Lạm phát tại Canada sẽ sớm vượt ngưỡng 8%

08:15' - 18/07/2022
BNEWS Tỷ lệ lạm phát của Canada đã vọt lên 7,7% trong tháng 5/2022, ghi dấu mức cao nhất kể từ tháng 1/1983.

Ông Tiff Macklem, Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada (BoC), trong một phát biểu mới đây dự báo tỷ lệ lạm phát tại quốc gia Bắc Mỹ này có thể sẽ vượt ngưỡng 8% ngay trong tuần tới, và duy trì ở phạm vi này trong vài tháng nữa.

 

Tỷ lệ lạm phát của Canada đã vọt lên 7,7% trong tháng 5/2022, ghi dấu mức cao nhất kể từ tháng 1/1983. Các chuyên gia phân tích tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Anh Reuters ước tính lạm phát ở Canada trong tháng 6/2022 đạt 8,3%, mức cao nhất kể từ năm 1982.

Theo ông Macklem, lạm phát sẽ giảm xuống còn khoảng 3% vào cuối năm 2023 và đạt mục tiêu 2% của BoC vào năm 2024.

Phó Thủ tướng Chrystia Freeland, người cũng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Canada, cho biết chính phủ liên bang đã phản ứng với xu hướng leo thang của lạm phát bằng cách "không đổ thêm dầu vào lửa" thông qua ngân sách của mình và khắc phục một số nguyên nhân dẫn đến lạm phát, cũng như giải quyết các chính sách về lao động và nhà ở.

Bà Freeland nói: "Chúng tôi tin rằng BoC có các công cụ và chuyên môn để thực hiện công việc này" và lưu ý về vai trò độc lập của BoC.

BoC lo ngại về vòng xoáy tiền lương-giá cả, nơi các doanh nghiệp tăng lương để giữ chân người lao động và sau đó chuyển chi phí cao hơn cho người tiêu dùng, những người sau đó muốn mức lương cao hơn để bù đắp cho lạm phát.

BoC cho biết, trong năm vừa qua ngân hàng này đã đánh giá thấp hướng đi của lạm phát, do giá hàng hóa toàn cầu tăng bất ngờ và các mô hình chi tiêu tiêu dùng thay đổi mà BoC không thể tính đến được một cách đầy đủ.

Và BoC đã phải mạnh tay tăng lãi suất để ngăn giá tiêu dùng tăng vọt ra ngoài tầm kiểm soát. Trong tuần trước, BoC đã chọn nâng lãi suất với quy mô "siêu lớn"  từ 1,5% lên 2,5%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ tư liên tiếp của BoC kể từ tháng 3/2022.

Trong Báo cáo Chính sách tiền tệ, các nhà kinh tế của BoC cho rằng phần lớn nguyên nhân dẫn đến lạm phát là do giá hàng hóa, đặc biệt là dầu, trong năm qua đã chuyển động khác xa so với dự đoán của họ.

Các chuyên gia thừa nhận đã đánh giá thấp sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ trong thời gian nền kinh tế đóng cửa, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế Canada sau các làn sóng lây nhiễm của đại dịch.

Những sai sót trong dự báo có ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ. Thống đốc Tiff Macklem thừa nhận rằng, nếu nhìn lại, tốt hơn là nên tăng lãi suất sớm hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục