Kỳ vọng cho đà phục hồi của ngành cao su

12:21' - 29/01/2020
BNEWS Để ứng phó với biến động về giá và thị trường tiêu thụ, người trồng cao su cần đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập từ vườn cao su bằng xen canh, chăn nuôi kết hợp...
 Khoan lỗ để bơm khí ethylene lấy mủ cao su. Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

Xuất khẩu cao su năm qua đã có sự hồi phục. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm 2019 đạt 2,26 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2018. 

Ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) đã có những chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những dự báo cũng như khả năng phục hồi này của ngành hàng này thời gian tới.

Phóng viên: Sau chặng đường dài giá cao su đi xuống, theo ông khó khăn nhất hiện nay đối với cao su Việt Nam là gì?

Ông Võ Hoàng An: Bên cạnh những mặt thuận lợi và cơ hội mang đến trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, ngành cao su Việt Nam còn gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách, hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành.

Tình trạng dư cung có thể tăng cao gây áp lực làm giảm giá. Hiện nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới tăng trưởng chậm, trong khi nguồn cung có thể tăng nhanh trở lại khi giá được cải thiện do diện tích sẵn có được mở rộng trong thời kỳ giá cao từ năm 2005 – 2012.

Giá dầu thô thấp tạo thêm áp lực cho giá cao su thiên nhiên. Sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất dầu thô làm giá có thể ở mức thấp kéo dài do dư cung, hỗ trợ cho giá cao su tổng hợp sản xuất từ dầu thô trở nên rẻ hơn và sẽ được tiêu thụ nhiều hơn, khiến cho giá cao su thiên nhiên khó tăng cao.

Trên sân nhà, sự cạnh tranh đến từ nguồn cao su nhập khẩu. Với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, cao su thiên nhiên nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%, sẽ khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên chọn nguồn nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia… do chất lượng đảm bảo, chủng loại đa dạng. Đây là điều sẽ tạo áp lực cạnh tranh với nguồn cao su trong nước.

Ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA). Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng bộ. Đến nay, việc đảm bảo chất lượng cao su thiên nhiên chỉ được quan tâm đầu tư ở một số doanh nghiệp quy mô lớn, chưa có cơ quan chức năng quản lý chất lượng cao su tiểu điền. Do đó, người mua thường dẫn lý do chất lượng chưa đồng đều để giảm giá cao su Việt Nam so với thị trường thế giới. Mặt khác, Việt Nam chỉ mới có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm cao su thiên nhiên đầu ra, chưa có tiêu chuẩn quốc gia đối với nguyên liệu đầu vào, nên chưa có cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc pha trộn tạp chất vào nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến chất lượng của các nhà máy sơ chế mủ cao su.

Hiện các doanh nghiệp cao su chưa được hưởng chính sách không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng đối với cao su sơ chế như các nông sản sơ chế khác trong khâu kinh doanh thương mại, xuất khẩu. Việc hoàn thuế chậm làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành cao su so với các ngành hàng nông sản khác và kém lợi thế so với các nước khác. Ngoài ra, thuế thu nhập từ gỗ cao su trên vườn cây thanh lý chưa được hưởng chính sách như thu nhập từ thanh lý các sản phẩm trồng trọt.

Phóng viên: Nằm trong Top đầu trên bản đồ thế giới về mặt hàng này, cao su Việt Nam cần làm gì để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm?

Ông Võ Hoàng An: Sản lượng cao su tự nhiên Việt Nam tiếp tục đứng thứ ba trên thế giới, với thị phần 8,1% sản lượng thế giới, sau Thái Lan và Indonesia. Năng suất cao su trung bình cũng dẫn đầu so với các nước trồng cao su trong khu vực châu Á. Đối với xuất khẩu, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn thứ ba sau Thái Lan và Indonesia.

Tuy nhiên, đứng trước tình hình thị trường cao su thế giới có xu hướng dư cung đến năm 2025, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần rà soát và cập nhật kịp thời thực trạng sản xuất cao su để có cơ sở quy hoạch, quản lý chặt chẽ diện tích, sản lượng cao su phù hợp với thị trường và điều kiện sinh thái. Điều này sẽ góp phần cân đối cung cầu, cải thiện giá cao su, phát huy tối đa năng suất và hiệu quả kinh tế, giảm rủi ro cho người trồng và nâng cao vai trò của cây cao su trong các chương trình phủ xanh đất trống, phục hồi rừng và bảo vệ rừng.

Những diện tích cao su thanh lý để tái canh hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác hay hoạt động kinh tế khác rất cần được quy hoạch chặt chẽ để góp phần cân đối cung cầu cao su thiên nhiên và giúp nguồn nguyên liệu gỗ cao su ổn định, có kế hoạch trước. 

Về quản lý chất lượng và cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên, mặt hàng này rất cần tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước để củng cố hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên chặt chẽ và đồng bộ, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Cao su Việt Nam cần có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nguyên liệu mủ cao su đầu vào để giúp các nhà máy sơ chế mủ có nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Hay các đơn vị phải thực hiện các quy định bắt buộc về kiểm tra chất lượng sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế trước khi đưa ra thị trường.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành cao su Việt Nam và mở rộng sản xuất kinh doanh, ngành hàng cao su cần được hỗ trợ để khảo sát, nghiên cứu thị trường, chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên theo nhu cầu của khách hàng.

Để nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng này, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp tham gia như: thuế, xây dựng hàng rào kỹ thuật cần thiết, đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, thông tin thị trường… Các mô hình liên kết trong chuỗi giá trị cao su từ khâu sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm tiêu dùng cần được khuyến khích phát triển để giảm lệ thuộc vào giá cao su ngày càng biến động khó lường.

 Chế biến mủ cao su xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Một thành viên Cao su Chư Păh (tỉnh Gia Lai). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Phóng viên: Ông nhận định thế nào về thị trường cao su năm 2020 cũng như những năm tiếp theo?

Ông Võ Hoàng An: Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2019 ước tính tăng 0,2% so với năm trước lên 13,896 triệu tấn nhưng tiêu thụ giảm 1,1% xuống còn 13,699 triệu tấn so với năm 2018. Bên cạnh các yếu tố như tình trạng dư cung đáng kể, tâm lý kinh doanh tiêu cực do cuộc chiến thuế quan, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng… làm trì hoãn đầu tư cùng với việc suy giảm tiêu thụ ở 2 quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ thì triển vọng thị trường cho năm 2020 vẫn có nhiều kỳ vọng phục hồi.

Bởi, tình trạng thiếu hụt sản lượng sau dịch bệnh rụng lá Pestalotiopsis vừa qua với khả năng bùng phát và lan rộng dịch cùng sự kỳ vọng từ những thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG), trong điều kiện sản xuất bình thường, khoảng cách chênh lệch giữa cung-cầu sẽ tiếp tục được thu hẹp dần trong dài hạn nhờ giảm diện tích trồng cao su do chuyển đổi sang cây trồng khác, gia tăng tái canh. Sản lượng cao su thiên nhiên được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn (1,8%) so với tổng mức tăng trưởng tiêu thụ cao su (2,3%) trong giai đoạn 2019 -2028.

Trong lâu dài, để ứng phó với biến động về giá và thị trường tiêu thụ, người trồng cao su cần đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập từ vườn cao su bằng xen canh, chăn nuôi kết hợp, tham gia các dự án tín chỉ cac-bon.

Cao su Việt Nam và doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên đáp ứng thị trường, chế biến sâu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường, đảm bảo chất lượng, uy tín, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế để hướng đến phát triển bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!./.

>> Cao su Phước Hòa tạm ứng cổ tức 30%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục