Làm gì để khai thác cơ hội từ CMCN lần thứ tư?

17:05' - 08/12/2021
BNEWS Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, tiềm năng và môi trường thể chế khá thuận lợi để Việt Nam có thể khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội thảo “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Tình hình triển khai và các giải pháp trong thời gian tới” do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 8/12, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, tiềm năng và môi trường thể chế khá thuận lợi để Việt Nam có thể khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức để phát triển, nhất là trong điều kiện của một nước đang phát triển.

Điểm sáng trong triển khai

Sau 1 năm triển khai Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức quán triệt, phổ biến tinh thần và nội dung của Chiến lược tới các đơn vị, doanh nghiệp ở bộ, ngành và địa phương. Một số bộ, ngành và địa phương cũng đã chủ động ban hành kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 2289/QĐ-TTg Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Viện trưởng, Viện CIEM Nguyễn Hoa Cương cho hay, chủ trương ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản phẩm theo chuỗi trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Các chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai được Chính phủ ban hành đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp trong nước, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam.

Theo đó, một số khu công nghệ cao được Chính phủ đầu tư để xây dựng tiềm lực Khoa học và Công nghệ Quốc gia như: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và nghiên cứu, phát triển công nghệ cao ứng dụng trong công nghiệp. Đến nay, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp lớn đầu tư ứng dụng công nghệ, như Tập đoàn Trường Hải với nhà máy Mazda hiện đại nhất Đông Nam Á, Tập đoàn VinGroup đang đầu tư 4 tỷ USD vào xây dựng nhà máy VinFast.

Một số điểm sáng trong thực hiện Chiến lược có thể kể tới như: Các bộ, ngành và địa phương đang đẩy mạnh nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng hiệu quả cơ hội của cuộc thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào những mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch ngành/lĩnh vực. Ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong hơn 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam phát triển không ngừng cả về hạ tầng và thị trường. Việt Nam đã lọt vào tốp 20 quốc gia có số dân sử dụng Internet đông nhất thế giới với 64 triệu người, xấp xỉ 67% dân số. Mạng di động 4G được triển khai rộng khắp với hơn 40.000 trạm, phủ sóng hơn 90% dân số.

Trong hệ sinh thái số, ba thị trường chính là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử đều có tăng trưởng vượt bậc. Doanh thu ngành công nghệ thông tin đạt 67,6 tỷ USD, ngành viễn thông đạt 6,2 tỷ USD, đội ngũ nhân lực tới 781.000 người. Thị trường thương mại điện tử tăng 69%, đưa Việt Nam vào tốp 3 thị trường thương mại điện tử có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển mạnh. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo từng bước được xây dựng và phát triển. Chính sách khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư mạo hiểm được đưa vào Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017. Đến nay cả nước có hơn 50 khu không gian làm việc chung, 40 vườn ươm và tổ chức tăng tốc khởi nghiệp. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ, tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới tăng nhanh…

Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ

Tuy nhiên, trước những kết quả đạt được, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tiềm năng vẫn còn nhiều những vẫn còn khó khăn và thách thức để khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Trịnh Minh Tâm, Phó Viện trưởng, Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, mặc dù, trình độ học vấn của người Việt Nam được nâng cao, nhưng tỷ lệ lao động có kỹ năng còn thấp. Năng suất lao động của Việt Nam tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, nhưng vẫn còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đứng thứ 93/127 quốc gia. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh, nhưng Việt Nam chưa có doanh nghiệp khởi nghiệp nào đạt giá trị trên 1 tỷ USD trong khi ở khu vực Đông Nam Á có 7 doanh nghiệp (Singapore: 4, Indonesia: 3).

Cùng với đó, mặc dù, hệ thống văn bản đã được ban hành nhằm thúc đẩy áp dụng các thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng thường đi chậm nhịp so với sự sôi động, luôn đổi mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc ban hành các văn bản pháp lý, đề án, chương trình triển khai luật còn chậm, thiếu các hướng dẫn, dẫn đến những khó khăn cho việc triển khai trong thực tế, đặc biệt là đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.

Các tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành thời gian qua còn chưa cụ thể.

Đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng còn rất lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Trong khi, chúng ta chưa huy động được nhiều nguồn lực cho hoạt động khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đặc biệt từ doanh nghiệp. Nguồn nhân lực có trình độ cao còn hạn chế.

Để thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với xu hướng phát trniển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn văn bản pháp luật như sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông; và xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về hạ tầng số, về công nghiệp công nghệ. Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu trong từng ngành, lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho việc tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin.

TS. Trịnh Minh Tâm kiến nghị, đề nghị các bộ, ngành và địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, hỗ trợ chuyển giao phát triển công nghệ trong doanh nghiệp. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước và có giải pháp cụ thể cho ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo đạt tỷ lệ 2% tổng chi ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, Chính phủ cần đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất cho các ở địa phương, các đơn vị tuyến huyện, xã, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong việc kết nối, liên thông dữ liệu.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần phát triển nguồn nhân lực cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng khả năng phối hợp, liên kết đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực giữa nhà trường, các trung tâm đào tạo với doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục