Lâm Đồng triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục khô hạn

17:01' - 02/03/2020
BNEWS Tỉnh Lâm Đồng hiện đang bước vào giai đoạn khô hạn khốc liệt nhất trong những năm gần đây với nhiều công trình thủy lợi đã khô cạn, nhiều diện tích cà phê, điều đang rũ lá.
Hệ thống ao hồ nhỏ đang phát huy tác dụng ở vùng trũng huyện Cát Tiên. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN 

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phân bổ kinh phí thực hiện Đề án phát triển hệ thống ao hồ nhỏ năm 2020; kiến nghị Trung ương hỗ trợ trên 127 tỷ đồng để sửa chữa, nạo vét các công trình thủy lợi và nước sinh hoạt nông thôn.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong 2 tháng đầu năm 2020, các khu vực trong tỉnh đều không có mưa hoặc mưa không đáng kể, tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm.

Hiện tại, mực nước tại các hồ thủy điện lớn trên địa bàn đều ở dưới mực nước dâng bình thường từ 0,7- 11,8m. Một số hồ thủy lợi không tích đủ nước và mực nước xuống rất thấp.

Cụ thể như các hồ Đắk Lô ở huyện Cát Tiên, hồ R’Lôm, hồ BooKaBang, hồ Ma Đanh ở huyện Đơn Dương, hồ Ma Póh ở huyện Lạc Dương… mực nước dâng thấp hơn thiết kế từ 2,4- 7,15m.

Cảnh báo khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô năm 2020 trên địa bàn tỉnh ở mức cao, đặc biệt là các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

Dự báo trong thời gian tới, nếu tình hình nắng nóng tiếp tục kéo dài, trên địa bàn tỉnh có khả năng có khoảng 25.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng thiếu nước, khoảng 4.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh được xem là hạn hán khốc liệt nhất của tỉnh Lâm Đồng, nhiều khu vườn đã héo úa, nhiều gia đình thiếu nước sinh hoạt. Anh K’ Điệp  ở thôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal cho biết, gia đình anh có hơn 3 ha trồng cây cà phê và điều, giờ đang rũ lá. Năm 2019, gia đình anh đầu tư 30 triệu đồng khoan 2 giếng.

Năm nay, anh tiếp tục bỏ 60 triệu đồng đào 2 ao cách vườn gần 2 km, phải dùng 2 máy bơm mới đưa được nước đến vườn, nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Nếu hạn kéo dài 2 tuần nữa, xem như gia đình anh mất trắng mùa vụ cuối năm.

Chị Đào Thị Loan cũng ở thôn Tôn K’Long tâm sự: “Tôi không nghĩ hạn đến sớm như vậy.  Hiện nay nước uống không có, lấy đâu ra để tưới cây. Gia đình tôi mỗi ngày “mót” từng chút nước sinh hoạt, nước giếng bơm lên bồn chưa được 5 phút đã sử dụng hết. Muốn nấu ăn thì phải mua bình nước lọc ở thị trấn Đạ Tẻh, cách nhà hơn 30 km. Có hôm, cả gia đình 5 người phải về nhà người quen dưới thị trấn để tắm rửa, giặt giũ.”

Tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc, nhiều diện tích cây trồng cũng đang thiếu nước. Hàng trăm người dân đổ xô mua máy nổ, dây ống, đào múc ao hồ, khoan giếng chống hạn.

Tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, dọc theo suối Đại Nga và tuyến kênh thủy lợi hồ Đắk Long Thượng, máy bơm nước liên tục hoạt động để cứu hàng loạt diện tích cà phê đang rũ lá.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp cấp bách như: huy động người dân tham gia nạo vét kênh mương; tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước.

Đối với các khu vực cách xa công trình thủy lợi, không có công trình thủy lợị, khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang cây trồng ít dùng nước; huy động và hỗ trợ người dân sử dụng máy bơm của hộ gia đình, máy bơm dã chiến để bơm nước từ các khe suối, ao hồ nhỏ để phục vụ chống hạn; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn do địa phương làm chủ đầu tư để phục vụ chống hạn…

UBND huyện Đơn Dương đã có văn bản gửi Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi về việc xả điều tiết nước ở hồ Đơn Dương để phục vụ chống hạn. Huyện này đề nghị xả dòng chảy tối thiểu để người dân trồng hoa màu ở khu vực hạ du của hồ có nước để sản xuất.

Hiện tại, để khắc phục tình trạng khô hạn trên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phẩn bổ 8,33 tỷ đồng để thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ năm 2020; bố trí kinh phí thực hiện sửa chữa, nâng cấp và nạo vét công trình thủy lợi, hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục