Làm sao để du học sinh không trở thành lao động "chui"?

12:30' - 07/03/2017
BNEWS Những năm gần đây, học sinh Nghệ An đi du học với hình thức vừa học vừa làm ngày càng nhiều. Nhưng khi đã sang được các nước, rất nhiều du học sinh tìm cách bỏ trốn và ra ngoài đi làm.

Việc này không những gây tổn thất cho các đơn vị làm công tác tư vấn du học, cho gia đình chính học sinh đó, mà còn ảnh hưởng lớn đến hình ảnh người lao động, cũng như du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

Năm 2016, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại BMT tại Nghệ An đã đưa 12 học sinh sang du học tại Hàn Quốc. Trong số này, 2 học sinh sau khi nhập học một ngày đã bỏ học, một em ở xã Nghi Quang (Nghi Lộc), một em ở xã Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Nhận được thông báo này, Công ty đã trực tiếp liên hệ với gia đình để xử lý nhưng phía gia đình từ chối hợp tác vì không biết con đang ở đâu. Sau sự việc này, Công ty phải bồi thường 100 triệu đồng/em cho nhà trường, đồng thời bị trường đại học mà Công ty đang liên kết dừng hợp tác.

Ông Nguyễn Phi Long, Giám đốc Công ty lo lắng cho biết: “Du học Hàn Quốc ngày càng trở thành xu thế và là lựa chọn cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, nhiều học sinh đã lợi dụng việc du học để bỏ trốn, lao động bất hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín của Công ty và an ninh của Hàn Quốc”.

Mới đây, do tình trạng lưu học sinh Nghệ An bỏ học nhiều, đoàn Đại sứ quán Nhật Bản đã trực tiếp về tỉnh để tìm hiểu nguyên nhân và đề nghị tỉnh cần định hướng, chỉ đạo các công ty du học trên địa bàn cung cấp thông tin chính xác; không quảng cáo sai lệch hình thức du học “vừa học vừa làm” khiến học sinh, sinh viên sử dụng hình thức du học với mục đích làm việc kiếm tiền.

Theo quy định, học sinh đi du học phải xác định sang nước ngoài là để học, ít nhất 6 tháng, sau đó mới tính chuyện vừa đi học, vừa đi làm theo đúng quy định pháp luật nước sở tại. Việc học sinh tự ý bỏ ra ngoài là vi phạm pháp luật, trở thành lao động “chui” và không được sự bảo hộ của nước sở tại.

Để ngăn chặn tình trạng du học sinh bỏ học, các trường đại học tại Hàn Quốc liên kết với Công ty cổ phần đầu tư và thương mại BMT đã đưa ra quy định: Mỗi học sinh của Công ty đang học tại trường bỏ trốn bất hợp pháp hoặc nhận được thư mời nhưng không đi, Công ty sẽ bị phạt 5.000 USD/học sinh.

Về phía Công ty, trên cơ sở pháp luật và thỏa thuận giữa hai bên (Công ty và phụ huynh học sinh), đã có nhiều biện pháp về tài chính nhằm ngăn chặn du học sinh bỏ trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các đơn vị được cấp phép tuân thủ pháp luật; tăng cường rà soát, tổ chức kiểm tra, thanh tra, yêu cầu các Công ty công khai tài chính, các dịch vụ và chi phí liên quan.

“Mặt khác, sẽ tăng cường đào tạo định hướng cho các em trước khi đi du học nước ngoài, đào tạo nghề và khuyến khích các Công ty tìm kiếm học bổng cho học sinh”, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đến thời điểm này tỉnh đã có khoảng 1.000 học sinh đi du học ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Canada, Đức; trong số này hầu hết đều đi du học với mục đích vừa học, vừa làm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp Giấy chứng nhận hoạt động tư vấn du học.

Hầu hết các đơn vị thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, công khai thông tin liên quan đến cơ sở đào tạo, tình trạng kiểm định và công nhận chất lượng đào tạo của cơ quan chức năng sở tại cho người đi du học; đồng thời cam kết sẽ phối hợp với các bên liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thời gian du học sinh học tập tại nước ngoài./.

>>> Những thành phố có chi phí du học thấp nhất thế giới

>>> Giải pháp thu hút du học sinh xây dựng đất nước sau tốt nghiệp

>>> Du học sinh Việt Nam tại Anh được các nhà tuyển dụng đánh giá cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục