Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Thông qua Luật đấu giá tài sản

18:44' - 17/11/2016
BNEWS Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 17/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật đấu giá tài sản.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật đấu giá tài sản. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Với 84,41% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật đấu giá tài sản. Theo đó, Luật đấu giá tài sản gồm 8 chương với 81 điều. Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. 

Về đối tượng áp dụng, Luật quy định rõ là: Đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản; tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá. Cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản. 

* Tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật

Tài sản đấu giá là tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật gồm: Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật. Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Cùng với đó là tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện. Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra là tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. 

Về nguyên tắc đấu giá tài sản phải tuân thủ quy định của pháp luật; bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên. Cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành, trừ trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện. 

* Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người liên quan đến đấu giá tài sản 

Đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, Luật quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá.

Trong trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua được tài sản đấu giá ngay tình. Việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá, khiếu nại, khởi kiện về hiệu lực pháp lý của cuộc đấu giá thành, việc hủy kết quả đấu giá tài sản quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 72 của Luật này được thực hiện theo thủ tục rút gọn của pháp luật tố tụng dân sự.

Còn trong trường hợp có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản đấu giá trước khi tài sản được đưa ra đấu giá nhưng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm tuân theo quy định của Luật này thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của người mua được tài sản đấu giá, trừ trường hợp kết quả đấu giá tài sản bị hủy theo quy định tại Điều 72 của Luật này. 

* Các hành vi bị nghiêm cấm 

Về các hành vi bị nghiêm cấm, Luật quy định: Nghiêm cấm đấu giá viên thực hiện các hành vi cho thuê, cho mượn hoặc cho các cá nhân, tổ chức khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình; lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, tổ chức, cá nhân khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá và kết quả đấu giá tài sản; hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật; vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan. 

Đồng thời, Luật nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các hành vi cho tổ chức khác sử dụng tên, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức mình để hành nghề đấu giá tài sản; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, tổ chức, cá nhân khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá và kết quả đấu giá tài sản; cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi; nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận. 

Luật này cũng nghiêm cấm người có tài sản đấu giá thực hiện các hành vi thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức, cá nhân khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá và kết quả đấu giá tài sản; nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản. 

Bên cạnh đó, Luật nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi: Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm mục đích làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản. Ngoài ra, Luật đấu giá tài sản cấm các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan. 

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017, trừ quy định tại khoản 2 Điều này; đồng thời khoản 4 Điều 80 của Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017./. 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục