Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Chất vấn các thành viên Chính phủ nhiều vấn đề nóng

20:17' - 31/10/2018
BNEWS Thực hiện Chương trình làm việc, ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường về chất vấn và trả lời chất vấn.

Đây là ngày thứ hai Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện 6 Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, trong đó có 3 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 3 nghị quyết về chất vấn.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn và tranh luận đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành như: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn xoay quanh vấn đề: Sửa đổi các quy định không phù hợp trong giáo dục; tăng cường liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp; việc khởi kiện các quyết định hành chính, nhất là những vụ án hành chính liên quan đến đất đai; xử lý thông tin độc, bẩn trên môi trường mạng; giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử; chức năng, nhiệm vụ của bộ máy thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường; vấn đề xác lập quyền sở hữu tài sản đầu tư trên đất; giải pháp làm sạch và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; quản lý đất đai sau cổ phần hóa; liên kết vùng trong phát triển du lịch; bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán…

Đề cập đến vấn đề quản lý nhà nước trên môi trường mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, quan trọng nhất là vai trò của các bộ, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, việc đấu tranh đối với các vi phạm trên không gian mạng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là giáo dục, thông tin, tuyên truyền để tất cả mọi người được “xoá mù” về tri thức công nghệ, đặc biệt là những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một xu hướng tất yếu của các quốc gia và nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, công tác này đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này chưa đạt được như kỳ vọng và rất cần hoàn thiện thể chế pháp lý, cần có quy định về kết nối và chia sẻ dữ liệu, quy định về bảo mật thông tin cá nhân, định danh cá nhân, lưu giữ hồ sơ điện tử...

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy thanh tra ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, với khối lượng công việc rất lớn, so với tương quan số lượng thanh tra ngành hiện nay là khoảng 40 người, thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và phối hợp tích cực với Thanh tra Chính phủ, thanh tra nhà nước ở địa phương.

Về vấn đề làm sạch sông Nhuệ - sông Đáy, theo Bộ trưởng, giải pháp là cần thiết là thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực môi trường, đồng thời cần có Ban Chỉ đạo liên ngành về vấn đề này.

Các vấn đề về quản lý đất đai, định giá quyền sử dụng đất trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; giải pháp quản lý hóa đơn tránh gây thất thu ngân sách… đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 31/10.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Theo Bộ trưởng, việc quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai sau cổ phần hóa ở mỗi địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh, việc quản lý đất đai của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa rất hệ trọng. Dù doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước hay thành phần khác khi chuyển đổi vẫn phải thu hồi đấu giá.

Trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng kinh doanh không xuất hóa đơn VAT vẫn phổ biến, dẫn tới người tiêu dùng chịu thiệt, Nhà nước thất thu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, tình trạng một số người nộp thuế không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế gây thất thu ngân sách vẫn còn khá phổ biến.

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, các cơ quan cần thực hiện tốt Nghị định 119 về hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai đồng bộ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, hóa đơn điện tử.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, đây là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được Bộ đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện.

Thừa nhận nhiều di sản văn hóa của đồng bào dân tộc có nguy cơ mai một và biến dạng và chưa có điều kiện để bảo tồn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, một trong số những nguyên nhân cơ bản của vấn đề là do không có nguồn ngân sách riêng cho lĩnh vực này, đồng thời đề nghị huy động sức mạnh của toàn xã hội để nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

Về vấn đề chú trọng liên kết vùng trong khai thác và phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, du lịch là một ngành mang tính liên vùng, liên ngành, có tính chất xã hội hóa cao. Cho rằng, du lịch vùng Đông Bắc thời gian qua chưa được đánh giá, khai thác đúng tiềm năng, Bộ trưởng khẳng định trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành sẽ quan tâm hơn đến du lịch của Bắc Kạn nói riêng cũng như các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung.

Về việc tiếp công dân định kỳ, đối thoại với công dân của UBND các cấp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận, bên cạnh những địa phương, bộ, ngành làm tốt công tác tiếp công dân, vẫn còn một số người đứng đầu không thực hiện nghiêm quy định. Nhấn mạnh việc sẽ kiên quyết xử lý sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra và kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, trước mắt phải sửa Luật Thanh tra.

Liên quan đến vấn đề án hành chính tăng, tỷ lệ giải quyết thấp, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, bên cạnh hạn chế về phía tòa án thì sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính là nguyên nhân phổ biến gây ra hạn chế trên.

Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến người dân mất hy vọng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, số đơn gửi giám đốc thẩm, tái thẩm những năm gần đây rất nhiều.

Đây là cơ hội cuối cùng của người dân nên phải xem xét thận trọng. Về giải pháp, Chánh án cho rằng phải nâng cao chất lượng xét xử, đội ngũ cán bộ tòa án nhằm hạn chế sai sót dẫn đến kháng nghị, khiếu kiện lên giám đốc thẩm, tái thẩm.

Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian tới, sẽ gắn với hai trục xoay: Tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất công nghệ cao, đồng thời triển khai đồng bộ 6 giải pháp mà Chính phủ đề ra. Trong đó, tăng cường liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, huy động doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu từ dự báo, xác định nhu cầu đào tạo, quy mô, cơ cấu, chuyển mạnh sang đào tạo gắn với đầu ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục