Kỳ thi tuyển sinh lớp 10: Căng thẳng giành suất vào các trường công lập

20:35' - 11/05/2017
BNEWS Nguyện vọng vào các trường Trung học phổ thông “top” giữa là do tỷ lệ “chọi” các trường năm nay khá cao.

Sau khi Sở GD và ĐT Tp. HCM công bố thống kê ban đầu về dữ liệu học sinh đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập, kết thúc thời gian điều chỉnh nguyện vọng (từ ngày 5-11/5), có rất nhiều học sinh đã điều chỉnh nguyện vọng để chọn được trường phù hợp với lực học.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10: Căng thẳng giành suất vào các trường công lập. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Lý giải nguyên nhân nhiều học sinh thay đổi nguyện vọng, thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đống Đa (quận Bình Thạnh) cho rằng mặc dù các trường đều tổ chức tư vấn kỹ cho học sinh và phụ huynh khi đăng ký nguyện vọng nhưng năm nay kỳ thi được tổ chức sớm hơn nên thời điểm học sinh đăng ký nguyện vọng ban đầu vào lớp 10 chưa có điểm thi học kỳ 2, chưa có điểm tổng kết năm học.

Việc lựa chọn nguyện vọng vì thế còn mang tính cảm tính, chưa có căn cứ để chọn đúng với thực lực của mình. Do vậy, sau khi kết thúc học kỳ 2, học sinh căn cứ vào kết quả tổng kết năm để điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp.

Một nguyên nhân khác khiến nhiều học sinh điều chỉnh nguyện vọng, nhất là nguyện vọng vào các trường Trung học phổ thông “top” giữa là do tỷ lệ “chọi” các trường năm nay khá cao. Thống kê ban đầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ "chọi" cao nhất là trường Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) 1/2,99; kế đến là Trung học Thực hành Đại học Sư phạm là 1/2,81; Trung học phổ thông Gia Định (quận Bình Thạnh) là 1/2,2; Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận 3) là 1/2,05; Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (quận 1) là 1/2,03; Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi (quận 6) là 1/2,04…

Dự kiến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại thành phố năm nay có khoảng 83.000 học sinh dự thi, tăng hơn 13.000 so với năm học trước. Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường Trung học phổ thông chỉ tăng khoảng 1.000 chỉ tiêu.

Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ “chọi” vào các trường Trung học phổ thông công lập khá cao, nhất là khu vực nội thành, khu vực đông dân cư. Các trường ở những khu vực ngoại, tỷ lệ này thấp hơn nhiều, thậm chí có trường số lượng học sinh đăng ký không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm học Sở đã chỉ đạo các trường Trung học cơ sở thực hiện tốt công tác tư vấn để học sinh đăng ký nguyện vọng phù hợp với năng lực bản thân, thuận tiện đi lại. Nếu học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 trường công lập, tùy vào khả năng cũng như điều kiện, hoàn cảnh gia đình, các trường tư vấn định hướng, phân luồng học sinh theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường ngoài công lập, các trường nghề.

Do những thay đổi của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia nên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh năm nay được tổ chức sớm hơn gần 2 tuần so với những năm trước. Lịch thi đẩy lên sớm nên thời gian ôn tập cho ít hơn nên các trường Trung học cơ sở và học sinh lớp 9 đang tăng tốc ôn thi để giành suất vào lớp 10 công lập.

Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản (quận 1) cho biết: Nhà trường đang tổ chức học 6 buổi/tuần với môn Toán 7 tiết, Văn 6 tiết, Anh văn 5 tiết. Việc ôn tập hướng các em tập trung một số nội dung mang tính ứng dụng bài học phù hợp với hướng ra đề mới.

Cụ thể như ở môn Toán, bên cạnh những nội dung cơ bản của chương trình, nhà trường cũng cho học sinh làm quen với những bài toán vận dụng giải quyết các tình huống để ứng dụng trong cuộc sống. Đối với môn Văn, sẽ hướng dẫn học sinh ôn tập theo hướng mở, chú trọng trau dồi kiến thức bài học cũng như kiến thực thực tiễn cuộc sống, các vấn đề xã hội đang quan tâm…

Còn trường Trung học cơ sở Đống Đa (quận Bình Thạnh) tổ chức học 5 buổi/tuần với 8 tiết học mỗi môn; còn các buổi chiều nhà trường tiếp tục tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu.

Thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, do có sự chuẩn bị trước nên thời gian thi sớm cũng không ảnh hưởng đến việc học cũng như ôn tập của học sinh. Trước đó, trên cơ sở phân loại học sinh, ngay từ đầu năm học trường luôn chú trọng vừa học vừa ôn tập để học sinh nắm vững kiến thức.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, những năm gần đây, đề thi mang tính phân loại học sinh ngày càng rõ rệt hơn. Do vậy các em học sinh lưu ý để làm được bài đạt điểm trung bình học sinh cần nắm chắc các kiến thức cơ bản của chương trình học, còn để lấy điểm khá học sinh phải biết biến đổi, suy luận, liên hệ cuộc sống. Học sinh phải có kiến thức, hiểu biết rộng và xử lý đề nhanh mới có thể lấy được điểm giỏi.

Chia sẻ về hướng ra đề thi năm nay, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đề thi năm nay tiếp tục được đổi mới theo hướng tăng cường các câu hỏi mở để giúp thí sinh vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là ở môn Toán và Văn, trong những năm học tới sẽ thực hiện đổi mới cách ra đề thi ở môn Ngoại ngữ. Nội dung đề thi nằm trong phạm vi chương trình Trung học cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục