Lạm phát của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,6%

07:48' - 22/03/2022
BNEWS Chỉ số giá tiêu dùng tổng hợp (CPI) tháng 2/2022 của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 2% dự kiến, nhưng cao hơn mức tăng 1,2% trong tháng 1.

Theo số liệu của Cục Thống kê Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số giá tiêu dùng tổng hợp (CPI) tháng 2/2022 của Hong Kong tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 2% dự kiến, nhưng cao hơn mức tăng 1,2% trong tháng 1.

Nguyên nhân được cho là do giá rau xanh tăng mạnh vì gián đoạn giao thông từ Trung Quốc đại lục do nhiều tài xế mắc COVID-19 trong tháng 2.

Loại trừ ảnh hưởng của các biện pháp cứu trợ một lần của chính quyền, tỷ lệ lạm phát cơ bản cũng là 1,6 %, cao hơn mức 1,2% của tháng 1.

Trong số danh mục hàng hóa cấu thành CPI, các nhóm hàng ghi nhận mức tăng giá so với cùng kỳ trong tháng 2 là quần áo và giày dép tăng 8,0%, giao thông tăng 7,0%, thực phẩm cơ bản tăng 4,5%, ăn uống và đồ mang đi tăng 3,0%, hàng lâu bền tăng 2,0%, dịch vụ tăng 1,2%, rượu và thuốc lá tăng 1,1% và đồ dùng lặt vặt tăng 0,1%. Ngược lại, các nhóm có mức giảm theo năm là điện, gas và nước -2,7% và nhà ở -0,3%.

Theo người phát ngôn của chính quyền Hong Kong, giá tiêu dùng trong hai tháng đầu năm nhìn chung có nhiều biến động do sát Tết Nguyên đán nên lạm phát hai tháng đầu năm nay tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng giá hàng năm của các mặt hàng liên quan đến năng lượng và các yếu tố cấu thành CPI riêng lẻ như giao thông vận tải và quần áo, giày dép vẫn ở mức đáng kể.

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn lạm phát ở mức cao và giá năng lượng, hàng hóa quốc tế tăng cao, áp lực tăng giá bên ngoài có thể còn kéo dài.

Ngoài ra, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 thứ 5 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế của Hong Kong.

Tuy nhiên, nguồn cung lương thực ổn định tại Trung Quốc đại lục sẽ giúp Hong Kong kiểm soát áp lực tăng giá lương thực cơ bản (giá thực phẩm hiện đã tăng 4,5%)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục