Ký kết đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

14:59' - 12/11/2016
BNEWS Việc xây dựng hợp tác xã gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề lớn, cấp bách và là chiến lược lâu dài, trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch Liên minh HTX Võ Kim Cự ký kết Nghị quyết liên tịch. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS

Đổi mới và phát phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 là nội dung của lễ ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 12/11.

Tại lễ ký kết, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định: Việc xây dựng hợp tác xã gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề lớn, cấp bách và là chiến lược lâu dài, trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Nếu giải quyết được vấn đề nông nghiệp, phát triển các hợp tác xã gắn với tái cấu trúc lại sẽ nâng cao đời sống vật chất, giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại.

Theo ông Võ Kim Cự, hiện còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, do đó, cần có sự phối hợp để giải quyết điểm nghẽn trong tiêu thụ sản phẩm, công nghệ cao và hình thái tổ chức sản xuất.

Cũng theo ông Võ Kim Cự, hiện 18 tỉnh gần như thả nổi không có đơn vị nào theo dõi kinh tế hợp tác. Nếu như huyện, xã mà không có mô hình doanh nghiệp trong nông nghiệp thì không thể công nghiệp hoá.

Hơn nữa 2 bên cần phối hợp tổ chức xây dựng các mô hình thí điểm rồi nhân rộng ra các khu vực làm đầu mối cho hệ thống tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Ngoài ra, cần dồn mọi nguồn lực ưu tiên cho công nghệ cao, nhất là ưu tiên về giống.

Đặc biệt, phải kiên trì vận động tuyên truyền kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc, trước hết là cấp uỷ trong phát triển kinh tế hợp tác.

Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt chú ý đến 2 nhân tố quyết định tổ chức thành công là Hợp tác xã và Doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu trong Nghị quyết liên tịch giữa 2 bên là phấn đấu đến năm 2020 có 300 nghìn tổ hợp tác, 15 nghìn hợp tác xã, 100 liên hiệp hợp tác xã trong nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn trước để hình thành 300 nghìn tổ hợp tác.

Đây chính là mục tiêu quan trọng bởi muốn trở thành hợp tác xã quy mô nhỏ thì cần phải có tổ hợp tác, phù hợp với quản trị, phù hợp nhóm đặc thù sản xuất, phù hợp vùng miền.

Như vậy 3 trục sản phẩm cấp quốc gia, tỉnh, địa phương đều cùng đồng loạt có mô hình đó và nhân rộng ra thì tái cơ cấu nông nghiệp về cụ thể hóa mới thành công.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Giai đoạn 2016-2020, hai bên cần phối hợp triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp thuộc các chương trình khác trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các địa phương thực hiện tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, triển khai phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực quy mô lớn, có sức lan tỏa như: lúa gạo, trái cây, ca cao, điều, tiêu, cà phê, thủy sản, gia súc, gia cầm, các loại rau an toàn….

Mặt khác, xây dựng một số mô hình cụm liên kết ngành, các tổ hợp nông nghiệp gắn với công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Phối hợp thúc đẩy xây dựng các chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn tại các tỉnh thành phố để hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục