Lãi suất ngân hàng đã theo đúng cung cầu tiền tệ

08:30' - 02/01/2016
BNEWS Lãi suất đã được đưa về đúng theo quan hệ cung cầu tiền tệ, dựa trên nhu cầu thực của nền kinh tế chứ không xuất phát từ tình trạng chạy đua lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng.

Đánh giá về điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia về Tài chính cho rằng chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2011-2015 là một thành công căn bản và chưa bao giờ Việt Nam có một chính sách thành công như vậy.

Chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn vừa qua đã thu được nhiều thành công. Ảnh: TTXVN

Nhìn lại thời điểm hai năm 2011 - 2012 với tư cách từng là thành viên của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nhớ lại, trong bối cảnh năm 2011, trước khi tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, lạm phát đang ở mức rất cao, khoảng 20%, lãi suất cho vay lên tới 25%, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm lên tới 35%.

Hệ thống ngân hàng thương mại rơi vào nguy cơ mất thanh khoản, không chỉ đối với các ngân hàng nhỏ. Đây là thời điểm các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất, doanh nghiệp và người dân hằng ngày chỉ lo đi rút tiền gửi từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác.

Theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh khó khăn đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải vừa tiến hành tái cấu trúc vừa phải đảm bảo củng cố thanh khoản để lấy lại niềm tin của người gửi tiền, đồng thời xử lý ngay lập tức các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa các ngân hàng thương mại nhằm chấn chỉnh quản trị rủi ro, chấn chỉnh kỷ cương - kỷ luật trên thị trường tài chính.

Có cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng nhận định một trong những thành tựu nổi bật của ngành ngân hàng thời gian qua là điều hành chính sách tiền tệ đã được đổi mới căn bản theo hướng linh hoạt, chủ động dẫn dắt thị trường và kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.

Ngành ngân hàng thời gian qua đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, chủ động dẫn dắt thị trường. Ảnh: TTXVN

Sự đổi mới trong điều hành đã góp phần quan trọng vào thành công kiểm soát lạm phát từ chỗ tăng cao trên 23% vào tháng 8/2011 và thường xuyên biến động đã giảm dần xuống mức một con số. Trong đó, việc thiết lập một mặt bằng lãi suất mới cũng được các chuyên gia đánh giá là một thành công căn bản. 

Thực tế đã cho thấy, từ chỗ thanh khoản của hệ thống thường xuyên căng thẳng khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao, đẩy mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng lên tới 20-25%/năm vào giữa năm 2011, thời gian qua với việc điều hành lãi suất chủ động, định hướng thị trường, linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhanh và mạnh.

Bình luận về thực trạng điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015, PGS. TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định:

“Trong giai đoạn vừa qua, việc sử dụng và điều hành công cụ lãi suất đảm bảo theo đuổi mục tiêu bao trùm của công tác điều hành chính sách tiền tệ cũng như các mục tiêu vĩ mô khác trong từng năm cùng với các chế tài xử lý vi phạm quy định về lãi suất tiền gửi và cho vay đã mang lại những thành công nhất định trong công tác quản lý, điều hành của Ngân hàng Nhà nước”.

PGS.TS Đặng Ngọc Đức dẫn chứng, tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ bằng khoảng 47% so với thời điểm cuối năm 2011 và tương đương mức lãi suất của giai đoạn 2005 – 2006 - giai đoạn kinh tế phát triển ổn định, góp phần hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp và hộ dân.

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát. Ảnh: TTXVN

Tiến sỹ Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nhận định lãi suất đã được đưa về đúng theo quan hệ cung cầu tiền tệ, dựa trên nhu cầu thực của nền kinh tế chứ không xuất phát từ tình trạng chạy đua lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng.

“Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát, lạm phát giảm mạnh từ 18,13% (năm 2011) xuống 6,81% (năm 2012); 6,04% (năm 2013) và xuống mức kỷ lục 1,84% (năm 2014), năm 2015 dự kiến vào khoảng 2%. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ đã điều hòa, kiểm soát cung tiền nhịp nhàng giúp tín dụng tăng ổn định và vững chắc hơn so với giai đoạn tăng trưởng nóng 2006 – 2010”, Tiến sỹ Trương Văn Phước cho hay.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, nhìn lại cuối năm 2011, căng thẳng thanh khoản và  nguy cơ đổ vỡ hệ thống hiện hữu nhưng giờ đây nguy cơ ấy đã bị đẩy lùi. Nếu như thời điểm này những năm trước Ngân hàng Nhà nước vô cùng vất vả trong hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thì gần như mấy năm gần đây Ngân hàng Nhà nước không cần tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản.

Bà Nguyễn Thị Hồng cũng nêu rõ phương châm của Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt là điều hành luôn hướng tới nâng cao vị thế của VND, không chủ quan với lạm phát. Điều hành công cụ kết hợp giữa tỷ giá và lãi suất theo hướng nắm giữ VND, nâng cao lợi tức của VND. Mở rộng tín dụng cần đi đôi với an toàn hiệu quả, đồng thời hướng vào sản xuất kinh doanh và ưu tiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục