Làm sao để bảo vệ nguồn lực lao động trong đại dịch COVID-19?

13:18' - 01/05/2021
BNEWS Đại dịch COVID-19 hoành hành hơn 1 năm qua đã khiến thị trường việc làm và người lao động trên toàn thế giới phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Hệ lụy của “cơn bão” COVID-19 là rất nghiêm trọng khi số lượng người mất việc làm tăng cao đáng báo động.

Số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới đã giảm 8,8% trong năm 2020, đồng nghĩa rằng thế giới mất đi 255 triệu việc làm toàn thời gian, gần gấp 4 lần số việc làm bị giảm sút trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.

Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu trong năm ngoái đã tăng 1,1%, tương đương 33 triệu người mất việc làm, lên tổng số 220 triệu người và tỷ lệ người không có việc làm toàn cầu tăng lên 6,5%. Riêng tại Việt Nam, năm ngoái có tới hơn 32 triệu việc làm bị ảnh hưởng do COVID-19.

Ở một khía cạnh khác, đại dịch cũng gây những rủi ro đáng kể, đe dọa sự an toàn và sức khỏe của người lao động, trước hết là nguy cơ nhiễm bệnh.

Người lao động làm việc trong những lĩnh vực đặc thù như công tác chăm sóc y tế, xã hội và ứng phó khủng hoảng trở nên đặc biệt dễ bị lây nhiễm.

Báo cáo mới nhất của ILO cho thấy kể từ khi xảy ra dịch COVID-19 đã có 7.000 nhân viên y tế tử vong do COVID-19, hơn 14% các ca COVID-19 trên toàn cầu là nhân viên y tế và 136 triệu nhân viên chăm sóc y tế, xã hội đứng trước nguy cơ lây nhiễm căn bệnh chết người này trong khi làm việc.

Thậm chí, những áp lực và nguy cơ mà nhân viên y tế phải đối mặt trong đại dịch cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ.

Theo thống kê, có đến 1/5 số nhân viên chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu có các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.

Ngoài lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, nhiều nơi làm việc khác cũng đã và đang trở thành nguồn lây lan virus SARS-CoV-2 khi người lao động phải làm việc trong những môi trường khép kín và tiếp xúc gần với nhau, trong đó có cả việc ở chung và dùng chung phương tiện đi lại.

Hàng loạt vụ lây nhiễm COVID-19 ở các nhà máy chế biến và giết mổ gia súc ở Pháp, Đức hồi giữa năm ngoái, ở các doanh nghiệp may mặc ở Campuchia hay ổ dịch ở khu công nghiệp tại Hải Dương đầu năm nay cho thấy nguy cơ virus lây lan ở nơi làm việc là rất cao.

Trong khi đó, không phải doanh nghiệp hay người lao động nào cũng có thể lựa chọn phương án làm việc từ xa để tránh rủi ro, nhất là tại các nước đang phát triển.

Theo ILO, khoảng 70% người lao động Mỹ Latinh không có điều kiện làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát. Do đó, họ buộc phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nếu không muốn rơi vào cảnh thất nghiệp.

Ngay cả khi các doanh nghiệp triển khai hình thức làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch nhằm vừa kiềm chế dịch bệnh vừa có thể duy trì công việc hay hoạt động kinh doanh, thì cách thức làm việc như vậy vẫn phát sinh những mối quan ngại về sức khỏe người lao động.

Phân tích của giới chuyên gia cho thấy làm việc từ xa khó có thể phân tách giữa đời sống công việc và đời sống cá nhân, làm gia tăng căng thẳng về tinh thần của người lao động. 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát do ILO cùng Mạng lưới an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thực hiện cho biết khó có thể đảm bảo tinh thần làm việc của người lao động khi làm việc từ xa.

Đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn thiếu nguồn lực để ứng phó với những mối đe dọa do đại dịch gây ra.

Trong khu vực kinh tế phi chính thức, có đến 1,6 tỷ người lao động, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, vẫn phải ra ngoài làm việc trong thời kỳ áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và giao tiếp xã hội...

Điều này khiến họ đứng trước nguy cơ cao bị lây nhiễm khi mà phần lớn những người lao động này không được tiếp cận các chế độ bảo trợ xã hội cơ bản như nghỉ ốm hay nghỉ ốm có hưởng lương.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà thị trường việc làm toàn cầu trải qua kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930.

Có những người không thể đi làm vì các biện pháp hạn chế ngăn chặn dịch bệnh lây lan hoặc vì nghĩa vụ với xã hội hoặc họ không còn muốn tìm việc làm.

Điều này có thể dẫn tới những hệ lụy như người lao động mất đi kỹ năng, tài năng và năng lượng, gây tổn thất cho gia đình và toàn xã hội.

ILO cho rằng đây thực sự là một nguy cơ "thực tiễn" về một thế hệ "mất định hướng" do tác động của đại dịch COVID-19.

Nhân 135 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2021), ILO kêu gọi tập trung vào những chiến lược nhằm bảo vệ việc làm cũng như tăng cường an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc cho người lao động, qua đó xây dựng khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Mặc dù trong quý đầu năm đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực trong bức tranh kinh tế toàn cầu, nhưng ILO vẫn cảnh báo triển vọng phục hồi thị trường lao động toàn cầu trong năm 2021 là "thấp, không ổn định và không đồng đều".

ILO đã đưa ra 3 kịch bản về thị trường việc làm trong năm nay, tùy thuộc vào các biện pháp hỗ trợ ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Theo kịch bản tiêu cực, thời lượng làm việc trong năm 2021 sẽ giảm thêm 4,6% và thậm chí với kịch bản tích cực nhất thì thời lượng làm việc cũng vẫn giảm thêm 1,3% trong năm nay, tương đương với khoảng 36 triệu việc làm sẽ mất đi.

Để đối phó với những hậu quả của vòng xoáy dịch bệnh COVID-19, ILO kêu gọi các quốc gia hỗ trợ đặc biệt cho những nhóm và lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất, cũng như cho những nhóm có thể tạo nhiều việc làm một cách nhanh chóng. ILO nhấn mạnh cần hỗ trợ cho các nước nghèo hơn, có ít nguồn lực để thúc đẩy phục hồi thị trường việc làm hơn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh giới chuyên gia cảnh báo thế giới còn lâu nữa mới có thể chấm dứt được đại dịch COVID-19 do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi, ILO kêu gọi các quốc gia cần triển khai những hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp đảm bảo và có sức chống chịu tốt nhằm giảm thiểu rủi ro cho tất cả mọi người trong thế giới việc làm khi xảy ra những tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.

Để thực hiện được kế hoạch này đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng an toàn sức khỏe nghề nghiệp  và vấn đề này cần được tích hợp trong các kế hoạch tổng thể của quốc gia về công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó các tình huống khủng hoảng khẩn cấp nhằm bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của người lao động, cũng như đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra liên tục.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh tầm quan trọng của một môi trường lao động an toàn, sức khỏe bền vững và có sức chống chịu tốt càng trở nên rõ ràng khi mà đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục tàn phá thị trường việc làm.

Ông nêu rõ: “Công cuộc phục hồi và công tác phòng ngừa đòi hỏi những chính sách quốc gia, các khung thể chế và điều tiết tốt hơn phải được đưa vào các khung ứng phó khủng hoảng một cách phù hợp”.

Tổng Thư ký Hiệp hội Công nhân vận tải quốc tế (ITF) Stephen Cotton nhận định việc ILO công nhận vấn đề bảo đảm sức khỏe và an toàn nghề nghiệp như một quyền cơ bản tại nơi làm việc sẽ là một bước đi đúng hướng.

Ngay cả khi COVID-19 chưa gây ra mối đe dọa đối với an toàn và sức khỏe người lao động ở nơi làm việc, ILO ước tính hằng năm có khoảng 2,3 triệu người thiệt mạng liên quan đến thương tích và bệnh nghề nghiệp, trong đó có khoảng 350.000 người tử vong do tai nạn lao động và khoảng 2 triệu người chết vì bệnh nghề nghiệp.

Trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng 340 triệu vụ tai nạn lao động và 160 triệu nạn nhân của bệnh nghề nghiệp, tuy không gây tử vong nhưng cũng để lại thương tích nặng nề và mất đi khả năng lao động.

Tổng thiệt hại do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là vô cùng to lớn, chiếm khoảng 4% GDP của toàn thế giới. Điều đó cho thấy bảo đảm an toàn và sức khỏe  ở nơi làm việc cho người lao động là vấn đề hết sức quan trọng.

Người lao động là lực lượng nòng cốt, đi đầu, trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Không có quốc gia nào có thể thành công và thịnh vượng mà không có sự cống hiến của lực lượng lao động.

Như khẳng định của Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder, tất cả những người lao động, bất kể tình trạng việc làm, đều cần được bảo đảm các quyền cơ bản của họ tại nơi làm việc, trong đó có quyền được làm việc trong môi trường an toàn và sức khỏe, bởi bảo vệ nguồn lực lao động chính là bảo vệ tài sản quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục