Làm sạch nguồn nước trên hệ thống thủy lợi bằng cách nào?

16:10' - 31/12/2021
BNEWS Hiện nay vấn đề ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước tại các hệ thống thủy lợi đang là vấn đề cấp bách. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, sinh hoạt của người dân xung quanh hệ thống thủy lợi.

 

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 31/12, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, thời gian tới ngành thủy lợi sẽ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, thực hiện quy định về quản lý, đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực thủy lợi.

Trước tình trạng nhiều công trình thủy lợi có nguồn nước bị ô nhiễm nặng, ngành đặc biệt chú trọng đến việc làm sạch nguồn nước trên các hệ thống thủy lợi.

Năm 2021, Tổng cục Thủy lợi đã thực hiện 5 cuộc thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình. Tổng cục đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất về xả nước thải vào công trình thủy lợi. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra hoạt động xây dựng nhà máy điện mặt trời trong lòng hồ và kiểm tra các hoạt động của tổ chức, cá nhân trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa…Điển hình, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương với tổng mức phạt 140.000.000 đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay vấn đề ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước tại các hệ thống thủy lợi đang là vấn đề cấp bách. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, sinh hoạt của người dân xung quanh hệ thống thủy lợi. Điển hình như hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải - hệ thống thủy lợi lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm trên toàn hệ thống kênh đang lên mức báo động.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lương Văn Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, năm 2021, Tổng cục đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các đề án, chiến lược đều hoàn thành trước thời gian và đảm bảo chất lượng. Cụ thể, Chiến lược Quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; trình Quốc hội xem xét Đề án “An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025”….

Tổng cục Thủy lợi thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thời tiết và tổ chức dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và xâm nhập mặn; kịp thời thông tin cho các cơ quan liên quan, địa phương để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp.

Qua kiểm kê nguồn nước, trước và trong vụ sản xuất, ngành đã hỗ trợ các địa phương cân đối, bố trí kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng hợp lý, phù hợp với điều kiện nguồn nước. Điển hình như tại khu vực Nam Trung Bộ, đầu vụ Hè Thu 2021, qua dự báo nguồn nước không đảm bảo, một số địa phương đã chủ động điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho khoảng 4.034 ha.

Mùa khô năm 2020-2021, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện sớm từ ngày 24/01/2021 tại một số cửa sông, sớm hơn gần 1 tháng so với trung bình nhiều năm, tương đương so với mùa khô năm 2015-2016. Tuy nhiên, do được hỗ trợ từ dự báo của các cơ quan khoa học về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn và sự chủ động tích trữ nước cho vườn cây ăn trái của người dân, các địa phương đã chủ động xuống giống ở những vùng được khuyến cáo đủ nước nên năm 2021, không có diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.

Tổng cục Thủy đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều hành các đợt điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân năm 2020-2021, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đảm bảo cấp nước cho 522.490 ha lúa với tổng lượng nước điều tiết xả 3 đợt là 5,14 tỷ m3 nước, giảm được 2 ngày xả với tổng lượng xả thấp hơn khoảng từ 500-700 triệu m3.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, Tổng cục Thủy lợi đã có những dự báo sớm về hạn mặn, nguồn nước, qua đó đã giúp cho việc điều hành sản xuất nhất là gieo cấy ở Đồng bằng sông Cửu Long và đem lại hiệu quả cao. Tổng cục Thủy lợi và Cục Trồng trọt đã phối hợp tốt trong xây dựng kế hoạch sản xuất, những tài liệu kỹ thuật ứng phó hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với cây ăn quả.

“Nếu có hệ thống thủy lợi tốt mà không có những dự báo, cảnh báo sớm, sự phối hợp trong điều hành thủy lợi và kế hoạch sản xuất thì cũng sẽ không mang lại kết quả tốt”, ông Nguyễn Như Cường đánh giá.

Ông Lương Văn Anh  cho biết, năm 2022, Tổng cục tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; các chương trình, đề án và tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chuyên ngành. Ngành tiếp tục thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi, đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Đặc biệt, ngành sẽ rà soát đánh giá hạ tầng thủy lợi, điều chỉnh nhiệm vụ, phục vụ đa mục tiêu đáp ứng yêu cầu thực tiễn; triển khai cơ chế giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi; hướng dẫn thực hiện tiêu chí thủy lợi và nước sạch trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, Tổng cục Thủy lợi tập trung chỉ đạo, điều hành, khai thác vận hành công trình thủy lợi cấp nước, tiêu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế. Ngành nâng cấp hạ tầng hệ thống thủy lợi và hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng trong lĩnh vực thủy lợi; tổ chức xây dựng bản đồ thủy lợi, bản đồ trực tuyến cảnh báo nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên cả nước.

Đặc biệt, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến thông minh, hiện đại trên nền tảng số cho công tác thống kê, dự báo, cơ sở dữ liệu ngành để phục vụ cho chỉ đạo điều hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục