Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 4)

16:52' - 20/05/2024
BNEWS Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 4).

Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo (Phần 4):

"II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỜI GIAN TỚI

1. Bối cảnh

Tình hình thế giới, khu vực thời gian tới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo thách thức, áp lực lớn lên chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Trong nước, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, đẩy mạnh tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

2. Quan điểm chỉ đạo, điều hành

Một là, quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu.

Hai là, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành. Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách kịp thời.

Ba là, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra. Tranh thủ tối đa thuận lợi, thời cơ cho phát triển. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Bốn là, tăng cường đoàn kết, thống nhất; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.

Năm là, trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội; động viên, cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

(1) Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới[62]. Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh[63].

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; mở rộng cơ sở thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là từ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thương mại điện tử xuyên biên giới…; thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử, không để chậm trễ kéo dài.

Triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên; rà soát, kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra. Quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định; chú trọng thanh tra, kiểm tra; áp dụng hóa đơn điện tử và tăng cường thông tin, truyền thông[64].

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1 - 2%[65]. Đẩy mạnh giải ngân Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ hoặc chậm giải ngân sang các bộ, cơ quan, địa phương khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia và các Chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.

Tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, khai thác thị trường tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết.

Đẩy nhanh đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Khối thị trường chung Nam Mỹ...

Phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, thực hiện tốt Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

(2) Tiếp tục đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật[66]. Bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách, quy định mới, thí điểm, đặc thù trình Quốc hội. Khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các luật, nghị quyết đã được thông qua[67].

Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập kéo dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; chấn chỉnh và hướng tới chấm dứt tình trạng sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy nhanh số hóa, tái sử dụng dữ liệu, tăng cường tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, tạo chuyển biến rõ nét trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần tiết giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

(3) Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.

Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém.

Triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tích cực tham gia và thực hiện các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa cao. Tập trung xử lý các doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài.

Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi, dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao[68]. Triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện[69]. Bảo đảm an ninh năng lượng, cung ứng xăng dầu, không để thiếu điện trong mọi tình huống.

Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Phát triển mạnh nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực trong nước và thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Tích cực triển khai Đề án 01 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long[70]. Triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ thẻ vàng IUU.

Đẩy mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế; tiết giảm chi phí vận tải. Phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; tăng cường công tác quản lý giá dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; phấn đấu năm 2024 thu hút được 18 triệu lượt khách quốc tế. Sớm ban hành và triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch đến năm 2030.

(4) Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng[71], nhất là thi công 1.000 km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km[72], mở ra không gian, động lực phát triển mới, làm tăng giá trị gia tăng quỹ đất, giảm chi phí logistics[73]. Đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối[74].

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, sớm đưa hạ tầng 5G vào khai thác và vận hành thương mại; thúc đẩy phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là dự án trung tâm dữ liệu quốc gia. Tăng cường triển khai Đề án 06 gắn với tích hợp, chia sẻ dữ liệu, hình thành hệ sinh thái công dân số. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số.

Tập trung hoàn thành phê duyệt các quy hoạch còn lại; thúc đẩy phát triển liên kết vùng, phát huy vai trò của Hội đồng vùng; thực hiện hiệu quả quy hoạch đã được phê duyệt. Tích cực triển khai Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam[75].

(5) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo[76]. Đẩy nhanh xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030; thực hiện tự chủ giáo dục đại học; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp[77].

Thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và tăng cường liên kết mạng lưới đổi mới sáng tạo[78]. Xây dựng cơ chế trọng dụng nhà khoa học và thí điểm chính sách ưu đãi đặc thù. Khẩn trương ban hành và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Đề án Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn; phấn đấu đến năm 2030 có 50 - 100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn.

(còn tiếp)

------------------------------------------------------------------

[62] Các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Các động lực tăng trưởng mới gồm đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách; liên kết vùng; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

[63] Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2024 với tổng số tiền dự kiến khoảng 98 nghìn tỷ đồng; trong đó có giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng quy mô gói tín dụng ưu đãi cho ngành lâm sản, thủy sản lên 30 nghìn tỷ đồng và đang xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho ngành lúa gạo; kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024.

[64] Chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vàng thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trước ngày 15/6/2024; rà soát, sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng và báo cáo kết quả trong tháng 5/2024; đồng thời, làm tốt công tác thông tin, truyền thông.

[65] Nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…

[66] Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

[67] Nhất là Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước…

[68] Nhất là điện tử, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen, điện khí, điện gió ngoài khơi...

[69] Trong đó, khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách: (i) Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; (ii) khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; (iii) phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ.

[70] Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

[71] Các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang; cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

[72] Trong năm 2024 sẽ đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc.

[73] Chi phí logistics trung bình của Việt Nam còn cao, khoảng 17 - 18% GDP, trong khi bình quân chung của thế giới là 10 - 11%.

[74] Đồng thời, sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải quan trọng kết nối vào các cảng biển lớn. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và sớm khởi công các dự án trọng điểm bảo đảm tiến độ, chất lượng; phấn đấu trình chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2024 và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng khác như Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm.

[75] Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[76] Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục suốt đời và bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp lệnh năm 2024; đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 - 5 tuổi và Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non. Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới và Giáo dục thường xuyên; đổi mới giáo dục mầm non, tạo nền móng vững chắc cho trẻ bước vào cấp học phổ thông.

[77] Sớm xây dựng và ban hành văn bản thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[78] Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao; tạo sự chuyển biến trong đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 1)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 2)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 3)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Toàn văn Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Phần 5)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục