Làm giàu trên dòng Đà giang

06:56' - 19/04/2016
BNEWS Đà giang ở địa phận Quỳnh Nhai ngày nay trên bến dưới thuyền, tàu đánh bắt cá, tàu khách du lịch nhộn nhịp, những vuông lồng bè nuôi cá san sát như những bàn cờ nổi trên mặt nước...
Thủy điện Sơn La đã tích nước, tạo nên một vùng lòng hồ mênh mông giữa điệp trùng núi biếc, xứng với tên gọi “Hạ Long vùng Tây Bắc”. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Mảnh đất Quỳnh Nhai của Sơn La thường được gọi là “nơi con sông Đà dừng lại”, địa danh gợi nhớ vùng đất đã hy sinh cao cả cho thủy điện Sơn La khi đây là một trong những huyện phải di dời toàn bộ cả huyện.

Quê cha đất tổ, mồ mả tổ tiên, những công trình lớn nhỏ và cả những không gian ký ức không thể gọi tên được người Quỳnh Nhai nhường lại vì dòng điện Tổ quốc. 

Trở lại Quỳnh Nhai khi ký ức về những ánh mắt người già, con trẻ bần thần, nghẹn ngào trên những nền nhà xác xơ, bên những cây cột nhà vừa ngả xuống chờ bốc lên xe chuyển đi trong những tháng ngày di dời “lịch sử” ấy vẫn chưa phai… 

Ngỡ ngàng là cảm giác đầu tiên cho ngày trở lại. Ngỡ ngàng vì cảnh sắc Quỳnh Nhai mới hôm nay quá đẹp, xứng với tên gọi “Hạ Long vùng Tây Bắc” khi thủy điện Sơn La đã tích nước, tạo nên một vùng lòng hồ mênh mông giữa điệp trùng núi biếc.

Ngỡ ngàng hơn khi dòng Đà giang ở địa phận Quỳnh Nhai trên bến dưới thuyền, tàu đánh bắt cá, tàu khách du lịch nhộn nhịp, những vuông lồng bè nuôi cá san sát như những bàn cờ nổi trên mặt nước...

Sáng sớm, mặt trời chưa lên, sương mai bảng lảng vẫn giăng đầy mặt nước. Cây cầu Pá Uôn như dải lụa trắng vắt ngang dòng sông Đà hùng vĩ. Cách đó không xa, trên bè cá gần chân cầu, anh Lừ Văn Tuyên và các xã viên đã tập trung kéo mẻ lưới đầu tiên xuất bán cá lăng cho thương lái. Đây là mẻ cá đầu tiên được thu hoạch trong năm 2016 nên anh em ai cũng phấn khởi.

HTX dịch vụ thương mại Thương Tuyên (xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai) do anh Lừ Văn Tuyên làm Chủ nhiệm được thành lập từ năm 2015, với nguồn vốn 900 triệu đồng; trong đó có 600 triệu đồng được vay từ nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp cho vùng tái định cư thủy điện Sơn La của Agribank chi nhánh huyện Quỳnh Nhai.

Đến bản mới định cư, ban đầu cũng chông chênh khi đất sản xuất không có, nhiều người lại bám dòng sông Đà, ngược thuyền về quê cũ trồng sắn, trồng ngô trên diện tích canh tác cũ hoặc lênh đênh đánh bắt tôm cá tự nhiên qua ngày.

Chính trong những ngày lênh đênh đó, nhận thấy tiềm năng lớn của vùng lòng hồ, cộng với ý chí không cam chịu đói nghèo của những người đàn ông đang trong độ "lập thân, lập nghiệp", anh Tuyên bàn với anh em trong họ, trong bản góp vốn thành lập HTX nuôi cá lồng.

Đến nay, 17 thành viên trong HTX đã có 30 lồng cá, chủ yếu là cá lăng, cá nheo, cá chiên - những giống cá có giá trị kinh tế cao. 

17 thành viên trong HTX đã có 30 lồng cá, chủ yếu là cá lăng, cá nheo, cá chiên. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

“Nuôi cá lồng trên lòng hồ có nhiều điểm khác biệt so với nuôi cá trong ao. Do có điều kiện thuận lợi về môi trường nên cá lồng trên lòng hồ có thể lớn nhanh gấp nhiều lần so với nuôi cá trong ao, dễ chăm sóc, thu hoạch và chất lượng cũng được đánh giá là cá “sạch” nên luôn được thị trường ưa chuộng”, anh Tuyên cho biết. 

Cũng như nhiều xã thuộc điểm tái định cư, sau khi thủy điện Sơn La tích nước, hầu hết diện tích nương rẫy của bà con xã Chiềng Ơn ngập chìm dưới lòng hồ. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất là điều không thể không làm, nhưng trồng cây gì, nuôi con gì cũng vướng phải khó khăn thiếu đất sản xuất. 

Trong sự trăn trở đó, mô hình nuôi cá lồng trên mặt nước hồ thủy điện xuất hiện ở Quỳnh Nhai cho thấy hướng đi hiệu quả đối với phát triển kinh tế của bà con vùng tái định cư.

Như bù đắp cho sự hy sinh khi phần lớn diện tích đất canh tác đã ngập dưới lòng hồ, Quỳnh Nhai hiện có hơn 10.000 ha mặt nước với nguồn thủy sản phong phú, đa dạng là lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo việc làm và nguồn thu nhập cho bàn con vùng tái định cư vốn còn nhiều khó khăn về ngành nghề và đất sản xuất. 

Đến nay, huyện Quỳnh Nhai có 10 HTX nuôi cá lồng bè, chưa kể số lồng cá của các hộ đơn lẻ với tổng số trên 500 lồng cá. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Tận dụng lợi thế này, thời gian qua, huyện Quỳnh Nhai đã tranh thủ các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của chương trình 30a; vốn vay ưu đãi phát triển nông nghiệp để xây dựng thí điểm mô hình nuôi cá lồng tại xã Chiềng Bằng.

Từ mô hình điểm này, đến nay, huyện có 10 HTX nuôi cá lồng bè, chưa kể số lồng cá của các hộ đơn lẻ với tổng số trên 500 lồng cá, tập trung ở các xã Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Ơn... 

Ông Điêu Chính Thánh, cán bộ Agribank Quỳnh Nhai cho biết, đến nay, ở Quỳnh Nhai, nuôi cá lồng đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân với thu nhập ổn định từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Có những gia đình mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá lồng.

Đây là mô hình có ý nghĩa rất lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo việc làm, ổn định đời sống cho đồng bào định canh trên quê mới.

Để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng, huyện Quỳnh Nhai đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi; xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với các quy ước bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vận động hộ dân tham gia thành lập các HTX thủy sản... 

Nuôi cá lồng trong hồ thường là cá đặc sản như cá lăng, cá chiên mới cho hiệu quả cao và dễ tiêu thụ. Còn các loại cá thường như trắm, chép, rô phi nuôi trên hồ không hiệu quả so với nuôi trong ao, chưa kể tiêu thụ cũng rất khó khăn do không cạnh tranh được với những điểm nuôi gần thị trường đô thị lớn. Tuy nhiên, số tiền đầu tư cho mỗi lồng cá lên đến 20 triệu đồng.

Cùng với đó là giá cá giống khá cao. Hiện tại, giá mỗi con cá giống đặc sản lên tới 13.000 - 15.000 đồng, nguồn giống cũng không chủ động được mà phải nhập ở tỉnh khác về. Đây là một trong những trở ngại trong phát triển nghề nuôi cá lồng. 

Mặt khác, đối với bà con đồng bào dân tộc vốn chỉ quen đốt nương làm rẫy và khai thác cá tự nhiên bằng chài lưới thì đây là mô hình không đơn giản khi trình độ và kỹ thuật nuôi cá lồng chưa được phổ biến rộng.

Số tiền đầu tư cho mỗi lồng cá lên đến 20 triệu đồng. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

“Hiện tại, môi trường và nguồn nước vẫn đảm bảo nên chưa có vấn đề lo ngại về dịch bệnh. Tuy nhiên với tốc độ phát triển nhanh, nếu không chú trọng về kỹ thuật thì vấn đề rủi ro về dịch bệnh là điều khó tránh khỏi”, anh Tuyên cho biết. 

Theo ông Phạm Văn Hoa, Giám đốc Agribank Sơn La, để chủ động nguồn vốn cho phát triển sản xuất, đặc biệt đối với đồng bào vùng tái định cư, Agribank Sơn La đã xây dựng định mức và quy trình cho vay đối với các mô hình sản xuất điển hình ở các vùng tái định cư, trong đó có mô hình nuôi cá lồng.

Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, Agribank Sơn La cũng khuyến cáo người dân thành lập các tổ, nhóm hoặc các HTX sản xuất, tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo hiệu quả bền vững của mô hình. 

Để phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, giúp đồng bào tái định cư giảm nghèo và làm giàu trên vùng quê mới, tỉnh Sơn La cũng đang xây dựng cơ chế chính sách liên kết giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; quy hoạch diện tích nuôi thủy sản; giao diện tích mặt nước ổn định cho bà con để đảm bảo nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững.

Quỳnh Nhai hôm nay đã có những “triệu phú cá” trên dòng Đà giang với những cái tên nổi tiếng như Vũ Thị Hạnh Lợi, Lò Thị Bun, Lò Văn Khặn, Lường Văn Ngoa...

Anh Lừ Văn Tuyên cho biết, hiện tại tiềm năng để mở rộng sản xuất còn lớn, thị trường tiêu thụ thuận lợi nên các hộ và cơ sở nuôi cá lồng đều muốn mở rộng quy mô sản xuất. HTX Thương Tuyên cũng đang liên kết với một số HTX khác trên vùng lòng hồ thủy điện để xây dựng thương hiệu “Cá lồng sông Đà”.

Cùng với các hộ cá nhân, các HTX, không ít doanh nghiệp đang nhận thấy tiềm năng lấp lánh trên dòng nước Đà giang với những dự án vừa có khả năng mang lại lợi nhuận lớn, vừa giải quyết việc làm cho người dân vùng cao như dự án nuôi cá bỗng của Công ty TNHH Đăng Khang; dự án nuôi cá tầm của Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Sơn La...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục