Kỳ họp HĐND Hà Nội: Vấn đề quản lý đô thị và đất đai "làm nóng" nghị trường

21:51' - 02/08/2016
BNEWS Các nhóm vấn đề quản lý đô thị, nhà ở, đất đai, trong đó quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị là vấn đề được các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn nhiều tại Kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Hà Nội ngày 2/8.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Với quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, các đại biểu đã xoay quanh một số vấn đề cơ bản như quy hoạch vùng ven sông Hồng, cải tạo chung cư cũ, vùng Hồ Gươm và ven Hồ Gươm… Đại biểu Đoàn Việt Cường, tổ bầu cử Mê Linh đã đề nghị UBND thành phố cho số liệu cụ thể về số lượng cơ sở sản xuất vi phạm quy định môi trường và phải di dời. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, tổ bầu cử Thạch Thất bày tỏ sự quan tâm đến quy hoạch khu vực quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận Hồ Gươm khi đặt câu hỏi liên quan đến căn cứ để xây dựng c ông trình tại số 22 -32 Lê Thái Tổ và dự án Tân Hoàng Minh tại khu phụ cận hồ. Bên cạnh đó, việc sử dụng công trình Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm gần Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục khi cho phép trưng bày sản phẩm gốm Chu Đậu cũng là vấn đề đại biểu Nam chất vấn. 

Về di dời các trụ sở, cơ quan, trường học gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc trả lời theo định hướng chung, tất cả cơ sở gây ô nhiễm sẽ phải di dời ra ngoài nội đô. Hiện nay đã rà soát được khoảng 117 cơ sở đưa vào diện di chuyển và đã di chuyển 26 cơ sở. Quỹ đất sau khi di chuyển các cơ sở được phục vụ chủ yếu cho việc bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu trong nội đô. Thực tế qua theo dõi mới di chuyển 2 bệnh viện (Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Bệnh viện K), trụ sở các ngành đã và đang chuẩn bị di chuyển. Việc thực hiện vẫn gặp khó khăn do quỹ đất của khối bộ, ngành không phải do Hà Nội quản lý. 

Với chất vấn của đại biểu Nguyễn Hoài Nam về sử dung Trung tâm văn hóa Hồ Gươm , Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, Trung tâm này đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng gần một năm và đang trong quá trình thử nghiệm để triển khai các chức năng. Trung tâm này không thuộc ranh giới khu di tích Quốc gia đặc biệt và chỉ có một phần bề mặt thuộc Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Công trình có 3 tầng, trong đó tầng 1 có tính chất không gian mở, có mật độ trống 70% để thực hiện các hoạt động trưng bày theo kỳ cuộc như trưng bày ảnh, hội hoạ, thông tin lịch sử Hồ Gươm và các khu vực văn hoá vùng Thủ đô Hà Nội. Việc triển khai triển lãm văn hoá quảng bá gốm Chu Đậu thuộc tỉnh Hải Dương, trên cơ sở phối hợp với Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro là sản phẩm văn hoá cơ bản của vùng Thủ đô nên UBND quận Hoàn Kiếm đã cho phép thực hiện. 

Trả lời thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội, ông Lê Vinh cho biết: Dự án khách sạn tại khu 22-32 Lê Thái Tổ chưa được phê duyệt, đang ở trong giai đoạn xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Bởi đây là công trình tương đối nhạy cảm. Đối với dự án Tân Hoàng Minh, chủ đầu tư đã chấp nhận phương án cũ đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt, chỉ xây dựng công trình 8 tầng tại vị trí này. 

Trực tiếp trả lời chất vấn liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch , Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, quan điểm của Thành phố là quản lý nghiêm túc và chặt chẽ. Thành phố Hà Nội đã ban hành quy trình quản lý nội đô. Về điều chỉnh quy hoạch sông Hồng - sông Thái Bình, đoạn sông Hồng qua nội đô sẽ được quy hoạch để tạo sự kết nối, cải tạo điều kiện sống (điện, đường, trường, trạm) cho 800 ngàn dân sinh sống tại khu vực ven sông. 

Công trình của Tân Hoàng Minh sẽ được chuyển đổi thành khách sạn 5 sao chứ không phải chung cư. Thành phố rất khuyến khích việc xây khách san, bởi trên địa bàn đang thiếu khoảng trên 20 ngàn phòng nghỉ khách sạn. Đây cũng là một trong những yếu tố cơ bản để phát triển du lịch Thủ đô, ông Nguyễn Đức Chung cho biết. 

Hiện nay, Hà Nội có tổng cộng 1.697 chung cư cũ, trong đó, hơn 200 chung cư của các bộ, ban, ngành đã được bán cho người dân. Trong 15 năm qua, mới cải tạo được 14 tòa chung cư, chiếm chưa tới 1%. Hiện UBND Thành phố đang triển khai công tác cải tạo chung cư theo tinh thần hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc cải tạo, quy hoạch phải theo cả khu nhà chứ không chỉ từng tòa nhà riêng lẻ. Vì thế, thành phố cũng kêu gọi các nhà đầu tư lớn, đầu tư cả khu để giải quyết bài toán kinh tế. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế đặc thù để tính tuổi các khu chung cư. Đồng thời, sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia trong công tác cải tạo các khu chung cư cũ nhằm tạo diện mạo mới cho đô thị Hà Nội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục