Kỹ năng mà giới trẻ tại ASEAN cần để ứng phó với những thách thức trong tương lai

17:21' - 16/05/2017
BNEWS Kể từ khi được thành lập cách đây 50 năm, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chứng kiến sự thay đổi to lớn về khoa học công nghệ của thế giới.
Kỹ năng mà giới trẻ tại ASEAN cần để ứng phó với những thách thức trong tương lai. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh những thuận lợi nhất định mà sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số mang lại, các quốc gia thành viên ASEAN còn phải đối mặt với không ít những thách thức, đòi hỏi chính phủ và người dân các nước này cần nhạy bén và nâng cao các kỹ năng để vượt qua khó khăn nhằm duy trì sự ổn định và phát triển của mình.

Trong bài báo với tựa đề: “Các kỹ năng để ASEAN đối phó với những thách thức trong tương lai” đăng trên báo "Jakarta Globe” của Indonesia mới đây, hai tác giả Annie Koh và Juliana Koh thuộc Đại học Quản trị Singapore, nhận định bản thân người dân tại 10 quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt là giới trẻ vốn hiểu biết về công nghệ và kỹ thuật số, cần xây dựng và phát triển các kỹ năng để có thể phát triển hơn nữa trong tương lai.

Theo hai tác giả, một trong những kỹ năng quan trọng mà giới trẻ cần phát triển để tận dụng các tài sản kỹ thuật số ở ASEAN là kỹ năng cứng và mềm. Kỹ năng cứng đồng nghĩa vời việc nắm bắt, dịch và giải thích dữ liệu thông qua phân tích dữ liệu và học hỏi từ máy móc.

Những người trẻ cũng phải có khả năng lọc và đánh giá số lượng dữ liệu khổng lồ, từ đó rút ra những hiểu biết sâu sắc từ việc phân tích dữ liệu.

Trong khi đó, kỹ năng mềm bao gồm sự đồng cảm, khiêm tốn, sự chú ý, cởi mở, kiên nhẫn, kiên trì, trí tuệ cảm xúc, sự hiểu biết về xã hội và hành vi. Điều này thúc đẩy khả năng trực quan và sáng suốt để đạt được sự thật cần thiết và nâng cao hiểu biết sâu sắc.

Kỹ năng tiếp theo mà người trẻ cần phát triển là khả năng hiểu biết về văn hóa và bản sắc của nhau.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ mới đòi hỏi một sự thống nhất chung - một sự thống nhất trong sự đa dạng, giới trẻ tại các nước ASEAN cần phải thống nhất và giữ vững bản sắc ASEAN để ứng phó với những thách thức của một tương lai bất định.

Việc xây dựng năng lực giao thoa chéo có thể bắt đầu từ chương trình học trong các trường học qua các môn về lịch sử, ẩm thực và văn hoá của các quốc gia.

Hợp nhất trong một bản sắc chung của ASEAN có thể tạo điều kiện cho việc tạo ra việc làm, đồng thời cũng giúp những người trẻ kết nối vào sân chơi chung toàn cầu, tạo ra các hệ sinh thái công nghệ mới.

Cuối cùng, giới trẻ tại ASEAN cũng cần phải nâng cao kỹ năng kết nối mạng. Những người trẻ tuổi cần có tinh thần học tập một cách sâu rộng, thu thập kiến thức trong một hoặc nhiều lĩnh vực để có thể trở thành một phần của cộng đồng mạng, từ đó đóng góp cho sự đa dạng của nguồn tài nguyên này.

Cách tiếp cận này là kết hợp các kỹ năng cấp ngành với sự đa dạng ở cấp độ cao hơn, thúc đẩy một xã hội thịnh vượng hơn, đồng thời cũng giúp con người trở nên bao dung với nhau hơn, từ đó cùng phấn đấu vun đắp, xây dựng một khu vực ổn định, phồn thịnh.

Việc xây dựng và phát triển các kỹ năng trên phụ thuộc rất lớn vào ý chí và quyết tâm của giới trẻ ASEAN trong việc theo đuổi những đam mê và mục tiêu của mình.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các quốc gia ASEAN cũng cần quan tâm, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để người dân các quốc gia thành viên tích cực hưởng ứng và tham gia một cách tích cực, hiệu của vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới.

Làm được những điều đó đồng nghĩa sẽ giúp bảo tồn và phát huy sự thống nhất, đoàn kết của ASEAN, từ đó giúp các nước trong khối có thể đạt được mục tiêu đã nêu trong tầm nhìn ASEAN vào năm 2025 với một khu vực năng động, phát triển, lấy người dân làm trung tâm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục