Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận tồn tại

18:48' - 13/06/2017
BNEWS Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận công tác quản lý nhà nước của Bộ còn nhiều tồn tại.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 13/6 tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Là Tư lệnh ngành thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu liên quan đến việc quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật;

khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội cũng như công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch. 

Khắc phục hạn chế, kiện toàn công tác cán bộ 

Phát biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý nhà nước của Bộ còn nhiều tồn tại.

Sự việc vừa qua xảy ra tại Tổng cục Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn dù vì bất cứ nguyên nhân và lý do gì cũng thực sự đáng tiếc. Đây là bài học sâu sắc về công tác quản lý nhà nước của ngành. “Là Bộ trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu đối với sự việc vừa qua.

Chúng tôi cũng đã và đang tập trung quyết liệt để chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đổi mới tư duy và phương pháp quản lý, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ và phương pháp điều hành của công chức thực thi công vụ để công tác quản lý nhà nước của ngành ngày càng hiệu quả hơn”. Bộ trưởng cho biết.

Theo đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra ba hạn chế cơ bản của lĩnh vực quản lý hoạt động văn hóa và đều xoay quanh năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, đó là tư duy quản lý lạc hậu, nặng về cấp phép, xin cho, không kịp thời nắm bắt các văn bản pháp luật.

Tuy nhiên, 7 giải pháp để chấn chỉnh lĩnh vực này lại không có giải pháp nào liên quan trực tiếp đến việc thanh lọc, xử lý những bất cập của yếu tố con người, đại biểu đặt câu hỏi về các giải pháp của Bộ trưởng để giải quyết vấn đề này trong nhiệm kỳ của mình.

Một lần nữa thể hiện sự cầu thị, không ngại trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận “sự việc xảy ra vừa rồi có thể nói do năng lực cán bộ. Cũng khẳng định nếu năng lực cán bộ tốt thì đã không xảy ra những chuyện như vậy”.

Liên quan đến việc thu hồi 5 bài hát cấp phép, không cấp phép rồi cho lưu hành lại, hay việc cập nhật 324 bài hát lên website với những cái sai không đáng có, Bộ trưởng khẳng định đây là sai về nghiệp vụ rất sơ đẳng của quản lý nhà nước.

Những sự việc xảy ra liên quan đến Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận trách nhiệm và đề ra các giải pháp, kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân, trên cơ sở đó có những giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nâng cao nghiệp vụ cán bộ.

Song, câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khiến đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) băn khoăn. Đại biểu tranh luận: Bộ trưởng khẳng định Cục Nghệ thuật biểu diễn không có bất kỳ một văn bản hành chính thể hiện cấp phép cho 324 bài hát, trong đó có bài Quốc ca. 

Đây chỉ là cập nhật danh sách các bài hát lên website, thể hiện tinh thần đơn giản một bước về thủ tục hành chính.

Đại biểu đặt lại vấn đề, “giả sử đây là cấp phép thật thì có sai không. Nếu sai thì hiểu Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múc nhạc, sân khấu) là như thế nào?”.

Dẫn giải quy định của Nghị định, “tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn”;

“trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức thẩm định và quyết định cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”, đại biểu Phương đặt câu hỏi nếu cấp phép là sai, Nghị định này sẽ hiểu và thực hiện như thế nào? 

Chấn chỉnh tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui 

Quan tâm đến vấn đề hướng dẫn viên du lịch hoạt động chui, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, thời gian qua, tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui đã làm xói mòn vẻ đẹp và nét văn hóa du lịch Việt Nam, đồng thời làm giảm nguồn thu ngân sách đất nước. Đại biểu chất vấn về trách nhiệm và giải pháp để khắc phục vấn đề trên.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui xảy ra ở Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, đặc biệt vào mùa vụ du lịch nở rộ, lượng khách du lịch một số nước tăng đột biến, một số thị trường khách sử dụng ngôn ngữ hiếm. Hiện nay, cả nước có 18.960 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có hơn 11.000 hướng dẫn viên quốc tế và gần 8.000 hướng dẫn viên nội địa.

So với lượng khách quốc tế trên 10 triệu hiện nay và 62 triệu lượt khách nội địa, số này là đủ, nhưng mất cân đối nhiều về ngôn ngữ. Có nhiều thị trường khi khách vào hầu như không có ngôn ngữ nên công tác lữ hành xảy ra tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên cục bộ.

Để xử lý tình trạng đó, Bộ trưởng cho biết đã thực hiện giải pháp quản lý cấp thẻ hướng dẫn viên và công khai danh sách hướng dẫn viên được cấp thẻ trên trang web hướng dẫn viên; ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch trên toàn quốc.

Bộ sẽ phạt nặng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không cấp phép. Đồng thời, Bộ tập trung đào tạo cấp thẻ hướng dẫn viên, bổ sung cho những điểm đến có khách du lịch tăng cao, tăng cường sử dụng hướng dẫn viên từ các địa phương khác đến làm việc, phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm để phối hợp hướng dẫn viên.

Luật du lịch (sửa đổi) đang trình Quốc hội cũng đã đưa vào tiêu chuẩn hướng dẫn viên, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội chấp nhận, thông qua để giải quyết vấn đề thiếu hụt hướng dẫn viên.

Nhiều vấn đề khác liên quan đến xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp, chấn chỉnh các chương trình biểu diễn nghệ thuật phản cảm, các giải pháp căn cơ giải quyết thực trạng xuống cấp đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống… cũng được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Theo Bộ trưởng, bảo tồn nghệ thuật truyền thống hiện khó khăn vì khán giả rát ít đến với loại hình này.

Vừa qua, Bộ chủ trương giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống, tổ chức biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Khán giả đến đông nhưng kết quả bước đầu chưa nói lên tương lai đối với loại hình nghệ thuật truyền thống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục