Kỳ họp thứ 10: Dành nguồn lực xứng đáng, bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng bị thiên tai

12:19' - 20/10/2020
BNEWS Sáng 20/10, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. 

 

Trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trình bày tại Quốc hội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, bên cạnh kết quả đã đạt được, cử tri và nhân dân còn lo lắng trước những tồn tại và đề nghị Nhà nước dành nguồn lực xứng đáng, bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng bị thiên tai. Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật. 

*Còn nhiều lo lắng, băn khoăn

Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả đáng mừng, có giải pháp phù hợp đối với các hoạt động thể thao, du lịch nhằm thích ứng với điều kiện dịch COVID-19. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất bức xúc và phản ánh về tình trạng còn nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong cộng đồng; tình trạng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, lối sống thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng xấu tới đạo đức xã hội, nhất là thanh, thiếu niên; cần sớm có giải pháp kịp thời chấn chỉnh tình trạng này.

Cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục, chính quyền các cấp đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường. Ngoài ra, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp tục xảy ra ở một số nơi, yêu cầu cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn.  

Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực tích cực, hiệu quả của ngành Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19, việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa, việc công khai giá trang, thiết bị y tế trên cổng thông tin của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phòng, chống dịch, lợi dụng chủ trương xã hội hóa để nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế công nhằm "trục lợi". Việc liên doanh, liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện công chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ, còn nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến việc câu kết, lợi dụng trong mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế khi thực hiện đề án xã hội hóa phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân, điển hình như vụ việc vi phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã nỗ lực chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn ra, điển hình như vụ ngộ độc liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay của Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Lối sống mới; việc bảo đảm an toàn thực phẩm của nhiều cơ sở sản xuất, trường học, khu công nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ; mong muốn các bộ, ngành có liên quan, các cơ quan chức năng, các địa phương quan tâm hơn nữa đến bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân còn lo lắng về chất lượng của một số loại thuốc chữa bệnh; phí dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng khám, chữa bệnh vẫn chưa tăng tương xứng; cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế còn nhiều khó khăn ở một số nơi, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện lớn vẫn diễn ra.

Cử tri và nhân dân cho rằng, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề vẫn diễn ra; rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ở các khu dân cư còn nhiều; việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn khó khăn, thiếu đồng bộ; tình trạng xả thải, đổ trộm rác thải ra môi trường vẫn chưa được kiểm soát tốt; an ninh nguồn nước cần được đặc biệt quan tâm hơn. Thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, việc ngăn chặn phá rừng, khai thác gỗ trái phép đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn xảy ra vi phạm ở một số địa phương.

Trước diễn biến khí hậu ngày càng khó lường và cực đoan, tình trạng sạt lở bờ sông, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và địa phương trong việc chủ động thực hiện các biện pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ưu tiên đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn hồ, đập; xây dựng kè, đê chắn sóng ở những khu vực xung yếu, cơ bản đáp ứng đủ nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, dành thắng lợi vụ Hè-Thu, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Cử tri và nhân dân mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng bị thiên tai, dành nguồn lực xứng đáng trong việc phòng ngừa, chống chịu với thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão.

*Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật

Về an ninh, trật tự và an toàn xã hội, cử tri và nhân dân đánh giá cao những kết quả trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, sự quyết liệt trong xử lý các đối tượng, băng nhóm giang hồ, xã hội đen và các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tội phạm công nghệ cao của ngành công an, cơ quan tư pháp và chính quyền các cấp trong thời gian qua.

Cử tri và nhân dân vẫn lo lắng về tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không tuân thủ hiệu lệnh giao thông, "chèn ép" nhau trên đường, chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp; tiếp tục xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người; tình trạng tắc đường, ngập úng, việc lấn chiếm trái phép lòng đường, hè phố vẫn chưa được khắc phục ở các thành phố, đô thị lớn.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật để khắc phục ngay những "lỗ hổng" về cơ chế xã hội hóa tại các cơ sở y tế công. 

Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các băng nhóm giang hồ, xã hội đen, các hành vi buôn bán ma túy, lừa đảo, đánh bạc và tội phạm công nghệ cao, các hành vi vi phạm về môi trường, quản lý tài nguyên; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục