Lạm phát tăng tại Singapore: Nguyên nhân và giải pháp

05:30' - 19/02/2022
BNEWS Một loạt sự kiện toàn cầu đã tạo ra áp lực tăng giá ở “đảo quốc sư tử” do Singapore là một nền kinh tế nhỏ, mở cửa và nhập khẩu hầu hết các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mình.

Theo kênh chinanewsasia.com.sg, áp lực lạm phát đang nhanh chóng nổi lên như một thách thức nghiêm trọng đối với Singapore trong năm 2022, sau khi chỉ số này chạm mốc cao nhất của nhiều năm do sự kết hợp hoàn hảo của các nhân tố trong và ngoài nước.

Số liệu chính thức mới nhất cho thấy lạm phát tổng thể của Singapore trong tháng 12/2021 tính trên cơ sở hàng năm đã tăng 4% so với mức 3,8% của tháng 11, trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm tiền thuế và chi phí vận tải đường bộ tư nhân) tăng 2,1% so với mức 1,6%. Con số này đánh dấu mức tăng lạm phát cao nhất trong gần 9 năm ở “đảo quốc sư tử”.

Áp lực chi phí gia tăng nhanh chóng diễn ra sau đợt lạm phát diễn biến tiêu cực trong thời gian ngắn của năm 2020, khi nhu cầu giảm mạnh do đại dịch COVID-19. Sự gia tăng lạm phát đã thúc đẩy Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương) đưa ra một động thái chính sách đầy bất ngờ.

MAS thường tổ chức các cuộc họp về chính sách vào tháng Tư và tháng Mười hàng năm. Ngày 25/1 vừa qua, cơ quan này công bố rằng họ sẽ tăng nhẹ tỷ lệ tăng giá của biên độ chính sách tỷ giá hối đoái có hiệu lực trên danh nghĩa của đồng đôla Singapore (SGD).

Động thái này trên thực tế cho phép đồng SGD tăng giá, làm cho hàng nhập khẩu rẻ hơn và vì vậy bảo vệ sức mua của người tiêu dùng và doanh nghiệp Singapore. MAS cho biết động thái mới nhất này “dựa trên sự chuyển dịch mang tính phòng ngừa và phù hợp nhằm đảm bảo sự ổn định giá cả trong trung hạn”.

* Yếu tố thúc đẩy lạm phát ở Singapore

Một loạt sự kiện toàn cầu đã tạo ra áp lực tăng giá ở “đảo quốc sư tử” do Singapore là một nền kinh tế nhỏ, mở cửa và nhập khẩu hầu hết các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mình. Những sự kiện này bao gồm xu hướng phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu đối với sự xuất hiện của vaccine ngừa COVID-19, giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao do suy giảm nguồn cung và những căng thẳng địa chính trị gần đây, cũng như những sự gián đoạn chuỗi cung ứng của thế giới liên quan đến đại dịch.

Hãy lấy ví dụ về lương thực. Với việc Singapore nhập khẩu hơn 90% lương thực tiêu thụ của người dân, những khó khăn về chuỗi cung ứng – từ những trục trặc trong sản xuất ở các nông trường hay nhà máy, tình trạng thiếu container vận chuyển cho đến đóng cửa cảng biển do COVID-19 – đã khiến giá cước vận chuyển tăng, làm tăng chi phí nhập khẩu.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như đợt lũ lụt gần đây, sau đó là hiện tượng thời tiết ấm lên ở Malaysia, cũng đã dẫn đến sự gia tăng giá lương thực toàn cầu. Giá năng lượng cao hơn cũng làm tăng chi phí sản xuất lương thực. Chẳng hạn, khí tự nhiên được sử dụng để tạo ra amonia – một thành phần quan trọng trong nhiều loại phân bón.  

Các hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu khác, chẳng hạn như ô tô và đồ điện tử gia đình, cũng tăng giá trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu kể từ đầu năm 2021. Cú sốc về nguồn cung một phần là do nhu cầu bất ngờ tăng vọt do đại dịch từ một số ngành như điện thoại thông minh và máy tính cá nhân, cùng với sự phức tạp của các chuỗi cung ứng đa quốc gia.

Trong đánh giá kinh tế vĩ mô 6 tháng một lần được công bố vào tháng 10/2021, MAS đã lưu ý rằng tình trạng thiếu chip có thể kéo dài đến năm 2022. Điều đó có nghĩa là giá đồ điện tử tiêu dùng sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Song song với đó, áp lực giá trong nước đang tăng lên.

Thị trường lao động thắt chặt, một phần do những hạn chế biên giới vì COVID-19 hạn chế dòng nhân lực nước ngoài, đã dẫn đến nhu cầu tăng lương. Điều này cũng đã đẩy giá dịch vụ ở Singapore tăng cao trong các lĩnh vực như ăn uống.

Nhu cầu nội địa vững chắc tiếp tục thúc đẩy thị trường cho thuê bất động sản địa phương và phí chứng nhận quyền mua xe (COE), làm tăng lạm phát nhà ở và vận tải ở Singapore. Số liệu mới nhất cũng cho thấy giá vé máy bay tăng mạnh và chi phí xét nghiệm COVID-19 theo Làn đi lại vaccine (VTL) là những nguyên nhân chính dẫn đến đà tăng lạm phát trong tháng 12/2021. Phó Giáo sư Ghosh thuộc Trường Quản lý Singapore cho rằng những yếu tố này giống như một “cơn bão hoàn hảo” với tất cả mọi thứ xảy ra cùng một lúc.

MAS cho biết, các nhân tố thúc đẩy lạm phát khu vực và toàn cầu trong năm 2021 sẽ vẫn duy trì trong một khoảng thời gian nữa. Lạm phát trong nước sẽ chịu những áp lực bên ngoài, cùng với việc thị trường lao động bị thắt chặt. Ước tính, lạm phát cơ bản của Singapore dự kiến sẽ tăng 2-3% trong năm 2022, trong khi lạm phát tổng thể sẽ tăng từ 2,5-3,5% (theo đánh giá đã được điều chỉnh).

* Tác động đối với người dân

Chi phí sinh hoạt tăng cao chắc chắn sẽ làm tăng áp lực đối với người dân Singapore. Theo Cục Thống kê Singapore, nhà ở và dịch vụ tiện ích, lương thực và vận tải là ba lĩnh vực chi tiêu hàng đầu của các hộ gia đình ở “đảo quốc sư tử”.

Trong khi đó, lạm phát vận tải tăng 8,8% trong năm 2021 so với mức chỉ 0,7% của năm 2020. Lạm phát vận tải tư nhân là động lực thúc đẩy chính, tăng hơn 11% do sự tăng giá của ô tô và xe máy và giá xăng dầu tăng. Lạm phát nhà ở và dịch vụ tiện ích tăng 1,4% năm 2021, đảo ngược mức giảm 0,3% của năm 2020.

Các mức thuế được rà soát hàng quý đã tăng trong năm 2021 và sẽ tiếp tục tăng trong quý I/2022. Việc một số nhà bán lẻ điện đột ngột rút khỏi Thị trường điện mở của Singapore vào năm ngoái cũng đã khiến hàng chục nghìn hộ gia đình phải chi trả những hóa đơn điện lớn hơn khi họ phải quay trở lại nhà vận hành lưới điện SP Group. Các hộ gia đình này có thể lựa chọn chuyển sang nhà bán lẻ điện khác và trên thực tế, tỷ lệ này đang tăng lên trong bối cảnh giá điện và chi phí nhiên liệu tăng mạnh. Lạm phát lương thực, một hạng mục chi tiêu chính khác, cũng tăng 1,4% trong năm 2021.

Một lĩnh vực khác mà các hộ gia đình có thể cảm nhận được tác động sâu sắc là việc thanh toán các khoản vay. Theo Phó Giáo sư Yeo Wee Yong từ Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore, trong khi chính sách tiền tệ ở Singapore tập trung vào tỷ giá hối đoái, lãi suất địa phương “không miễn nhiễm với những thay đổi trong nền kinh tế tổng thể” và có thể chịu áp lực tăng.

Lãi suất vay ngân hàng cũng chịu tác động bởi việc tăng lãi suất ở nước ngoài. Do đó, các khoản vay lãi suất thả nổi, chẳng hạn như trong hầu hết các khoản vay thế chấp, có thể được điều chỉnh tăng. Phó Giáo sư Yeo cho rằng điều này cộng với việc giá cả và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, cũng như việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) sắp xảy ra, đồng nghĩa với việc các hộ gia đình cần lập kế hoạch ngân sách của họ chặt chẽ hơn trước.

* Tác động đối với doanh nghiệp

Ông Peter Seah, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng DBS, cho biết việc các doanh nghiệp cảm nhận được sức nóng từ môi trường chi phí tăng cao có thể là do họ không có thị phần lớn và đang hoạt động trong các ngành có tính cạnh tranh cao.

Một số nhà quản lý trong lĩnh vực ăn uống cho hay họ đang “quay cuồng” với chi phí gia tăng như nguyên liệu thực phẩm và tiền lương. Tuy nhiên, họ không thể tăng giá vì sợ mất thực khách trong khi phải vật lộn với những hạn chế do COVID-19.

Điều đó để nói rằng lạm phát cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Vì vậy, có khả năng là tất cả các công ty sẽ phải chuyển chi phí cho người tiêu dùng. Theo ông Seah, những công ty nào hoạt động hiệu quả hơn, có thể tận dụng công nghệ và tự động hóa, từ đó ít phụ thuộc vào lao động hơn, thì các công ty đó có thể đa dạng hóa các nguồn cung của mình và duy trì môi trường chi phí thấp, cuối cùng sẽ là người chiến thắng.

* Các giải pháp

Các nhà kinh tế dự kiến MAS sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ trong kỳ họp vào tháng Tư tới. Ngoài việc nới rộng biên độ chính sách một lần nữa để cho phép đồng SGD tăng giá, một số nhà phân tích còn dự đoán MAS có thể thay đổi điểm giữa của biên độ - một công cụ nhìn chung thường dành cho các tình huống “gay cấn”.

Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Maybank cho biết, động thái phòng ngừa hiện nay thông qua việc điều chỉnh biên độ có thể không đủ để giảm lạm phát “nhập khẩu” và MAS sẽ thực hiện động thái “thắt chặt kép” vào tháng Tư tới bằng việc tập trung trở lại vào đồng SGD và nâng độ dốc lần thứ ba.

Phó Giáo sư Ghosh cho biết, các nhà chức trách cũng đã chuyển sang tìm cách “hạ nhiệt” lạm phát giá tài sản với các biện pháp được công bố vào tháng 12/2021. Chính phủ Singapore cũng đã đề ra chiến lược “đa hướng” để giải quyết tình trạng lạm phát gia tăng.

Phát biểu tại kỳ họp quốc hội tháng 1/2022, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại và công nghiệp Singapore Low Yen Ling cho hay chiến lược này bao gồm duy trì tính cạnh tranh của nền kinh tế Singapore để tiếp tục tạo ra công ăn việc làm tốt nhằm mang lại mức tăng trưởng lương bền vững cho người dân Singapore.

Bà nói thêm rằng chính phủ cũng đang đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu lương thực nhằm giảm khả năng dễ bị tổn thương trước những biến động giá cả lớn trên toàn cầu và đảm bảo rằng giá cung cấp thực phẩm vẫn duy trì tính cạnh tranh.

Trong khi đó, Bộ trưởng thứ hai phụ trách tài chính Indranee Rajah cho biết, việc tăng thuế GST không thể trì hoãn mãi nhưng người dân Singapore có thể chưa bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi sự tăng thuế này nhờ các chính sách như Gói Bảo hiểm.

Theo bà, gói hỗ trợ 6 tỷ SGD, được công bố lần đầu trong Ngân sách 2020, sẽ giúp hạn chế tác động của việc tăng thuế GST trong 5 năm đối với đại đa số người dân Singapore và trong 10 năm đối với những người có thu nhập thấp.

Bà khẳng định: “Về cơ bản, bất kỳ sự gia tăng nào trong chi tiêu đều do GST, Gói Bảo hiểm được thiết kế để bù đắp cho sự gia tăng đó. Chúng tôi sẽ quan tâm hơn đến các hộ gia đình có thu nhập thấp và đại đa số các hộ gia đình có thu nhập trung bình”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục