FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực: Tận dụng ưu đãi để tạo lợi thế cạnh tranh

15:09' - 05/10/2016
BNEWS Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU), gồm các nước Nga , Belarus , Kazakhstan , Armenia và Kyrgyzstan có hiệu lực từ hôm nay (5/10).

Dệt may là một trong những ngành hưởng lợi từ FTA Việt Nam - EUEA. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Theo hiệp định này, những ngành hàng được hưởng lợi nhất là thuỷ sản, dệt may, da giầy... bởi thuế suất của các mặt hàng này sẽ về mức 0%. Mặc dù bên cạnh những tác động tích cực của Hiệp định, một số đơn vị, ngành hàng đã bày tỏ về những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khi hiệp định này có hiệu lực. 

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam bày tỏ, trong EAEU, sản phẩm gỗ của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nga, Kazakhstan và Azerbaijan.

Thời gian qua, xuất khẩu gỗ Việt Nam sang các thị trường này rất hạn chế. Đến năm 2015, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Nga đạt giá trị chưa đầy 30 triệu USD do chi phí vận tải rất cao. Trong khi chi phí vận tải sang EU khoảng 30 USD/m3 nhưng sang Nga phải mất 90 USD/m3.

Mặc dù nhìn thấy lợi thế nguyên liệu gỗ ở khu vực này rất dồi dào lại thiếu công nhân nhưng Việt Nam lại chưa được phép đưa công nhân sang và đưa thiết bị sản xuất sang. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu mua gỗ của Siberia , Tây Á đưa về các thành phố St Peterburg, Moskva, Volgagrad để sản xuất và bán tại chỗ.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, FTA Việt Nam – EAEU mở ra cơ hội về thị trường ở khu vực Đông Âu, nơi mà đồ gỗ Việt Nam còn đang rất vắng bóng. Cơ hội rõ ràng đang được mở ra giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường ở khu vực này.

Ngành gỗ gặp không ít thách thức khi ra nhập thị trường quốc tế. Ảnh: Báo Công thương

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ gặp không ít thách thức ở thị trường này vì nó mới lạ với doanh nghiệp Việt Nam . Do vậy, doanh nghiệp phải tìm hiểu thị trường từ khâu thiết kế mẫu mã, chất lượng sản phẩm, kiểm dịch, hệ thống đánh thuế, lựa chọn đồng tiền thanh toán… Hoặc, những vấn đề như khi xuất khẩu đến các quốc gia này có thể chọn cảng biển nào, điều kiện logicstic ra sao để có chi phí thấp nhất.

Nông sản cũng là mặt hàng đang được kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực này. Theo ông Khuất Duy Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hội Vũ chuyên chế biến, xuất khẩu các sản phẩm rau quả, doanh nghiệp có xuất khẩu các mặt hàng rau quả đóng hộp sang thị trường Nga.

Tuy nhiên, các mặt hàng này chưa có ưu đãi gì nhiều. "Thuế nhập khẩu của thị trường Nga với các sản phẩm rau quả đóng hộp trước là 15% vì vậy hy vọng trong thời gian tới, ngoài việc giảm thuế suất về 0% Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục có thêm các chính sách để đẩy mạnh thương mại hàng nông sản", ông Hùng cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam , Việt Nam hiện vẫn đang xuất khẩu chủ yếu thép sang các thị trường truyền thống ở ASEAN. Còn các nước tại châu Âu, nhất là các nước trong EAEU thì Việt Nam chưa xuất thép sang.

Do đó, với hiệp định này, cơ hội là rất rõ ràng cho doanh nghiệp thép, nhưng doanh nghiệp có nắm bắt, tiếp cận được thị trường này, tận dụng được hay không lại là điều không dễ.

"Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, để phát triển bản thân các doanh nghiệp cũng đã có ý thức vươn ra các thị trường nước ngoài bằng việc nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm. Điều này có thể thấy thông qua nâng cao chất lượng, giảm giá thành, hay đảm bảo thời gian, dịch vụ cung ứng sản phẩm. Chúng ta cũng đang có nhiều doanh nghiệp lớn xuất khẩu như Hòa Phát, Hoa Sen, Vnsteel, Tôn Phương Nam ...

Nhưng phần lớn vẫn là những doanh nghiệp thép có quy mô nhỏ, công suất vài trăm nghìn tấn, nên năng lực sản xuất, tài chính, công nghệ còn kém, điều này vô hình chung làm hạn chế năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép trong nước.” – ông Sưa nói.

Vì thế, để tận dụng được cơ hội từ EAEU mang lại theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam , ngành thép phải có những doanh nghiệp lớn cả về công nghệ, tài chính và quản lý, quy mô hàng triệu tấn/năm, thì mới có thể cạnh tranh tại sân nhà và trên đấu trường thế giới.

Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp thì Nhà nước cũng có thể hỗ trợ tìm hướng mở rộng hơn thị trường xuất khẩu, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như ASEAN, mà phải hướng tới các thị trường mà Việt Nam đang hội nhập, tận dụng lợi thế về ưu đãi thuế quan.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải có chiến lược trong việc tìm hiểu kỹ những quy định, lộ trình cắt giảm thuế quan, luật lệ của các nước và cả những biện pháp phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp.

Là một doanh nghiệp thủy sản có giá trị xuất khẩu vào EU chiếm tới 50% tổng doanh thu; trong đó có các nước trong EAEU, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước (Tp. Đà Nẵng) cho rằng, khi hiệp định này có hiệu lực, các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản xuất khẩu sang thị trường EAEU sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi.

Tuy nhiên, sự ưu đãi này có thể chịu sự giám sát khá chặt chẽ của EAEU đối với số lượng nhập khẩu. Mặt khác, hiệp định này cũng tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành thủy sản Việt Nam trước các đối thủ trong khu vực như Thái Lan , Indonesia ...

Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, việc "bắt tay" với EAEU sẽ mở ra cơ hội "vàng" với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Song, kèm theo đó là không ít thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt, đó là sự cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ phía Liên minh Á-Âu để có thể trụ vững trên sân nhà.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp Việt khắc phục hạn chế, chủ động khai thác tối đa lợi thế từ những điều khoản trong Hiệp định thương mại tự do với thị trường rộng lớn này. Bên cạnh đó, đây cũng là thị trường khó tính, đòi hỏi những tiêu chuẩn cao và riêng biệt.

Do đó, "để có thể tận dụng được những ưu đãi từ hiệp định này mang lại, bản thân doanh nghiệp phải đầu tư khoa học kỹ thuật vào toàn chuỗi sản xuất, nhằm quản lý chất lượng tốt từ khâu chọn giống cho đến chế biến", ông Lĩnh đề xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục