Kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam: Nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất thép

09:11' - 30/04/2017
BNEWS Vùng đất thép Củ Chi anh hùng giờ đây đã trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ...

Từ những cánh đồng cằn cỗi hay đầm lầy hoang vu, bị bom đạn cày phá sau giải phóng miền Nam, đến nay, vùng đất thép Củ Chi anh hùng giờ đây đã trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng như hiệu quả từng “tấc đất” nông nghiệp ở vùng nông thôn.

Công nhân phơi khô cá Sặc tại Hợp tác xã Thủy sản Tương Lai (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, cuộc sống của gia đình anh Trần Quốc Thới ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Tp.Hồ Chí Minh trở nên khấm khá hơn, dù thu nhập từ nghề nông là chính.

Với 3ha diện tích chuyên trồng cà tím, anh Thới đã mạnh dạn đầu tư công nghệ canh tác hiện đại vào sản xuất, như hệ thống màng phủ và tưới tiết kiệm, khác hẳn với cách làm truyền thống nhiều năm trước của nông dân trên địa bàn.

Theo anh Trần Quốc Thới, phương pháp này không chỉ giúp tiết kiệm phân bón, nước, hạn chế được sâu bệnh do mình sử dụng màng phủ mà còn tiết kiệm được nhân công tưới, tiền điện.

Từ đó giúp cho chi phí sản xuất giảm xuống, trong khi năng suất lại tăng lên thấy rõ.

Nhờ sự linh hoạt trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất này mà toàn bộ sản lượng cà tím được công ty nông sản thu mua xuất khẩu sang Nhật Bản, với giá ổn định, đem lại lợi nhuận 150 – 200 triệu đồng/năm cho gia đình.

Hiệu quả của công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Tp.Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét nhất tại các doanh nghiệp.

Trong khu Nông nghiệp công nghệ cao của thành phố, những trang trại đều được xây dựng theo mô hình nhà màng, nhà kính, cách ly với các tác nhân gây bệnh, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Kết hợp với đó là hệ thống tưới nước, bón dinh dưỡng tự động, đảm bảo độ sạch, ngon và chất lượng cho nông sản.

Ông Huỳnh Đoàn Thông, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Chánh Phong cho biết, nhờ áp dụng công nghệ, mà công ty chuyên làm giống này còn có thể nâng hiệu quả sản xuất lên 30% so với thông thường, có điều kiện để tuyển lựa được các gen tốt, sản xuất ra nguồn giống sạch bệnh.

Đây là những yếu tố đầu tiên để nông sản có năng suất chất lượng cao, đồng đều, thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh lớn tại các vùng nông nghiệp trọng điểm.

Hiện công ty này đang cung cấp giống cho trên 30.000 ha ở các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên.

Những giống công ty bán cho nông dân trồng được bà con tín nhiệm, vì có tính kháng bệnh cao, năng suất tốt, phù hợp với xuất khẩu.

Riêng mặt hàng rau sạch, hàng năm Chánh Phong cũng đang xuất khoảng 200 tấn rau ăn quả các loại sang thị trường Nhật Bản.

Xác định công nghệ là chìa khóa để phát triển kinh tế, từ nhiều năm nay Tp.Hồ Chí Minh đã tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào trong sản xuất.

Đây được xem là những hạt nhân đầu tiên, đã thực hiện tốt vai trò đầu tàu, lan tỏa công nghệ vào thực tiễn sản xuất của cả nông dân và doanh nghiệp, thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành nông nghiệp thành phố.

Theo ước tính, từ khi áp dụng công nghệ vào sản xuất, tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng lên từ 40 - 100%, hiệu quả kinh tế trên 1 diện tích đất tăng lên từ 3 - 4 lần so với trước đây.

Dẫn dắt nông nghiệp đô thị phát triển

Việc Tp.Hồ Chí Minh bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao có lẽ phải kể từ năm 2004, khi UBND thành phố phê duyệt chương trình phát triển hoa, cây cảnh và cá cảnh.

Đây được xem là bước “tái cơ cấu” đầu tiên của ngành nông nghiệp thành phố, theo hướng chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống với lúa là cây trồng chính sang nền nông nghiệp đô thị có giá trị kinh tế cao hơn.

Cùng với đó, kế hoạch xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao (huyện Củ Chi) và Trung tâm công nghệ sinh học thành phố (Quận 12) đã đóng vai trò dẫn dắt nền nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong bối cảnh đất đai bị hạn chế về diện tích.

Vườn ổi của gia đình anh Nguyễn Văn Tài (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi). Mỗi ngày, gia đình thu hoạch hơn 200kg ổi bán với giá từ 8.000 – 12.000 đồng/kg. Hiện tại, vườn ổi của gia đình anh Tài rộng 8.000m2 với 2.000 gốc ổi Nữ Hoàng và lê Đài Loan. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Những điều này đã góp phần làm thay đổi rõ rệt nền nông nghiệp của thành phố

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp.Hồ Chí Minh, nếu bình quân giai đoạn 2006 – 2010, nông nghiệp Tp.Hồ Chí Minh tăng trưởng với tốc độ 5%/năm trong khi cả nước chỉ tăng 3,2%/năm thì sang giai đoạn 2011-2014, GDP ngành nông nghiệp thành phố tăng mức bình quân lên 5,8%/năm, trong khi con số này của cả nước vào khoảng 3%/năm.

Bên cạnh đó, giá trị và hiệu quả sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp cũng không ngừng tăng lên, từ 63 triệu đồng/ha/năm vào 2005 đã tăng lên hơn gấp 2 lần, đạt 155 triệu đồng/ha/năm vào năm 2010.

Năm 2016, giá trị sản xuất bình quân trên mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 410 triệu đồng/ha/năm, tăng 9,3% so với năm 2015.

Không dừng lại ở những thành quả đạt được, cuối năm 2016, Tp.Hồ Chí Minh phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025.

Đây được xem là bước đột phá tiếp theo của ngành nông nghiệp thành phố, với việc dự kiến sẽ xây dựng hạ tầng cho 4 Khu Nông nghiệp công nghệ cao, cử cán bộ đi đào tạo tại các nước có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Hà Lan, Mỹ, Pháp... với tổng kinh phí hơn 2.600 tỷ đồng.

Ông Liêm cho rằng, với chương trình này, thành phố đặt kỳ vọng nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 60 - 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả thành phố vào năm 2020.

Trong đó, 50 - 60% hộ nông dân, 70 - 80% doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch.

Ngoài ra, hoạt động cơ giới hoá, tự động hoá được áp dụng trong quá trình chăn nuôi, xử lý chất thải… cũng được khuyến khích đẩy mạnh.

Không chỉ liên tục phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, Tp.Hồ Chí Minh còn định hướng trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn, bảo vệ môi trường; đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng, sữa của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua, thành phố đã ký kết hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều địa phương, từ các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đã có nhiều đoàn cán bộ, nông dân các tỉnh về Tp.Hồ Chí Minh tham quan, học tập phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, tạo động lực để cả ngành nông nghiệp cùng phát triển.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục