Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Đề Ngữ văn gợi mở, phân hóa được năng lực thí sinh

13:09' - 09/08/2020
BNEWS Theo đánh giá chung của thí sinh và giáo viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đề thi môn Ngữ văn năm nay vừa sức với phần đông thí sinh, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Sáng 9/8, các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 đã hoàn thành buổi thi đầu tiên với môn Ngữ văn sau 120 phút làm bài.

Theo đánh giá chung của thí sinh và giáo viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đề thi môn Ngữ văn năm nay vừa sức với phần đông thí sinh, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

*Thí sinh không bất ngờ với câu nghị luận

Theo ghi nhận của phóng viên tại các điểm thi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh cho biết, đề thi vừa sức và không quá bất ngờ. Thí sinh Phạm Hà Mỹ Linh, trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) cho biết, em làm được 70% đề thi và khá tự tin với phần phân tích tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” trong bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vì đây là một trong những bài em đã ôn tập khá kỹ.

“Em thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay đang diễn ra mạnh và đất nước mình đang chung tay, đoàn kết chống dịch. Từ thực tiễn đó, em đã chú tâm học các tác phẩm nói về tinh thần yêu nước. Vậy nên em không quá bất ngờ với đề thi năm nay”, Mỹ Linh chia sẻ thêm.

Thí sinh Lê Hoàng Minh Chi, trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức,) cho biết: “Em không quá bất ngờ khi đề ra bài Đất nước bởi vì mỗi ngày các phương tiện truyền thông đều nhắc đến tinh thần đoàn kết trong việc chống dịch COVID-19 và kêu gọi mọi người chung tay chống dịch như chống giặc. Thế nhưng phân tích thơ không phải là thế mạnh của em, em đoán mình làm được 60% đề thi”.

Khá tự tin sau khi hoàn thành bài thi Ngữ văn, em Nguyễn Thiên Di, học sinh trường THPT Năng khiếu Thể dục thể thao (Quận 1), chia sẻ: Câu nghị luận xã hội trong đề thi Văn năm nay khá sát với thực tế. Em dự kiến xét tuyển đại học bằng khối A1 nên Ngữ văn không phải là môn sở trường nhưng em nghĩ mình có thể được 7 điểm ở môn thi đầu tiên này.

*Giáo viên đánh giá đề thi hay, sát thực tế

Đánh giá về đề thi môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thu Phượng, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) cho rằng: Tất cả câu hỏi của đề thi Ngữ văn đều rõ ràng, mạch lạc, không lắt léo mang tính đánh đố nhưng vẫn mang tính gợi mở và có khả năng phân hóa năng lực thí sinh.

Tổng thể đề thi được sắp đặt logic, chặt chẽ, dẫn dắt từ thiên nhiên đến giá trị sống của mỗi cá nhân và cuối cùng liên hệ đến giá trị của đất nước. Với cấu trúc này, đề thi vừa có thể kiểm tra kiến thức và kỹ năng cơ bản của thí sinh, vừa tạo điều kiện cho thí sinh thể hiện khả năng cảm thụ vấn đề, vốn ngôn ngữ cũng như bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình về các vấn đề trong cuộc sống.

Đề thi bám sát hai đề minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra vào tháng 5, tháng 6. Phần I đọc hiểu có 4 câu tương đương với các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Ở ba câu hỏi đầu tiên học sinh có thể bám sát văn bản và sử dụng kiến thức, kỹ năng cơ bản để giải quyết được yêu cầu.

Trong khi đó câu cuối cùng đòi hỏi học sinh có khả năng trình bày rõ ràng, mạch lạc quan điểm, thái độ của mình để dành được điểm trọn vẹn.

“Ở phần làm văn, câu đầu tiên lấy một ý trong bài đọc hiểu để nói về sự cần thiết phải “trân trọng cuộc sống mỗi ngày” vừa mang tính thời sự vừa mang tính định hướng, tính giáo dục rất rõ. Trong đó tính thời sự được lồng ghép một cách khéo léo, tinh tế; giá trị định hướng “trân trọng cuộc sống mỗi ngày” có ý nghĩa lớn đối với các em đang ở lứa tuổi chuyển giao lên sự trưởng thành. Thí sinh có thể lên hệ với đời sống hàng ngày, luôn tiềm ẩn rủi ro, bất trắc không lường trước như thiên tai, dịch bệnh… để thấy được sống là hạnh phúc. Từ đó các em biết sống hết mình, không lãng phí tuổi trẻ, nổ lực phấn đấu, hoàn thiện bản thân, cống hiến cho xã hội, đồng thời cũng biết tận hưởng cuộc sống một cách tích cực”, cô Nguyễn Thị Thu Phương phân tích.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Phương, việc chọn bài thơ Đất nước và yêu cầu phân tích tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” cho kỳ thi tốt ngiệp Trung học phổ thông trong bối cảnh hiện tại là một lựa chọn khá hoàn hảo. Bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không chỉ có giá trị lịch sử trong thời điểm ra đời mà còn nguyên giá trị cho đến hôm nay và sau này.

Đoạn thơ trong đề nhấn mạnh vào sự đóng góp rất bình dị, đời thường của nhân dân lao động trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Thông qua đoạn thơ, thí sinh có thể hiểu được vai trò và sức mạnh của tập thể, đồng thời cũng nhắc nhở thế hệ trẻ biết trân trọng những đóng góp thầm lặng của thế hệ trước để tạo nên Đất nước như ngày nay.

Phần đề nghị luận này rất gần gũi, quen thuộc với mỗi thí sinh nhưng để đạt điểm cao thí sinh cần có chiều sâu trong năng lực cảm thụ, ngôn ngữ phong phú và diễn đạt mạch lạc.

Cùng chung nhận định, cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12) chia sẻ: Đề thi môn Ngữ văn vừa tầm với thí sinh. Yêu cầu của phần đọc hiểu rất rõ ràng, mạch lạc.

Thí sinh có thể bám sát nội dung đoạn văn để trả lời các câu hỏi. Về phần nghị luận, đề thi khơi gợi được thái độ sống tích cực cho mọi người nói chung và thanh niên nói riêng, phù hợp với bối cảnh thời sự của đất nước hiện nay. Ở phần nghị luận văn học cũng rất sát với chương trình học và ôn tập của thí sinh.

Với đề thi này, thí sinh có học lực trung bình khá có thể đạt điểm khá, thí sinh có khả năng cảm thụ sâu sắc, diễn đạt tốt, mạch lạc có thể đạt điểm cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục