Làm giàu từ trồng dừa xiêm đỏ

18:30' - 13/10/2016
BNEWS Thời gian qua, giá dừa xiêm đỏ luôn ở mức cao. Mỗi cây thu được gần 1 triệu đồng tiền dừa tươi/năm. Mỗi công đất (1.000 m2) trồng khoảng 40 cây, cho nguồn thu gần 40 triệu đồng.
Hiện nay, lập vườn chuyên canh trên đất thuần nông hiệu quả kém là một trong những hướng đi được nhiều nông dân tỉnh Tiền Giang lựa chọn nhằm xây dựng mô hình kinh tế bền vững. Tùy theo địa hình, thổ nhưỡng, bà con chọn những cây trồng phù hợp; trong đó, có trồng dừa xiêm đỏ làm giàu là cách làm hay của nông dân Nguyễn Văn Út, cư ngụ tại xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho. 

Gia đình ông Út có 6.300 m2 đất canh tác (0,63 ha) trước đây trồng lúa năng suất cao. Dù áp dụng triệt để các biện pháp thâm canh khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao nhưng kinh tế gia đình vẫn không cải thiện, nghèo khó cứ đeo đuổi mãi. Ông Út tính toán, trung bình mỗi công đất (1.000 m2), nếu trồng lúa năng suất cao, mỗi năm 2 vụ chỉ thu hoạch tối đa khoảng 80 giạ lúa (1,6 tấn), bán với giá 5.000 đồng/kg, thu 8,5 triệu đồng/năm và tổng thu cho cả diện tích chỉ hơn 50 triệu đồng. 

Sau nhiều đêm suy nghĩ, tính toán và nghiên cứu thị trường, giá cả các loại nông sản hàng hóa chủ lực trên địa bàn, ông quyết định chuyển đổi sản xuất theo hướng lập vườn trồng chuyên canh dừa xiêm đỏ. Theo ông Nguyễn Văn Út, dừa xiêm đỏ là loại dừa sử dụng tươi, có nhiều ưu điểm vượt trội so với những giống dừa địa phương khác như dễ trồng, năng suất cao, chất lượng trái tốt, nước dừa ngọt thanh và thị trường giải khát các tỉnh, thành phía Nam rất ưa chuộng. Đây cũng là loại dừa lúc nào cũng tiêu thụ dễ dàng, giá trị kinh tế cao hơn các giống dừa địa phương khác. Những lúc cao điểm, hút hàng, thương lái đến tận vườn lùng mua với giá rất cao. 

Tuy vậy, để trồng dừa xiêm đỏ thành công theo mô hình chuyên canh, theo ông Nguyễn Văn Út, cũng phải chú trọng áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, từ khâu chọn giống, quy cách và mật độ trồng đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây dừa đặc biệt là bọ cánh cứng, đuông – những đối tượng hết sức nguy hại. 

Ông Út cho biết, bản thân ông phải đến tận vườn cây giống chọn từng trái dừa tốt về ươm trước khi đem ra trồng. Về mật độ, mỗi công đất (1.000 m2) trồng khoảng 40 cây, không trồng dày quá hoặc thưa quá. Dừa xiêm đỏ có ưu điểm là sớm thu hoạch. Chỉ sau 28 tháng, cây đã cho lứa trái đầu tiên và mỗi năm năng suất mỗi cao. Trong quá trình trồng, cần chú trọng phòng ngừa bọ cánh cứng và đuông dừa. Trung bình mỗi tháng phải phun xịt hoặc xử lý thuốc một lần. Phòng ngừa bọ cánh cứng và đuông dừa kết hợp bón phân, chăm sóc tốt nên vườn dừa xiêm đỏ của ông Út mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Út cho biết, trung bình mỗi tháng, vườn dừa cho thu hoạch một lần. Trong các tháng cao điểm mùa mưa, mật độ thu hoạch dày hơn, 2 tháng thu hoạch 3 đợt trái. Mỗi cây trong một lần thu hoạch được 12 đến 15 trái. Thời gian qua, giá dừa xiêm đỏ luôn ở mức cao, trung bình 5.000 đồng/trái. Mỗi cây thu được gần 1 triệu đồng tiền dừa tươi/năm. Mỗi công đất (1.000 m2) trồng khoảng 40 cây, cho nguồn thu gần 40 triệu đồng. Khu vườn 6,3 công đất dừa xiêm đỏ, mỗi năm ông thu khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng, gấp hàng chục lần so với khi trồng lúa năng suất cao trước đây. Từ khi chuyển đổi từ cây lúa sang trồng dừa xiêm đỏ, gia đình ông Út đã vượt qua nghèo khó, trở thành điển hình làm giàu vùng ven đô thị của thành phố Mỹ Tho. 

Cuộc sống sang trang mới, ông càng ý thức trách nhiệm mình trong việc chung tay cùng cộng đồng xóa đói giảm nghèo nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ hộ nghèo khó, neo đơn vươn lên ổn định cuộc sống. Ông thường xuyên dự các buổi tập huấn, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm xây dựng vườn quả đặc sản trong chi hội nông dân xóm ấp với mong muốn bà con cùng áp dụng thành công. Ngoài ra, ông Út còn là “mạnh thường quân” đối với những hộ nghèo, neo đơn, thông qua việc ủng hộ tiền, quà dịp lễ, tết, giúp đỡ con em học sinh nghèo đến trường hàng năm... 

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Út là tấm gương đi đầu trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Được nhà nước phát động, ông đã tự nguyện hiến trên 1.000 m2 đất mặt tiền để mở rộng và nâng cấp đường Lộ Làng theo chuẩn quốc gia. Theo gương ông, hàng trăm hộ dân thuộc ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh cặp theo trục lộ trên hăng hái hiến đất để mở rộng con đường Lộ Làng nối liền xã Tân Mỹ Chánh với các xã lân cận như: Đăng Hưng Phước, Song Bình (Chợ Gạo)… giúp phát triển kinh tế, văn hóa, tạo cơ hội giao thương giữa khu vực phía Đông thành phố Mỹ Tho và Tây huyện Chợ Gạo. Với những hoạt động và đóng góp này, ông đã trực tiếp giúp xã Tân Mỹ Chánh hoàn thành 100% tiêu chí và được công nhận, ra mắt xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tiền Giang. 

Ông Lê Ngọc Hóa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Chánh cho biết, không chỉ là điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, ông Nguyễn Văn Út còn là hạt nhân trong phong trào giảm nghèo nông thôn và chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Với những thành tích xuất sắc và đóng góp lớn lao cho cộng đồng, trong năm vừa qua, ông Út vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục