Làm rõ lộ trình hoàn thành hệ thống dữ liệu tài nguyên nước quốc gia

14:25' - 26/10/2023
BNEWS Sáng 26/10, các đại biểu thống nhất việc đầu tư xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để dùng chung, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), sáng 26/10, các đại biểu thống nhất việc đầu tư xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để dùng chung, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn, lộ trình hoàn thành việc này để phục vụ cho công tác quản lý, quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của Trung ương và địa phương.

* Điều hòa, phân phối hiệu quả tài nguyên nước

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, nhiều đại biểu đề nghị, nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra (Điều 3) cần thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh, chủ quyền quốc gia; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hòa, phân phối hiệu quả tài nguyên nước.

 
Tiếp thu các ý kiến, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

Có ý kiến đề nghị xem xét cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các đối tượng khai thác riêng lẻ trong vùng đã có hệ thống cấp nước tập trung.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự thảo luật chỉ quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục, có nguy cơ bị hạ thấp quá mức; khu vực đã xảy ra sụt lún hoặc có nguy cơ sụt, lún đất và khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn. Còn đối với những vùng đã có hệ thống cấp nước tập trung đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất thì sẽ không hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các tổ chức, cá nhân khai thác riêng lẻ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trong khai thác, sử dụng nguồn nước. Vì vậy đề xuất Quốc hội cho phép được giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp thực hiện điều hòa, phân phối tài nguyên nước; ý kiến khác đề nghị rà soát, chỉnh sửa quy định về việc phải dự báo được tình hình tài nguyên nước hàng năm để có phương án điều hòa nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước; trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong điều hòa, phân phối nguồn nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, điều hòa, phân phối tài nguyên nước là hoạt động quan trọng để bảo đảm ổn định khai thác, sử dụng nước cho các ngành kinh tế, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa quy định của Luật Tài nguyên nước và các luật chuyên ngành có liên quan đến khai thác, sử dụng nước thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành. Do đó, tiếp thu ý kiến các đại biểu, dự thảo Luật đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp, kịch bản, phương án điều hoà phân phối tài nguyên nước và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Có ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ nguyên tắc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước bảo đảm minh bạch và làm cơ sở để hướng dẫn chi tiết trong nghị định. Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo luật đã bổ sung nguyên tắc cấp phép như bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác nước; không gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

* Làm rõ việc phân vùng chức năng nguồn nước

Thảo luận ở hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí đánh giá, hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện hơn dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các quy định, thể chế hóa một số nhóm chính sách lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước, xã hội hóa ngành nước, kinh tế tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác…

Để tránh chồng chéo và khó áp dụng trong thực tế, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị làm rõ việc phân vùng chức năng nguồn nước được xác định trong quy hoạch tổng thể lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch tỉnh và nguồn nước nội tỉnh; đồng thời bổ sung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra. Trong quy hoạch tỉnh, cùng với việc phân vùng, chức năng nguồn nước cần được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm những quy định liên quan đến sản lượng cấp, khai thác để có thể linh động hơn trong các điều kiện bất thường về thời tiết và từ thực tiễn yêu cầu sản xuất kinh doanh cũng như phục vụ đời sống nhân dân; đồng thời xem xét nội dung bơm, hút nước để tháo khô lượng trong đáy khai thác khoảng sản nhằm tránh chồng chéo với các quy định về quản lý xả thải được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.

Góp ý về quy định hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) nhấn mạnh, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng, là điều kiện tiên quyết trong chuyển đổi số. Do đó, việc phát triển hạ tầng dữ liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện. Việc thiết lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước rất cần thiết nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các địa phương chưa xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước của địa phương; chưa có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước ở địa phương. Trong khi đó, thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá quan trắc tài nguyên nước phân tán, chưa thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nước nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý tài nguyên nước.

Để giải quyết tình trạng này, đại biểu Vương Thị Hương đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để dùng chung, thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, các phần mềm hệ thống công cụ hỗ trợ, ra quyết định điều hòa phân phối nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực và các dịch vụ đi kèm để khai thác, sử dụng.

Đại biểu Vương Thị Hương cũng đề nghị bổ sung quy định về thời hạn, lộ trình hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia nhằm phục vụ cho công tác quản lý, quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của Trung ương và địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục