Làm gì để cân đối lợi nhuận giữa các khâu trong chăn nuôi?

15:00' - 30/10/2021
BNEWS Hiện nay, sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi rất bất hợp lý, trong khi giá lợn hơi rất rẻ thì giá thịt lợn thành phẩm ngoài thị trường lại rất cao.

Sáng 30/10, Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND 29 tỉnh, thành phố tổ chức “Diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, kết nối giao thương về sản phẩm chăn nuôi”.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, ngành chăn nuôi hiện có 3 xu hướng chính là: doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), trang trại lớn, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Với 2 nhóm đầu có nhiều lợi ích như đảm bảo an toàn sinh học, chuỗi liên kết. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi chưa thể bỏ qua nhóm nông hộ, bởi đây là phương thức giúp bà con có thu nhập, tạo việc làm.

Ủng hộ việc thúc đẩy sản xuất nông hộ, nhưng ông Công quan ngại về trình độ sản xuất của bà con nông dân. Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp giảm thiểu chi phí xử lý các vấn đề môi trường.

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho biết, mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nhưng tình hình chăn nuôi của Bình Dương vẫn được duy trì ổn định.

Đến nay, ngành chăn nuôi của tỉnh thực hiện theo hướng công nghệ cao và chăn nuôi tập trung. Tỉnh cũng tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và khuyến khích chăn nuôi hữu cơ.

Năm 2020, Bình Dương có chủ trương di dời các hộ chăn nuôi nhỏ ra khỏi các khu đô thị, đến các khu vực lân cận để hình thành vùng chăn nuôi tập trung và được các hộ chăn nuôi, trang trại ủng hộ, thực hiện tốt.

Ông Phạm Văn Bông mong muốn Bộ sẽ có thêm hỗ trợ về chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các khu giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi để phục vụ xuất khẩu.

Từ đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chủ trương phát triển chăn nuôi tập trung để phát triển tốt về quy mô và đảm bảo vấn đề môi trường. Các cấp, ngành quan tâm đến vấn đề quản lý thị trường để kiểm tra về giá nguyên liệu đầu vào, đảm bảo duy trì ổn định chuỗi cung ứng chăn nuôi.

Để ổn định thị trường cũng như đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng, để việc điều hành hiệu quả hơn cần thêm sự vào cuộc của Bộ Công Thương, giúp kích hoạt thêm các kênh phân phối ra thị trường.

Ông Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng, hiện nay, sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi rất bất hợp lý, trong khi giá lợn hơi rất rẻ thì giá thịt lợn thành phẩm ngoài thị trường lại rất cao. Nếu Bộ Công Thương làm tốt việc quản lý giá thì lượng tiêu thụ sẽ nhiều hơn và giá lợn hơi sẽ tăng lên.

Ngoài ra, theo ông Kính, trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi hiện nay, người chăn nuôi là người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Đầu vào của người chăn nuôi do các công ty quyết định, còn đầu ra lại do người mua quyết định.

Mong muốn lớn nhất của người chăn nuôi hiện nay là làm sao giá bán cao hơn giá thành để đảm bảo được lợi nhuận. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để cân đối được lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi.

Với hệ thống phân phối lớn, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart) cho biết, hệ thống tiêu thụ của doanh nghiệp đang chú trọng phát triển mặt hàng thịt mát.

Với những chuỗi cung ứng có tiêu chuẩn chất lượng cao, chẳng hạn như C.P. Việt Nam, MeatDeli, Nutri Mart có thể vận chuyển đi 3, 4 tỉnh, thành phố. Hiện Nutri Mart nhận được đơn hàng rất lớn từ Trung Quốc về các mặt hàng thịt, rau củ quả tươi.

Theo bà Hằng, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng cần đa dạng nguồn sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn chế biến khoảng 10.000 món ăn khác nhau từ thịt. Mặt hàng thịt đông đang được Nutri Mart bán chạy bởi nhiều ưu điểm như bảo quản lên tới 12 tháng.

Trong thời gian tới, Nutri Mart sẽ tham khảo thêm nhiều công nghệ, như túi đựng thực phẩm. Nếu đặt thịt trong những túi này, có thể bảo quản trong 12 tháng ngay cả ở điều kiện thông thường.

Công ty đang mở nhiều chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc, Thái Lan nên mong muốn người chăn nuôi trên cả nước tích cực kết nối với Nutri Mart, với điều kiện đảm bảo chất lượng và minh bạch nguồn gốc xuất xứ. Từ đó giúp nâng cao đẳng cấp, thương hiệu của chăn nuôi trong nước.

Nắm bắt dư địa về nhu cầu thịt bò trong nước cao, ông Lưu Sơn Thuỷ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Thủy Hà cho biết, số lượng bò thịt tại trang trại của công ty luôn có khoảng 20.000 con bò thịt, nhủ yếu nhập khẩu từ Australia nhưng những năm gần đây giá bò sống tăng rất cao vì nhiều doanh nghiệp nhập về.

“Nếu chỉ nhập bò Australia để nuôi vỗ thì doanh nghiệp không chịu nổi. Do đó, doanh nghiệp mong Bộ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được nhập bò từ nhiều nước khác nhau để tăng quy mô chăn nuôi. Đồng thời, được tạo điều kiện về quỹ đất để sản xuất con giống, từ con giống doanh nghiệp sẽ nuôi vỗ nhằm nâng cao hiệu quả”, ông Lưu Sơn Thủy kiến nghị.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt triển khai 5 dự án lớn.

Giống là yếu tố quan trọng vì quyết định năng suất, chất lượng. Do đó phải vừa nâng cao năng suất giống, vừa phát triển những dòng đặc hữu, vừa cập nhật các dòng cao sản để đa dạng hoá sản phẩm.

Hiện chi phí thức ăn chăn nuôi chi phối khoảng 65 – 70% giá thành sản xuất, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, không giải quyết được vấn đề này thì rất khó giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến khoảng 60%. Hiện nay, tỷ lệ thịt, trứng, sữa chế biến còn rất thấp, chưa có nhiều chủng loại sản phẩm phù hợp với từng thị trường, vùng miền; công nghệ chế biến còn hạn chế.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, muốn phát triển quy mô chăn nuôi bền vững, cần phải giải quyết bài toán môi trường. Chất thải rắn và chất thải lỏng từ chăn nuôi rất lớn, do đó, cần ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn để giải quyết.

Do đó, khoa học công nghệ được khẳng định là quốc sách hàng đầu. Cùng với đó, xu thế chuỗi khép kín là không thể đảo ngược được, chuỗi khép kín có thể vừa theo chiều dọc và vừa theo chiều ngang; trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp rất quan trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục