Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Phiên thảo luận thu hút sự quan tâm của cử tri

21:15' - 25/05/2018
BNEWS Phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình, thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri,

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 25/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.

Phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình, thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri. Phóng viên TTXVN tại một số địa phương đã ghi nhận ý kiến của cử tri về phiên thảo luận này.

* Tăng năng suất lao động, tập trung đầu tư những ngành nghề thế mạnh

Các cử tri tại Hải Phòng đánh giá cao phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu của thành viên Chính phủ.

Quan tâm đến vấn đề tăng năng suất lao động, doanh nhân Phạm Văn Tuân (phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng) cho rằng, thời gian qua, các diễn đàn kinh tế khu vực và trong nước đang bàn thảo sôi nổi về năng suất lao động của lao động Việt Nam so với lao động trong khu vực ASEAN.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Số liệu thống kê cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia và đặc biệt chỉ tương đương với 87,4% của Lào). Việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.

Từ thực tế này, ông Phạm Văn Tuân đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét đưa ra các chiến lược cụ thể, sát với yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời, tăng cường các giải pháp quyết liệt chỉ đạo để tăng năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu: Cần xác định lại ưu tiên trong đầu tư.

Từ con số thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, những năm gần đây, doanh thu từ ngành nông nghiệp, ngành du lịch cao hơn hẳn so với ngành khai thác, xuất khẩu dầu khí; song chi phí đầu tư cho ngành dầu khí lớn hơn hẳn ngành du lịch...

Ông Diệp cho rằng, Nhà nước cần xem xét, tính toán lại những ưu tiên trong thúc đẩy phát triển, chuyển dịch "cán cân" trong đầu tư; cần hỗ trợ, tập trung đầu tư cho những ngành nghề, lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, đem lại lợi ích cho đại bộ phận dân chúng như ngành nông nghiệp và du lịch...

Thời gian qua, du lịch không được quan tâm đúng mức nên thời gian qua đã phát triển manh mún, bất động sản xâm lấn đã phá vỡ nhiều quy hoạch du lịch, khiến ngành Du lịch bị hạn chế nhiều và rất khó nếu sau này làm lại. Ngành Nông nghiệp không được đầu tư, hỗ trợ đúng mức cho hệ thống thủy lợi, cơ chế chính sách thúc đẩy chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, xuất khẩu...

Liên quan đến vấn đề thực hiện đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công, ông Đỗ Việt Hưng (phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) nhận định, những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả Chính phủ, đất nước liên tục phát triển. Năm 2017 lần đầu tiên Chính phủ chỉ đạo điều hành cả nước thực hiện hoàn thành 100% các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội đã đề ra.

Trong đó, GDP tăng 6,81% cao nhất từ năm 2011 đến năm 2017; quý I năm 2018, GDP tăng 7,38% cao nhất của quý 1 trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay việc giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương đạt thấp, vốn đầu tư công năm 2017 mới giải ngân được 85,6% và hết quý I năm 2018 mới giải ngân được 9,4% vốn đầu tư công năm 2018.

Ông Đỗ Việt Hưng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng thể chế chính sách phải phù hợp với định hướng phát triển của đất nước. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt để thúc đẩy thực hiện đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo kế hoạch, không để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến quá trình đầu tư và phát triển

* Hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ có chính sách hợp lý tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch là nhân tố hàng đầu, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, những tháng đầu năm 2018; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Cần lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính. Hiện nay, ở nhiều địa phương doanh nghiệp gặp không ít rào cản, vướng mắc; nhất là khâu giải phóng mặt bằng, giá thuê đất cao không hợp lý giữa các địa phương.

Ông Sơn cho rằng, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng thời gian gần đây tồn tại không ít tiêu cực. Trong đó, cơ quan chức năng cần xem lại việc đấu thầu các công trình dự án gây nhiều nghi ngờ, thắc mắc trong dư luận. Thực tế đang diễn ra hiện tượng nhiều doanh nghiệp làm không hết việc, nhưng có doanh nghiệp không có công trình để làm.

Do vậy, vấn đề minh bạch, công khai là rất cần thiết. Cơ quan có thẩm quyền cần có quy định cụ thể về các thủ tục, giấy tờ, thời gian để doanh nghiệp không bị phiền hà, nhũng nhiễu, giảm chi phí gia nhập thị trường, giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức, nâng cao cạnh tranh bình đẳng; tạo động lực để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách.

Từ Bà Rịa Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Tổ chức BNI Đông Nam bộ cho rằng: Cần chính sách, hỗ trợ, tạo kết nối cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Thời gian qua, nước ta đã đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp phát triển đã tạo động lực rất lớn cho đội ngũ doanh nhân mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và một lực lượng xã hội tham gia khởi nghiệp, làm giàu.

Tuy nhiên, “không khí” khởi nghiệp cần được kiểm soát vì dễ tạo cho một bộ phận giới trẻ ảo tưởng, muốn làm chủ doanh nghiệp khi chưa đủ các điều kiện cần và đủ, chưa “lăn lộn” để có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực mình khởi nghiệp đã liều vay vốn gia đình, người thân, hoặc bán, thế chấp tài sản để khởi nghiệp. Khả năng những doanh nghiệp khởi nghiệp này rơi vào thua lỗ rất lớn, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Một số địa phương thời gian qua do nôn nóng, manh nha có hiện tượng lập ra các quỹ khởi nghiệp đặt trong các sở, ngành, đoàn thể sẽ góp phần tạo ra “không khí” khởi nghiệp ảo, đồng thời, rất dễ phát sinh tiêu cực, đầu tư không đúng mục đích, làm thất thoát tiền của Nhà nước.

Vì vậy, Nhà nước chỉ nên có các cơ chế, chính sách như giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo những kết nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn; tạo cơ chế cho các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và nước ngoài mở tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển hiệu quả, thực chất.

* Hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội

Đồng tình với ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về vấn đề đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội với phát triển văn hóa, bà Lê Thị Thắm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cho rằng: Văn hóa là nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, tạo ra các giá trị, sản phẩm làm giàu đẹp cuộc sống. 

Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, những tháng đầu năm 2018; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Tuy nhiên, hiện nay, nếp sống văn hóa đang có nhiều bất cập, đó là những rườm rà trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Việc xây dựng làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới còn chạy theo phong trào chưa đi vào hiệu quả thực chất; tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trầm trọng tại nhiều nơi ở Hưng Yên như các huyện: Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Kim Động, hệ thống sông Bắc Hưng Hải...

Các vụ bạo hành trẻ em, đánh nhau gây thương vong còn xảy ra. Cụ thể như trên địa bàn Hưng Yên chỉ trong vòng hai tuần trở lại đây đã xảy ra hai vụ án mạng làm ba người chết, hai người bị thương.

Do vậy, cần có giải pháp hữu hiệu trong việc xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, không chạy theo phong trào; cần nhân rộng những điển hình tiên tiến theo phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu"; coi trọng xây dựng nền văn hóa với những con người có nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp./.

Xem thêm:

>>>Thông cáo số 5 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

>>>Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Không còn lo lắng việc “diệt chuột sợ làm vỡ bình”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục