được khống chế.

Về lâu dài, người dân cần chuyển đổi diện tích trồng sắn sang trồng cây khác, cụ thể là cây ăn quả nhằm xử lý triệt để dịch bệnh, không làm thiệt hại đến thu nhập của người dân.

Nếu trồng lại, người dân không nên tái sử dụng hom sắn có nguồn gốc nhiễm bệnh và xử lý các điều kiện cần thiết khác trước khi triển khai mùa vụ mới.

Hiện nay, thời điểm trồng sắn đã qua (từ tháng 4 đến tháng 7) và để khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, huyện Kon Rẫy hỗ trợ từ 160 – 350 cây giống/ha để khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây sắn sang trồng cây trồng ăn quả như: sầu riêng, mít, bơ, xoài…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục