Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Lựa chọn đúng và trúng nội dung chất vấn

21:21' - 09/06/2022
BNEWS Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, diễn biến phiên chất vấn lần này cho thấy, các nội dung, vấn đề được lựa chọn là đúng và trúng.

Sáng 9/6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại hội trường về việc tiếp cận các khoản vốn vay đúng đối tượng, tránh tình trạng trục lợi chính sách...

Thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 9/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại hội trường về việc tiếp cận các khoản vốn vay đúng đối tượng, tránh tình trạng trục lợi chính sách; nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc ứng dụng công nghệ số đối với hoạt động vay và cho vay…

*Hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn

Về ứng dụng, chuyển đổi số trong hoạt động cho vay, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động cho vay nhưng Việt Nam vẫn chưa triển khai được nhiều. Trước những ý kiến đề nghị ngành Ngân hàng có giải pháp, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, chuyển đổi số là một xu hướng ở các nước trên thế giới và nhiều nước đang tổ chức triển khai rất hiệu quả.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, trên thực tế ngành Ngân hàng là một trong những ngành rất tích cực trong vấn đề ứng dụng công nghệ và đã có các bước nền tảng để chuyển đổi số. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn xác thực khách, tức là khách hàng mở tài khoản trên phương tiện điện tử mà không cần đến ngân hàng. Đấy là những nền tảng ban đầu, nhưng đối với các hoạt động khác như thanh toán tiền, về cơ bản các ngân hàng đã thực hiện trên kênh số và người dân có thể ở nhà cũng tiếp cận được dịch vụ ngân hàng. Hiện nay, việc xác thực khách hàng, kể cả khách hàng đến trực tiếp ngân hàng cũng như thông qua phương tiện điện tử để mở tài khoản đã thực hiện tốt. Tuy nhiên, để biết khách hàng có khả năng trả nợ hay không lại là một điểm rất quan trọng đối với hoạt động tín dụng, hiện vẫn phải thực hiện trực tiếp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay, Bộ Công an đang triển khai rất quyết liệt việc xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, có thể kết nối với các bộ, ngành và các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước tích cực phối hợp với Bộ Công an để cập nhật dữ liệu về dân cư. Trong nỗ lực thực hiện ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tài chính, vừa rồi, một số ngân hàng đã kết nối và thử nghiệm thông qua căn cước công dân để kết nối với tất cả các ngành khác.

Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực ngân hàng, sáng 9/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thông tin làm rõ hơn một số nội dung đại biểu quan tâm.

Theo Phó Thủ tướng, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua và đặc biệt 5 tháng không ảnh hưởng nhiều đến tăng chỉ tiêu lạm phát, mà chủ yếu do tăng giá hàng hóa do tình hình giá cả áp lực tăng cao. Ví dụ, trong 5 tháng đầu năm, với 13 đợt tăng giá xăng dầu, giá tăng từ 7.300 – 7.900 đồng/lít làm cho giá xăng dầu tăng 49,9% trong 5 tháng, tác động đến tăng CPI chung khoảng chừng 1,8 điểm phần trăm”, Phó Thủ tướng nói.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo tín dụng tăng trưởng tích cực, mặt bằng lãi suất hợp lý, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vừa chống dịch, vừa nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Thông tin về kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, theo Phó Thủ tướng, thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 32/2021/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn.

Với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. Đây là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ trong thời gian qua.

*Hạn chế tối đa việc chậm tiến độ các công trình giao thông quan trọng

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng và chiều 9/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Đây là lĩnh vực cuối cùng được các các đại biểu Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 3.

Nội dung chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tập trung vào các vấn đề: Tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước; thực trạng, giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT...

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc việc triển khai thực hiện thu phí không dừng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30/6, toàn bộ các trạm BOT (trừ Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) phải hoàn thành lắp thiết bị thu phí không dừng đầy đủ các làn; mỗi trạm chỉ để lại 2 làn bên ngoài để xử lý trường hợp khẩn cấp.

Với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, do vừa tháo gỡ cơ chế, Chính phủ chỉ đạo đến ngày 31/7/2022 sẽ hoàn thành toàn bộ. Theo khảo sát, tiến độ lần này đã đảm bảo.

"Chính phủ rất cương quyết. Nếu đến ngày 30/6, các trạm BOT (trừ các trạm thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) không hoàn thành, chúng tôi sẽ dừng thu phí, tập trung làm khi làm xong sẽ cho thu phí lại", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, đến nay, Bộ đã thực hiện dán khoảng 3,2 triệu thẻ trên tổng số hơn 4 triệu ô tô, chiếm 69%. Ngày 1/6/2022, Bộ đã thí điểm thu phí không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, việc thực hiện diễn ra khá tốt. Đây là tiền đề để triển khai thực hiện tốt trong giai đoạn tới.

Giải trình về việc chậm tiến độ của các công trình giao thông quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vấn đề chậm tiến độ có nhiều lý do, trong đó lý do lớn là nguồn vốn bố trí không đủ. Tuy nhiên, từ năm 2016, theo Luật Đầu tư công, tất cả các dự án đều được bố trí đủ tiền. "Khi đủ tiền, chúng ta không lo về vốn nữa, do đó đã giải quyết được một phần", Bộ trưởng nói. Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các địa phương phải tập trung giải phóng để tiến độ các dự án được đẩy nhanh. Nêu thêm một số nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu những khó khăn về địa hình, địa chất, vùng sâu, vùng xa khi thực hiện dự án. Tiếp đến là yếu kém của Ban Quản lý dự án và nhà thầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã làm rõ nhiều nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn.

Báo cáo một số nội dung liên quan đến tổng thể triển khai đường cao tốc trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng cho biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, tới năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc.

Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị xác định, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 phải được hoàn thành, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai dự án này. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng nguồn lực bố trí cho đường cao tốc là 339 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025.

Về các danh mục triển khai đường cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ tập trung vào các dự án lớn là: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có chiều dài là 654 km; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có chiều dài 729 km. Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp này 5 tuyến cao tốc có chiều dài 549 km. Như vậy, tổng chiều dài toàn bộ các tuyến cao tốc đang triển khai là 1.932 km. Số km đường cao tốc đã hoàn thành tới thời điểm hiện nay là 1.290 km. Tính cả các công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác và các công trình đang triển khai là 3.222 km cao tốc.

Về tiến độ triển khai cụ thể các dự án, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư năm 2017 với chiều dài 654 km, đã khởi công rải rác trong 3 năm (2019, 2020 và 2021), sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với chiều dài 729 km được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường tháng 1/2022, hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù. Toàn bộ 729 km sẽ khởi công năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài là 2.063 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Các tuyến còn lại, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến khởi công tháng 6/2023 nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và cơ bản hoàn thành vào năm 2025, đưa vào khai thác, sử dụng năm 2026.

Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ khởi công vào tháng 6/2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2026.

"Như vậy, có thể thấy được tốc độ tập trung rất cao về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện nay, nhất là phát triển đường cao tốc. Qua tổng hợp số liệu trong giai đoạn vừa qua, tổng chiều dài tuyến cao tốc để triển khai giai đoạn 2021 - 2025 gấp 4 lần trong giai đoạn 2015 - 2020. Giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta triển khai 1.932 km trong khi giai đoạn 2015 - 2020 chỉ có 487 km. Tổng nguồn vốn đầu tư ngân sách thực hiện đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 cũng gấp gần 4 lần so với năm 2015 - 2020 (339 nghìn tỷ đồng/89 nghìn tỷ đồng)", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

*Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhanh hơn và hiệu quả

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Báo cáo, giải trình một số vấn đề được quan tâm, chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; đã thông báo tổng mức vốn 149.201 tỷ đồng, danh mục và mức vốn dự kiến cho 113 nhiệm vụ, dự án cụ thể. Cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình đã cơ bản hoàn thành.

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án; phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Việc triển khai Chương trình được chỉ đạo quyết liệt; nội dung này được đưa vào Phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng và Thủ tướng Chính phủ đã có 3 công điện để chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai Chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất, trong đó, hoàn thành, ban hành 4 văn bản trong tháng 6/2022, gồm: Hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu; phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công; hướng dẫn việc sử dụng Quỹ Viễn thông công ích để tiếp tục thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, Internet; sửa đổi Thông tư hướng dẫn về chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.

*Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi

Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu đánh giá phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhân dân và cử tri cả nước. Cùng với ba Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trả lời chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng đã tham gia trả lời, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ, báo cáo làm rõ hơn những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, diễn biến phiên chất vấn lần này cho thấy, các nội dung, vấn đề được lựa chọn là đúng và trúng, trong đó có nhiều vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách đầy đủ, căn cơ; cũng có nhiều vấn đề mới phát sinh, do đó đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân và của chính các đại biểu Quốc hội.

Kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy sự cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn.

Sau phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục