Lạm phát ở Chile tăng lên mức cao nhất trong gần 30 năm

09:50' - 10/04/2022
BNEWS Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) 1,9% trong tháng 3/2022 so với tháng trước đó. Đây là mức tăng hàng tháng cao nhất của nền kinh tế Nam Mỹ này kể từ tháng 10/1993.

 

Ngày 9/4, Viện Quốc gia về Thống kê (INE) cho biết Chile ghi nhận mức tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) 1,9% trong tháng 3/2022 so với tháng trước đó. Đây là mức tăng hàng tháng cao nhất của nền kinh tế Nam Mỹ này kể từ tháng 10/1993.

Con số này vượt xa kỳ vọng 1,2% của thị trường và đưa chỉ số lạm phát từ đầu năm đến nay lên mức 3,4%. CPI của Chile trong 12 tháng qua cũng theo đó tăng lên mức 9,4%, mức tăng hàng năm cao nhất kể từ năm 2018.

Theo báo cáo của INE, các ngành hàng tăng giá nhiều nhất so với tháng trước là thực phẩm và đồ uống không cồn (3,9%) và giáo dục (6,6%), trong khi nhóm có mức giảm nhiều nhất là truyền thông (-4,1%). Bánh mì (5,9%) và thịt (4,3%) là nhóm thực phẩm tăng mạnh nhất và có tác động lớn nhất đến CPI tháng Ba.

Ngân hàng trung ương Chile lý giải mức lạm phát tích lũy này phần lớn do tiêu dùng tư nhân tăng mạnh sau khi tình trạng dư thừa thanh khoản xảy ra do ba lần rút tiền quỹ hưu trí - trị giá khoảng 50 tỷ USD - và việc nhà nước phân phối các khoản hỗ trợ hàng tháng khoảng 3 tỷ USD để đối mặt với đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Mario Marcel, cho biết cách duy nhất để giảm lạm phát ở Chile là thông qua chính sách tiền tệ. Theo kinh nghiệm trên thế giới, “không có cây đũa thần nào để giải quyết các vấn đề lạm phát, và chúng ta phải để Ngân hàng trung ương thực hiện công việc của mình'', Bộ trưởng Marcel nói.

Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng trung ương Chile đang thực hiện một chính sách tích cực là tăng lãi suất, hiện đang ở mức 7%.

Sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào năm 2021 (11,7%), nền kinh tế Chile đang bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Chile khép lại năm 2021 với lạm phát lên tới 7,2%, mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây, khiến Ngân hàng trung ương phải thực hiện các biện pháp chưa từng có và nhanh chóng rút lại các biện pháp kích thích tiền tệ mà nước này đã áp dụng khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3/2020.

Trước đó, Chính phủ của tân Tổng thống Chile Gabriel Boric đã công bố gói biện pháp phục hồi kinh tế hậu đại dịch đầu tiên trị giá hơn 3,7 tỷ USD, bao gồm tăng lương tối thiểu, “đóng băng” giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng cùng nhiều biện pháp khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục