Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Chú trọng nhu cầu thị trường

13:48' - 23/04/2017
BNEWS Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Nhà nước phải có cơ chế chính sách mở về nguồn vốn, cơ chế thu hút đầu tư, đất đai, quản lý từng dự án rõ ràng mới là điều quan trọng hiện nay.
Cần có chính sách hỗ trợ đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với chương trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để làm được điều đó thì nhà nước phải có cơ chế chính sách mở về nguồn vốn, cơ chế thu hút đầu tư, đất đai, quản lý từng dự án rõ ràng mới là điều quan trọng hiện nay.

Cần chính sách mở

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chủ trương triển khai gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất ưu đãi từ 0,5 - 1,5% cho các doanh nghiệp vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai quy hoạch và mời gọi đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện chính quyền địa phương các tỉnh sẵn sàng phê duyệt các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp và nông dân cùng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể Công ty Cổ phần Việt Úc đầu tư mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Ninh Thuận, Bình Thuận…; dự án sản xuất chuối già Nam Mỹ của Công ty TNHH xuất nhập khẩu – sản xuất – chế biến gỗ Cà Mau tại huyện U Minh, vùng nông nghiệp công nghệ cao tại huỵên Kiên Lương, Kiên Giang; dự án nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Ecofarm tại Đồng Tháp đã được hỗ trợ cơ chế đầu tư, vốn.

Các dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Tiền Giang và Hậu Giang đã được Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tổng thể 11 khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 tại 8 vùng sinh thái khác nhau trong cả nước.

Tại tỉnh Đồng Tháp đã có 95.539 ha cánh đồng liên kết sản xuất lúa, chiếm 18% diện tích xuống giống toàn tỉnh, với gần 56.000 hộ nông dân tham gia. Tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa hữu cơ với hai giống lúa IR 50404, VD 20, giúp nông dân giảm giá thành từ 10 đến 20%, tăng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm và lợi nhuận thu được đạt 15,2 triệu đồng/ha.

Để thực hiện được điều này, Đồng Tháp đã triển khai mô hình giảm giá thành sản xuất lúa với sự tư vấn, hướng dẫn của Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tỉnh đã triển khai gần 20 mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái trên ruộng lúa, quản lý rầy nâu bằng biện pháp sinh học kết hợp công nghệ sinh thái, sản xuất lúa sử dụng phân hữu cơ, luân canh lúa – tôm, lúa – đậu tương, ứng dụng hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại trên cây lúa góp phần theo dõi và quản lý dịch hại đạt hiệu quả.

Theo ông Lê Viết Bình, Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay đã thông thoáng hơn về cơ chế chính sách, vượt qua giới hạn về hạn điền, mở rộng quy định diện tích sản xuất để bất kì người dân nào tham gia sản xuất đều phát triển trên diện tích hiện có của mình, thay cho quy định diện tích sản xuất tối thiểu là 1 ha như trước đây.

Theo đó, các địa phương cũng đã bỏ quy hoạch theo số lượng khu nông nghiệp công nghệ cao, các đơn vị có đủ khả năng về diện tích đất sản xuất, thiết bị công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm, tổ chức, khả năng chiếm lĩnh và mở rộng thị trường có thể được cấp phép xây dựng thành khu nông nghiệp công nghệ cao.

  Lấy thị trường làm thước đo sản xuất

Để nông nghiệp công nghệ cao phát triển ổn định, nguồn vốn đầu tư của Chính phủ đạt hiệu quả cao nhất thì phải có doanh nghiệp đầu tàu tìm kiếm và ký hợp đồng trực tiếp với thị trường tiêu thụ sản phẩm của nông dân.

Để nông nghiệp công nghệ cao phát triển ổn định thì phải có doanh nghiệp đầu tàu tìm kiếm và ký hợp đồng trực tiếp với thị trường tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây chính là hình thức liên kết chuỗi mà doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã thực hiện. Tuy nhiên, với chương trình này, nông dân cần áp dụng công nghệ để sản xuất, thay cho sản xuất thủ công như trước đây.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ, thông qua mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, nguồn vốn hỗ trợ 100.000 tỷ đồng sắp triển khai sẽ được đầu tư ngược lại cho nông dân trang bị các thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, muốn nguồn vốn này đầu tư đúng hướng, Chính phủ phải dựa trên các dự án sản xuất và tiêu thụ cụ thể, đó là thông tin thị trường, sản phẩm, số lượng hộ nông dân tham gia sản xuất sản phẩm cùng loại, quy trình công nghệ sẽ được đầu tư áp dụng trong sản xuất và chế biến của doanh nghiệp, mỗi dự án phải có lợi cho thị trường, nông dân, tạo việc làm cho nông dân, khuyến khích nông dân tham gia sản xuất được trên chính mảnh ruộng của mình…

“Không những vậy, Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo để xem xét và phê duyệt tính khả thi của từng dự án, từ đó tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng điều động vốn cho phù hợp từng dự án, phát huy hiệu quả cao nhất, đưa các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và từng dự án quy hoạch để đảm bảo không sản xuất tràn lan, đại trà, làm giảm giá trị sản phẩm, ảnh hưởng đến nông dân. Có như vậy mới giúp nền nông nghiệp Việt Nam vươn xa hơn nữa”, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Hiện nay cách tiếp cận với công nghệ cao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn đơn giản so với nhiều nước trên thế giới.

Các doanh nghiệp cũng chỉ mới áp dụng được nhà màng, các thiết bị cải tiến môi trường bên trong nhà màng, sử dụng cây giống sạch, cây giống cấy mô, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hơn so với trước đây.

Nếu Việt Nam mở rộng và nâng cao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm sẽ hỗ trợ cho nông dân lẫn doanh nghiệp rất nhiều. Cụ thể, nông nghiệp công nghệ cao giúp rút ngắn thời gian sản xuất cây và con giống.

Điển hình như việc sản xuất giống khoai tây bằng công nghệ sinh học giúp rút ngắn thời gian xuống còn 3 tháng, thay vì mất 1 năm như cách nhân giống thông thường, vừa cho giống chất lượng tốt, sản lượng cao.

Khi công nghệ được đưa vào sản xuất thì hàng ngàn nông dân được hưởng lợi từ chương trình này và sẽ gián tiếp đóng góp vào ngân sách thông qua các hoạt động mua sắm, tiêu dùng, kích thích các ngành nghề khác phát triển, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

So với trình độ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của các nước trên thế giới thì Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Hiện nay nhiều quốc gia đã tiến tới sử dụng điện toán đám mây để quản lý lượng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý sâu bệnh trên từng ô ruộng, loại cây, từng vật nuôi.

Theo ông Lê Viết Bình, Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển đúng hướng ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường thì cần phát triển đồng bộ nhiều yếu tố đào tạo nhân lực cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng và linh động thị trường, tránh trường hợp thừa cung, giảm giá trị sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục