Kỷ nguyên số và thách thức phát triển nguồn nhân lực

10:43' - 17/03/2018
BNEWS Kỷ nguyên kỹ thuật số gắn liền với những đột phá về công nghệ, internet, kỹ thuật số, thực tế ảo…, đã và đang phát triển với một tốc độ chóng mặt chưa từng thấy trên toàn thế giới.
Kỷ nguyên số và thách thức phát triển nguồn nhân lực. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thị trường lao động, việc làm của Việt Nam là lĩnh vực được dự báo sẽ chịu nhiều tác động nhất khi các chuyên gia nhận định rằng, Việt Nam sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ ngày càng gia tăng.

*Lao động giản đơn liệu có bị triệt tiêu?

Kỷ nguyên kỹ thuật số gắn liền với những đột phá về công nghệ, internet, kỹ thuật số, thực tế ảo…, đã và đang phát triển với một tốc độ chóng mặt chưa từng thấy trên toàn thế giới. Các chuyên gia cho rằng, kỷ nguyên số sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, khi máy móc dần thay thế con người. Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của nó, nhất là khi lực lượng lao động còn rất dồi dào nhưng lại thiếu năng lực và kĩ năng.

Không phải ngẫu nhiên, năm APEC 2017, trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC đã tổ chức riêng cuộc Đối thoại Chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Bởi các nền kinh tế khu vực APEC đã nhìn ra những thách thức sẽ phải đối mặt đối với thị trường lao động.

Các quan chức cao cấp của APEC đã nhận định rằng, kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ tạo nguy cơ dư thừa lao động ở một số ngành nghề. Bên cạnh đó, kỹ nguyên kỹ thuật số sẽ triệt tiêu lao động giản đơn, nhất là người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và thủ công. Điều này có thể sẽ tạo ra thất nghiệp và gây bất ổn xã hội.

Đặc biệt, kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Các nhà kinh tế và khoa học cảnh báo, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của Robot (người máy), số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tương lai việc làm toàn cầu thay đổi nhanh chóng bởi sự tiến bộ công nghệ do người máy, máy tính và số hóa; toàn cầu hóa, sản xuất và công việc ngày càng chuyên môn hóa. Các mối quan hệ việc làm và sự gia tăng việc làm dễ bị tổn thương với sự chênh lệch về giới trong thị trường lao động. Tại một số nền kinh tế trong khu vực, công nghệ mới sẽ được áp dụng triệt để trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Điều này có thể sẽ dẫn tới sự cắt giảm số lượng lớn những lao động ở trình độ thấp. Tại Thái Lan, riêng trong ngành sản xuất ô tô, hơn 60% lao động được trả lương và 73% lao động đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử và 86% trong ngành dệt may, da giày cũng trong tình trạng đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Trên phạm vi toàn cầu, lao động trong lĩnh vực trí óc và chân tay đã tăng liên tục so với lao động thường xuyên kể từ những năm 1980.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, các nhóm lao động đều bị tác động đặc biệt là các nhóm lao động yếu thế như tuổi cao, trình độ kỹ năng thấp…Điều này có thể dẫn tới việc làm có thể mất đi nhưng cũng có thể mở ra cơ hội khi nhiều lĩnh vực mới được mở ra.

Theo ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, kỷ nguyên kỹ thuật số và công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau. Ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành thâm dụng lao động như may mặc, điện tử. Đây là các ngành có số lượng công nhân lên đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn lao động nên sẽ gặp nhiều thách thức khi tự động hóa ngày càng gia tăng.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là nước có nhiều ngành sử dụng nhiều lao động cao nên thách thức lại càng thể hiện rõ hơn mà ngành dệt may là một ví dụ. Ngành dệt may Việt Nam sẽ mất lợi thế về nhân công giá thấp và tay nghề cao. Với trình độ tự động hóa cao, sử dụng robot, tất yếu lượng lao động sẽ giảm mạnh. Không những thế, các khâu trong quá trình sản xuất, lưu thông được kết nối với nhau nhờ internet nên chi phí quản lý, thiết kế cũng được giảm đáng kể. Như vậy, lợi thế về nhân công giá thấp sẽ không còn, dẫn đến nguy cơ sản xuất hàng dệt may sẽ dịch chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển.

Bên cạnh việc những ngành sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng, các chuyên gia cũng cho rằng, nguồn nhân lực của Việt Nam còn đối mặt với thách thức khi thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện nay Việt Nam đang thiếu hụt lao động có trình độ cao, công nhân lành nghề cũng như nhân lực trình độ cao làm việc trong các ngành, các lĩnh vực có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nguồn nhân lực của Việt Nam trẻ, học nhanh, nhưng kỹ sư công nghệ thông tin và nhân lực quản lý trình độ cao đang còn thiếu và yếu.

*Thúc đẩy việc làm bền vững

Trước những thách thức của kỷ nguyên kỹ thuật số với thị trường lao động, Việt Nam đã tích cực chủ động nhằm tận dụng tối đa những cơ hội và giảm thiểu các thách thức.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiệm vụ phải đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời phát huy tiềm lực khoa học, công nghệ, tăng nhanh năng suất lao động xã hội và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Với mục tiêu tăng cường hợp tác khu vực và trên thế giới trong phát triển nguồn nhân lực để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số, Việt Nam cần tập trung vào các hành động ưu tiên trong lĩnh vực phát triển hệ thống thị trường lao động, kỹ năng, giáo dục, dạy nghề và an sinh xã hội.

Theo bà Miranda Kwong, chuyên gia về kinh tế lao động thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, có nhiều cơ hội có thể tận dụng từ kỷ nguyên kỹ thuật số để đem tới những thay đổi tích cực, cải thiện mô hình việc làm, năng suất và chất lượng cuộc sống. Công nghệ có thể tạo ra hoặc thay đổi việc làm khi những cải tiến mới có thể giúp dịch chuyển người lao động sang những ngành nghề hiện chưa tồn tại, ví dụ như các công việc liên quan tới phục vụ khách hàng.

Để nắm bắt đầy đủ nhất những lợi thế và giúp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế nhờ tăng năng suất và điều kiện việc làm tốt hơn Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa vai trò của nguồn nhân lực làm nền tảng cốt lõi của quá trình phát triển thông qua việc tạo ra và thúc đẩy việc làm bền vững.

Để làm được điều này, Việt Nam cần tăng cường các thể chế quản lý thị trường lao động, đặc biệt là đảm bảo đối thoại xã hội công bằng và hiệu quả nhằm xây dựng sự đồng thuận, ổn định trong quan hệ lao động và sự thịnh vượng chung. Đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới, nâng cấp công nghệ và trình độ quản lý tại chính doanh nghiệp. Đối với người lao động, cần nâng cao kỹ năng từ quá trình học tập suốt đời, đào tạo và đào tạo lại...

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng được các cơ hội của kỹ nguyên kỹ thuật số, việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng.

Theo ông Đàm Bạch Dương, Việt Nam cũng cần thay đổi chính sách đào tạo nguồn nhân lực từ cấp phổ thông đến đại học làm sao để tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao thích ứng với kỷ nguyên số và công nghiệp 4.0.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Quốc Phương, Chính phủ cần có ngay chương trình cụ thể hỗ trợ và thúc đẩy các trường học, đặc biệt là các trường đại học và trung tâm hướng nghiệp đào tạo nguồn nhân lực mạnh trên các lĩnh vực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nhân để họ học hỏi, triển khai ứng dụng công nghệ thông qua việc đưa những thành tựu, sản phẩm và thực tế.

Quan trọng hơn, Chính phủ cần cam kết hỗ trợ mạnh mẽ như có chính sách miễn, giảm thuế, cho vay ưu đãi... đối với các doanh nghiệp startup, những người sẽ là nòng cốt trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Chuyên gia Lê Quốc Phương đề cập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục