Kỳ vọng một nhiệm kỳ Chính phủ tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt

12:34' - 05/04/2021
BNEWS Ghi nhận kỳ vọng về bộ máy nhân sự chủ chốt trong nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 5/4, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV.

Tiếp tục thực hiện công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, ngày 5/4, Quốc hội Khóa XIV bầu các chức danh Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã ghi nhận kỳ vọng của các đại biểu về bộ máy nhân sự chủ chốt trong nhiệm kỳ mới; đặc biệt với niềm tin về một nhiệm kỳ Chính phủ tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đồng Nai): Mong muốn sớm ban hành Luật Đất đai

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, tôi đặc biệt ấn tượng với tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo các vấn đề liên quan. Đặc biệt có tính cầu thị trong việc ghi nhận ý kiến, góp ý của các đại biểu trong việc xây dựng luật để có rà soát, xem xét điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Theo đó, nhiệm kỳ này ghi nhận dấu ấn của Bộ trưởng trong việc xây dựng thành công Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều thay đổi mang cải cách.

Song thực tế phải nhìn nhận mảng tài nguyên và môi trường rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, quá trình sản xuất kinh doanh cũng được điều chỉnh bởi ngành tài nguyên và môi trường như vấn đề đất đai. Vì vậy, nhiệm kỳ tới, tôi đặt kỳ vọng vào tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường trong việc ban hành Luật Đất đai, góp phần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh mảng tài nguyên và môi trường, tôi rất quan tâm tới những thay đổi trong mảng giáo dục trong nhiệm kỳ tới. Theo tôi, vấn đề giáo dục không phải phát sinh trong một nhiệm kỳ mà là cả quá trình dài. Từ sách giáo khoa, gian lận thi cử cho thấy có vấn đề tư duy giáo dục mà việc này có thể ảnh hưởng không phải một mà nhiều thế hệ. Tôi kỳ vọng tư lệnh ngành trong thời gian tới phải quyết liệt, tạo sự đổi mới quản lý trong ngành giáo dục từ quy trình đến quy định.

Đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn Hải Phòng): Cân đối giữa những định hướng lâu dài và vấn đề cần giải quyết trước mắt

Cái khó nhất là hoàn thiện thể chế theo kinh tế thị trường mà phải đáp ứng đòi hỏi định hướng theo xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, mô hình xã hội chủ nghĩa vẫn còn đang tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện theo đặc thù riêng của Việt Nam thì đòi hỏi này cũng là một vấn đề khó.

Tôi mong muốn, nhiệm kỳ tới, trong điều hành của Chính phủ cần cân đối giữa những định hướng lâu dài và các vấn đề cần giải quyết trước mắt. Chúng ta cũng không cần phải băn khoăn về vấn đề phải sửa luật liên tục vì thực tiễn đòi hỏi thì phải đáp ứng cho phù hợp. Yếu tố cần ở đây là có một quy trình hợp lý. Các nội dung về con người hay tư pháp thì sự ổn định dễ hơn so với lĩnh vực kinh tế.

Ví dụ như nhiệm kỳ vừa qua đã thông qua Luật doanh nghiệp và được đánh giá là sửa toàn diện và có nhiều điểm mới nhằm đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng hết được. Luật Doanh nghiệp mới chỉ cụ thể hóa được Nghị quyết Trung ương 12 về vấn đề doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, mới chỉ thay đổi được tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước chứ bản chất và quản trị doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được làm rõ.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình): Rốt ráo giải quyết các vấn đề quản lý Nhà nước

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV ghi nhận sự chuyển giao, kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi mong muốn nhân sự được bầu là người xuất sắc, có tài, có đức, có tầm và trách nhiệm với nhiệm vụ được giao; đồng thời tin tưởng với sự kế thừa các khoá trước sẽ là nhân tố tốt đưa đất nước phát triển trong giai đoạn, thời kỳ mới.

Về phía Chính phủ đã có Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021 chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại cũng như những việc chưa làm được, cùng với đó đại biểu Quốc hội cũng đã có góp ý cũng như ý kiến đặt ra yêu cầu sửa đổi với các cơ quan chức năng. Các đại biểu đều thể hiện nguyện vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ tới là Chính phủ có thể tạo ra bước chuyển, đưa đất nước phát triển bền vững từ những vấn đề môi trường, công ăn việc làm và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các thành viên Chính phủ phải có sự vào cuộc nhanh chóng, rốt ráo giải quyết các vấn đề đặt ra trong việc quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh tế làm sao đạt hiệu quả cao nhất; tránh lãng phí, thất thoá;, phòng chống tham nhũng, lãng phí; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, tránh tình trạng ý kiến, kiến nghị của cử tri bị “trượt” qua các kỳ họp.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau): Đặt dân chủ làm xung lực phát triển kinh tế - xã hội

Nhiệm kỳ 2021 - 2026, theo tôi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn với một thể chế về chính sách còn tồn tại ngổn ngang nhiều vấn đề. Đó là thể chế về kinh tế thị trường chưa hoàn thiện. Thể chế về tổ chức bộ máy đang trong quá trình hoàn thiện.

Đặc biệt là thể chế về nhân sự còn nhiều bất cập từ việc lựa chọn theo tiêu chí hình thức hay nội dung, theo cái tiêu chí bằng cấp hay thực chứng, đấy là thách thức để lựa chọn đội ngũ cộng sự cho mình. Áp lực nữa là về tồn tại trong đầu tư công, tài chính công. Vận hành như thế nào để tạo ra xung lực mới, khi mà gần như không có thay đổi về nguồn lực, trong khi dư địa huy động nguồn lực còn hẹp hơn.

Làm sao để đạt được kỳ vọng đấy, đấy là chính là thách thức với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Tôi tin rằng, Thủ tướng Chính phủ sẽ có nghệ thuật tạo lập ra xung lực, xung lực đấy chính là dân chủ. Chỉ có dân chủ mới huy động tối đa được các nguồn lực trong đó. Tài lực là một nguồn lực thôi, nguồn lực lớn nhất là trí tuệ, sức mạnh của cả dân tộc.

Tôi hy vọng nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới sẽ có tiếp cận mới về phong cách, phương pháp, từ đó xác lập nguồn lực đầu tư cho xã hội, tạo chuyển biến thực chất về kinh tế - xã hội thông qua những quyết sách đột phá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục