Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Xác định trách nhiệm quản lý nguồn thải

14:42' - 31/10/2018
BNEWS Sáng 31/10, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời một số câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy thanh tra ngành; việc xác lập quyền sở hữu tài sản đầu tư trên đất; công tác làm sạch và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

* Phối hợp thông suốt trong thanh, kiểm tra quản lý, sử dụng đất đai

Đại biểu Quốc hội Lữ Thanh Hải (Khánh Hòa) nêu vấn đề về việc thời gian gần đây xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý Nhà nước về đất đai, giao đất, thu hồi đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, lấn chiếm mặt nước biển trái phép… Các cơ quan chức năng, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, kịp thời xử lý, chấn chỉnh. Mặc dù vụ việc liên quan đến công tác quản lý đất đai, vi phạm, song đại biểu cho rằng, ít thấy thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường vào cuộc để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Từ đó, đại biểu Lữ Thanh Hải đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về sự phù hợp trong chức năng, nhiệm vụ đảm nhiệm của bộ máy thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường trong tình hình hiện nay? Bộ trưởng có chỉ đạo giải pháp gì khắc phục những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực trên?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng thanh tra về hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường; thanh tra chuyên ngành trong những lĩnh vực có liên quan đến tài nguyên. Như vậy đối tượng thanh tra là các cơ quan quản lý và cơ quan, chủ thể, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân...

Trong hai năm qua, thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành hơn 1.000 cuộc thanh tra, trong đó có xử lý về hành chính, trách nhiệm, thu hồi lại kinh phí.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Cao Thị Giang phát biểu tranh luận. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Lý giải một trong những nguyên nhân khiến thanh tra ngành vào cuộc thiếu hiệu quả trong một số vụ việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ: “Thanh tra môi trường của chúng tôi có trách nhiệm thực hiện các thanh tra đột xuất liên quan đến vấn đề bức xúc, nóng hoặc do phát hiện ra sai phạm.

Các công việc này chiếm khoảng 30% khối lượng công việc hiện nay chúng tôi làm. Bên cạnh đó, còn các vấn đề đất đai, tài nguyên môi trường đã để lại trong thời gian dài, vấn đề quản lý các vi phạm, khiếu kiện tố cáo…

Chính phủ hằng năm giao cho chúng tôi một khối lượng công việc cùng với Thanh tra Chính phủ, thanh tra các địa phương để giúp Chính phủ kiểm tra lại các kết quả xử lý của các cấp ở địa phương”.

Ở góc độ trách nhiệm, vai trò chỉ đạo của ngành trong vấn đề thanh tra, Bộ trưởng đánh giá, với khối lượng công việc đồ sộ như trên, so với tương quan số lượng thanh tra ngành hiện nay là khoảng 40 người, thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đầy đủ việc phối hợp với Thanh tra Chính phủ, thanh tra Nhà nước ở địa phương ban hành kế hoạch tổng thể, xác định nhiệm vụ, vấn đề cần quan tâm, cần kiểm tra, thanh tra.

Những hoạt động chung này đã tạo nên sự phối hợp tích cực trong cả ngành thanh tra nói chung, từ đó đem tới hiệu quả là rất nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý, thu lại tiền của cho Nhà nước cũng như đảm bảo sự minh bạch, công bằng, trong đó có xử lý tài sản, xử lý vấn đề trách nhiệm, chuyển từ hành chính sang hình sự.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, nhiệm vụ đặt ra với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh tra là hết sức quan trọng; đồng thời cho biết trong thời gian tới Bộ đã xây dựng đề án đề nghị tăng cường về năng lực, trang thiết bị, trách nhiệm đội ngũ đối với lực lượng thanh tra ngành trên toàn quốc.

* Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực môi trường

Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (thành phố Hà Nội) đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề làm sạch sông Nhuệ - sông Đáy. Liên quan đến việc làm sạch, bảo vệ môi trường tại khu vực hai con sông Nhuệ - Đáy, theo Bộ trưởng cần có Ban Chỉ đạo liên ngành về vấn đề này. Ban Chỉ đạo liên ngành phải xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương với tư cách người quản lý toàn bộ các nguồn thải của địa phương đó.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay số liệu thống kê nguồn nước thải của các địa phương từ nước thải sinh hoạt, làng nghề, công nghiệp… đã có đầy đủ. Từng địa phương cần có lộ trình cắt giảm phát thải nước thải đối với lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Một vấn đề khác cần quan tâm là sửa đổi cơ chế chính sách, đặc biệt là thu hút nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp tư nhân có đủ công nghệ, năng lực.

Vấn đề tài chính của Nhà nước và đóng góp chi phí của chủ thể gây ô nhiễm cũng cần được xác định rõ, trong đó có trách nhiệm của người dân, các làng nghề, khu công nghiệp trong vấn đề nước thải sinh hoạt.

Bộ trưởng cho rằng, cần xem xét chi phí hợp lý để ngoài nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ vẫn đảm bảo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư, vừa mang lại hiệu quả cho xã hội, vừa mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. “Trên tinh thần đó, tôi tin rằng hoàn toàn có thể giải quyết được bài toán đối với sông Nhuệ - sông Đáy”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, vấn đề cơ chế, chính sách, pháp luật cần sớm được hoàn thiện. Bộ trưởng khẳng định, khi nhìn nhận ở góc độ này có liên quan đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, bố trí xem xét hình thức đấu thầu các dự án, giảm bớt thời gian để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Liên quan đến chi phí nhà nước và người dân, doanh nghiệp… cùng đóng góp, Bộ trưởng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương để sớm có cơ chế về phí phù hợp, sớm xử lý vấn đề môi trường, đầu tư hạ tầng liên quan đến thu gom nước thải tập trung. Bên cạnh đó, vấn đề về cải tạo đô thị, cảnh quan cũng cần được quan tâm thực hiện theo hướng luôn gắn với bảo vệ môi trường, quản lý thu gom tập trung hệ thống nước thải.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) về công tác xác lập quyền sở hữu tài sản đầu tư trên đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 về việc quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã quy định rõ, đầy đủ các quyền đăng ký cũng như quyền thế chấp các tài sản trên đất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục