Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Đề Ngữ văn bao quát, bám sát chương trình

11:49' - 07/07/2021
BNEWS Sáng 7/7, các thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 đã hoàn thành môn thi đầu tiên - môn Ngữ văn.

Nhận xét về đề thi, cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chia sẻ: Đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông môn Ngữ Văn năm 2021 giữ nguyên cấu trúc của đề thi minh họa, cũng là cấu trúc của đề thi chính thức năm 2020.

Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5- 6, đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.

Cấu trúc đề thi gồm 2 phần. Phần I: Đọc hiểu (3 điểm): Đề cung cấp 1 văn bản đọc hiểu với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết (câu 1; câu 2) đến thông hiểu (câu 3, câu 4).

Dù ở các mức độ của tư duy nhưng các câu hỏi đều không khó, đặc biệt là hết sức quen thuộc nên học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,5 điểm.

Phần II: Làm văn (7 điểm), gồm 2 câu. Câu 1, để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về lẽ sống cống hiến, phân tích được những những biểu hiện và ý nghĩa của lẽ sống cống hiến, lấy những dẫn chứng đời sống để minh họa, biết phê phán những biểu hiện trái ngược và những cách hiểu chưa chính xác về lẽ sống cao đẹp này, và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực.

Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản, đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.

Đây là tư tưởng đạo lí gần gũi, quen thuộc, không xa lạ với học sinh nên cũng không “làm khó” các em. Phổ điểm của câu 1 sẽ là 1,5 điểm.

Câu 2 yêu cầu học sinh cảm nhận về đoạn thơ trích trong bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh (khổ thơ 3, 4, 5), từ đó nhận xét về một nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh- vẻ đẹp nữ tính.

Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kĩ năng phân tích, cảm thụ văn bản; mà còn phải thực sự hiểu về phong cách nghệ thuật của nhà thơ, nét đẹp riêng trong thơ của nữ sĩ.

Học sinh cần tập trung làm nổi bật vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12 nên phổ điểm sẽ khoảng 3 điểm.

Những học sinh khá giỏi, có năng lực cảm thụ và khả năng diễn đạt tốt sẽ dễ dàng đạt được 4 điểm trở lên cho câu này. Cũng lưu ý thêm, ở phần này, đề thi có phần bất ngờ với một số học sinh vì tâm lí bám sát đề minh họa một cách máy móc.

Đề minh họa đưa ra yêu cầu phân tích một đoạn văn bản văn xuôi nhưng đề thi chính thức lại đưa ra yêu cầu cảm nhận về một đoạn văn bản thơ. Tuy nhiên, đây cũng là điều hoàn toàn bình thường và đã có sự cảnh báo từ trước, để tránh tình trạng học tủ.

Nhận xét chung về đề thi, cô Phương cho rằng, đây là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

Đề thi không những có thể kiểm tra, đánh giá được thực lực của đại trà học sinh chương trình phổ thông mà vẫn có thể dùng cho mục tiêu xét tuyển vào các trường Đại học.

Cô Lê Hải Châu, Trường Trung học Phổ thông Ban Mai (Hà Nội) nhận định: Nhìn chung đề thi Ngữ văn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Câu nghị luận văn học bám sát đề thi minh họa.

Theo cô Châu, đề có yếu tố thời sự ở phần nghị luận xã hội, khi yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Học sinh có thể liên hệ với tình hình dịch COVID-19, sự cống hiến và hi sinh thầm lặng của các y bác sĩ, lực lượng chức năng... đang ngày đêm chiến đấu, mang lại cuộc sống yên bình cho đất nước.

Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là dạng bài bám sát đề thi minh họa. Vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kĩ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi yêu cầu cảm nhận về đoạn thơ gồm 3 khổ. Ba khổ thơ này nói lên suy nghĩ, trăn trở về cội nguồn, quy luật của tình yêu và nỗi nhớ, lòng thủy chung son sắt của người con gái khi yêu.

Học sinh cần làm trọn vẹn nội dung và nghệ thuật. Với vế 2 của đề bài, học sinh cần chỉ ra vẻ đẹp nữ tính như sau: Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng, là tiếng nói tâm hồn của người phụ nữ khi yêu với những nét đẹp đằm thắm, dịu dàng, đôn hậu, vị tha, sâu lắng…, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường bằng tiếng thơ với những cảm xúc, suy tư, thao thức, khát khao… rất đời, rất gần gũi.

Cô Lê Hải Châu cho rằng, với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, đề thi có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kỳ thi trước đây.

Phần Đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kỹ năng hứa hẹn khả quan cho quỹ điểm của thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục