Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 3)

16:51' - 20/05/2024
BNEWS Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 3).

Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo (Phần 3):

"c) Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều đổi mới, được tập trung nguồn lực thực hiện.

Nghiêm túc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát, hoàn thiện, trình Quốc hội các dự án luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5[38] và Kỳ họp thứ 7 khóa XV, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Chính phủ tổ chức 4 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; tích cực ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành; trình Quốc hội cho phép một số luật có hiệu lực ngay trong tháng 7/2024; chủ động rà soát, kịp thời sửa đổi, ban hành nhiều quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh[39].

Tập trung triển khai các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được triển khai tích cực[40]. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, người nước ngoài[41].

Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số được tăng cường[42], trong đó có việc xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển hạ tầng số[43], dịch vụ công trực tuyến[44]. Triển khai Đề án 06 đã mang lại kết quả tích cực và thay đổi có tính chất căn bản trong chuyển đổi số; cung cấp nhiều ứng dụng, tiện ích phục vụ doanh nghiệp và người dân, góp phần xây dựng xã hội văn minh, phòng ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội[45].

Tổ chức triển khai Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, không ngừng, không nghỉ và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là công tác thu hồi tài sản cho nhà nước, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

d) Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Triển khai hiệu quả các chính sách quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được ưu tiên đầu tư, nhất là những trụ cột chính, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là vấn đề biên giới, biển đảo; luôn phát huy tốt vai trò xung kích, nòng cốt, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, gian khó, hiểm nguy.

Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn sự bình yên cho Nhân dân; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện quốc tế và quan trọng; đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, ma túy, lừa đảo, sử dụng công nghệ cao... đạt kết quả tích cực[46]; tăng cường phòng, chống cháy nổ, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về giao thông.

Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, là điểm sáng “ấn tượng”; phối hợp hiệu quả giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển.

Thực hiện hiệu quả các chương trình đối ngoại cấp cao[47], đưa quan hệ hợp tác song phương vào chiều sâu, thực chất và phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương. Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; các cam kết, thỏa thuận được thực hiện tích cực. Công tác bảo hộ công dân được triển khai kịp thời. Vị thế và uy tín của nước ta ngày càng được nâng lên.

đ) Về xử lý các vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài

Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực. Trong đó, đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống[48].

Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được triển khai và đạt kết quả bước đầu[49]. Ba nhà máy phân đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi[50].

Ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về xử lý Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy[51].

Tích cực tháo gỡ các vướng mắc của nhiều dự án điện, năng lượng quan trọng, trong đó Dự án điện khí Lô B - Ô Môn đã được phê duyệt quyết định đầu tư, ký kết hợp đồng mua, bán điện, khí; Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã triển khai tái cấu trúc quản trị, điều hành, tối ưu hóa sản xuất kinh doanh; Dự án điện Long Phú 1 đang đàm phán, xử lý vướng mắc để sớm tái khởi động…

2.2. Về tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức

Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp[52]; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.

Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn[53].

Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu[54].

Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi.

Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Thiên tai[55], dịch bệnh[56], ngộ độc thực phẩm[57], cháy rừng[58], tai nạn lao động, tai nạn giao thông[59], tội phạm ma túy[60], tội phạm sử dụng công nghệ cao[61] còn diễn biến phức tạp.

2.3. Về nguyên nhân

Những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát sao, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, kịp thời, bài bản, khoa học, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp, các địa phương; sự ủng hộ, tin tưởng, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành.

Nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, xuất phát điểm thấp, năng lực nội tại còn hạn chế, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao, trong khi có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài.

Những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế kéo dài từ lâu, bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn, trong đó có các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, ngân hàng yếu kém.

Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một số cán bộ, công chức còn chưa chủ động, quyết liệt, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...

2.4. Về bài học kinh nghiệm

(1) Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Quán triệt, nghiêm túc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

(2) Phải nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt. Điều hành chủ động, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương; triển khai nhanh chóng, hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành.

(3) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Tích cực, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; kiên định, bản lĩnh, quyết tâm cao, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

(4) Lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.

(5) Công tác thông tin, truyền thông, phải kịp thời, chủ động, chính xác, tạo sự phấn khởi, lạc quan và đồng thuận xã hội. Phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, quyết tâm cao, đổi mới sáng tạo.

(còn tiếp)

-----------------------------------------------------------

[38] Thông qua 2 luật, 2 nghị quyết: Luật Đất đai 2024, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị quyết số 111/2024/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết số 112/2024/QH15 về sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

[39] Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 57 nghị định và 6 quyết định quy phạm pháp luật.

[40] Đến 13/5/2024, có 54/56 địa phương thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính, dự kiến sắp xếp 47 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 13 đơn vị; dự kiến sắp xếp 1.247 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 624 đơn vị.

[41] Trong 4 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 145 quy định kinh doanh; phân cấp giải quyết 61 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 179 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm từ năm 2021 đến nay là 2.866 quy định kinh doanh; phân cấp 206 thủ tục hành chính; đơn giản hóa 763 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Tất cả các bộ, ngành đã công bố tổng số 645 thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

[42] Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi. Có 88% (29/33) các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc các trường Đại học Y, Dược đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; có 12/47 (25,5%) Sở Y tế đạt tỷ lệ 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

[43] Hiện nay có 100% xã, phường, thị trấn có kết nối Internet băng thông rộng, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước. Nhiều trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại được khánh thành, đi vào hoạt động như của Viettel, VNPT, CMC…; Trung tâm dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai. Cơ bản hoàn thành đấu giá băng tần 5G, cấp phép cho VNPT và Viettel kinh doanh dịch vụ 5G.

[44] Đến nay, đã có hơn 14,3 triệu tài khoản và hơn 47,5 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; hơn 26,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12,6 nghìn tỷ đồng. Triển khai 42/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4 (tăng 6 dịch vụ công thiết yếu so với cuối năm 2023). Đã triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06, tiết kiệm được cho Nhà nước và xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.

[45] Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đã được kết nối, chia sẻ với 18 bộ, ngành, 63 địa phương. Đến nay, đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, kích hoạt gần 54 triệu tài khoản và tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin. Ứng dụng VNeID được người dân hưởng ứng sử dụng với số lượng truy cập khoảng 29,3 triệu lượt/tháng; doanh nghiệp xác thực căn cước khoảng 500 nghìn lượt/tháng; 100% học sinh nộp hồ sơ và xét điểm ưu tiên thông qua dữ liệu dân cư.

[46] Trong 3 tháng đầu năm, đã điều tra, khám phá 10.925 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 80,1% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 75%); triệt phá 44 băng, nhóm tội phạm; phát hiện, xử lý 2.236 vụ, 3.358 cá nhân, 5 tổ chức phạm tội về trật tự quản lý kinh tế.

[47] Từ đầu năm đến nay, đã triển khai thành công trên 20 chuyến công tác nước ngoài của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tổ chức đón tiếp chu đáo 6 đoàn lãnh đạo cấp cao quốc tế thăm Việt Nam. Đặc biệt, đã nâng cấp quan hệ với Australia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

[48] Hoàn thành việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024.

[49] Tình hình tài chính đã được cân đối, lỗ lũy kế, nợ có xu hướng giảm. Tính đến ngày 30/4/2024, số lỗ lũy kế đã giảm 20%; nợ xấu tín dụng chịu rủi ro đã giảm 37,7% (giảm 15.000 tỷ đồng). Bộ máy tổ chức đã tinh giản còn 30 đầu mối, giảm 35%.

[50] Trong 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu của 3 dự án nhà máy phân đạm (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai) đạt 3.937 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 75,2 tỷ đồng; sản phẩm được tiêu thụ toàn bộ, máy móc vận hành ổn định ở công suất cao (trên 90%).

[51] Đã ban hành Nghị quyết số 220/NQ-CP ngày 22/12/2023 về Kế hoạch tổ chức thực hiện Thông báo số 23-TB/TW ngày 28/12/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy.

[52] Tính đến ngày 23/4/2024, dư nợ tín dụng tăng 1,6% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 2,66%).

[53] Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

[54] Các ngân hàng thương mại đã cam kết tín dụng cho 15 dự án nhà ở xã hội với số tiền cam kết khoảng 7 nghìn tỷ đồng; mới giải ngân cho 12 dự án với tổng số tiền 956 tỷ đồng.

[55] Tính chung 4 tháng đầu năm, thiên tai làm 12 người chết, mất tích, 21 người bị thương; 25.540 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; trên 5,3 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; trên 8,8 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính trên 377,9 tỷ đồng, tăng 3,64 lần so với cùng kỳ.

[56] Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 15,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 11,1 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 149 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; 29 trường hợp tử vong do bệnh dại.

[57] Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 24 vụ với 835 người bị ngộ độc (3 người tử vong).

[58] Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 388,5 ha rừng bị thiệt hại, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 259,7 ha, giảm 27,1%; diện tích rừng bị cháy là 128,8 ha, giảm 27,5%.

[59] Tính chung bốn tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 8.548 vụ tai nạn giao thông (tăng 21,8%), làm 3.568 người chết (giảm 13,3%), 3.885 người bị thương (tăng 33%).

[60] Trong quý I/2024, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý 9.408 vụ, 14.847 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 112 kg heroin, 650,22 kg và 741.885 viên ma túy tổng hợp, hơn 765 kg cần sa (tăng 29,55% số vụ; 36,42% số đối tượng). Bộ Quốc phòng đã phát hiện bắt giữ 401 vụ/542 đối tượng (tăng 162 vụ/209 đối tượng, thu giữ 457,319 kg ma túy các loại (tăng 263,145 kg so với cùng kỳ năm 2023).

[61] Các hành vi sử dụng không gian mạng để tổ chức đánh bạc và đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ, tiền giả, giấy tờ giả gia tăng trong giai đoạn giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Hoạt động thu thập, mua bán trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân diễn ra công khai trên một số diễn đàn, hội nhóm không gian mạng.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 1)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 2)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 4)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 5)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục