Làm sao để thúc đẩy thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã?

16:12' - 25/12/2023
BNEWS Đối với các Quỹ địa phương, năm 2023 đã cho vay tổng số tiền là 22.300 tỷ đồng; trong đó, cho vay 11.500 lượt hợp tác xã; 2.200 lượt tổ hợp tác và 750.000 lượt thành viên hợp tác xã.

Ngày 25/12, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội kết nối với điểm cầu tại UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Công Bằng, Tổng giám đốc Qũy Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam cho biết, trước khi Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31.3.2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Nghị định số 45/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành, ngoài Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập (Quỹ Trung ương), trên địa bàn cả nước có 50 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Quỹ địa phương).

Hiện tại, Quỹ Trung ương có tổng vốn hoạt động là 1.000 tỷ đồng. Với 50 Quỹ địa phương, tính đến 30/9/2023, tổng số vốn hoạt động là 2.596 tỷ đồng, vốn được ngân sách cấp 1.055 tỷ đồng, vốn bổ sung từ kết quả hoạt động và vốn khác 1.541 tỷ đồng. Đặc biệt, có 7/50 Quỹ địa phương có vốn hoạt động trên 50 tỷ đồng, bao gồm Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương. Có 16/50 Quỹ địa phương vốn hoạt động từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

 
Ngoài ra, 21/50 Quỹ địa phương có vốn hoạt động từ 5 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng (thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của Nghị định 45/2021/NĐ-CP); 3/50 Quỹ địa phương có vốn hoạt động dưới 5 tỷ đồng là Điện Biên, Bắc Kạn, Gia Lai. Cùng đó, có 3/50 quỹ hiện chưa được cấp vốn điều lệ để hoạt động gồm Tuyên Quang, Bến Tre, Thái Bình.

Như vậy, đối chiếu với mức vốn tối thiểu theo quy định của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP, đến nay còn 27/50 Quỹ địa phương, chiếm 54% số quỹ có vốn hoạt động dưới mức quy định.

Về tình hình cho vay, kể từ khi thành lập đến nay, ước tính đến hết năm 2023, Quỹ Trung ương đã ký hợp đồng cho vay 376 dự án tại 55 tỉnh, thành phố với tổng số tiền ký hợp đồng cho vay đạt 1.157 tỷ đồng, giải ngân với số tiền 1.067 tỷ đồng. Dư nợ cuối năm ước đạt 518 tỷ đồng.

Đối với các Quỹ địa phương, ước đến hết năm nay đã cho vay tổng số tiền là 22.300 tỷ đồng; trong đó, cho vay 11.500 lượt hợp tác xã; 2.200 lượt tổ hợp tác và 750.000 lượt thành viên hợp tác xã. Ước dư nợ đến hết năm 2023 đạt 2.050 tỷ đồng.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh cho hay, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã góp phần hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Trong 7 năm (2016 - 2023), Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã chấp thuận và ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển Trà Vinh ký kết 29 hợp đồng cho vay vốn, tổng giá trị 11,333 tỷ đồng, đã giải ngân 11,213 tỷ đồng, tổng lãi vay thu 0,97 tỷ đồng. Các dự án đầu tư vay vốn tại Quỹ đến nay đã đi vào hoạt động và dần ổn định, hầu hết các hợp tác xã thực hiện trả nợ gốc và lãi vay đầy đủ, đúng thời gian quy định.

Hiện nay, nhu cầu vay vốn của hợp tác xã rất cao, chủ yếu là nguồn vay lưu động để phát triển sản xuất cho thành viên và hợp tác xã. Do Quỹ chỉ cho vay đầu tư nên chưa đáp ứng nhu cầu trên, nên việc chuyển đổi hoạt động của Quỹ theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP, ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã là rất cần thiết.

Theo ông Thái Phước Lộc, nhằm chủ động các bước cho chuyển đổi, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xãtỉnh Trà Vinh đã thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán tình hình hoạt động của Quỹ từ khi thành lập cho đến nay. Đồng thời, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh đã xây dựng dự thảo phương án chuyển đổi, dự thảo điều lệ sửa đổi và gửi hồ sơ chính thức đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND tỉnh xem xét.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh rằng, với định hướng của tỉnh, Quỹ luôn thực hiện đúng phương châm hoạt động cho vay đúng đối tượng, quy trình đơn giản, nhanh gọn đã thực sự hỗ trợ cho hợp tác xã, thành viên hợp tác xã dễ dàng tiếp cận và phát huy tốt nguồn vốn vay. 

Bên cạnh đó, ưu tiên tập trung hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; các hợp tác xã có sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; tổ chức hoạt động theo chuỗi liên kết sản phẩm đã có tác dụng hỗ trợ các hợp tác xã phát triển theo đúng hướng. Đặc biệt, một số đã trở thành các mô hình mới, điển hình bước đầu được ghi nhận và nhân rộng…

Việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP của tỉnh Bắc Giang còn khó khăn, vướng mắc, vì thế, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Giang đề xuất Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục quan tâm, có hướng dẫn cụ thể tổ chức thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP, sớm triển khai ủy thác cho vay đối với các Quỹ cấp tỉnh theo Quyết định số 237/QĐ-LMHTXVN, ngày 28/6/2022 của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã Việt Nam nhằm tăng cường nguồn lực cho các Quỹ địa phương.

Tham gia thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Tĩnh đã báo cáo kết quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, phân tích một số khó khăn, vướng mắc và các nguyên nhân của việc chuyển đổi quỹ theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP tại Hà Tĩnh. Đồng thời kiến nghị Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam ủy thác vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Hà Tĩnh trong điều kiện còn thiếu vốn; hỗ trợ về hệ thống phần mềm kế toán, tín dụng chung để cùng hoạt động đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Đặc biệt, tham mưu Chính phủ, bộ, ngành liên quan ban hành thêm các quy định trích lập phân nhóm nợ và các quy định khác tương tự tổ chức tín dụng; ban hành các quy định, quyết định nhằm linh động trong việc chi trả lương, thưởng và các khoản chi khác để các quỹ sau khi chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ... 

Còn theo ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế rất lớn (khoảng 215 tỷ đồng/năm). 

Trong khi khả năng tự lực vốn của hợp tác xã chỉ dưới 20% số vốn cần thiết cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh dịch vụ; bình quân khoảng 18% số hợp tác xã và 5% thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác được vay vốn của các tổ chức tín dụng hàng năm. Còn lại trên 70% số hợp tác xã và thành viên, tổ hợp tác phải vay trên thị trường phi chính thức và “tín dụng đen” với lãi suất cao, thời hạn rất ngắn do không tiếp cận được với các ngân hàng.

Do đó, việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ngày càng tăng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đây là nguồn lực chính để xây dựng hợp tác xã hoạt động hiệu quả, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, mô hình hợp tác xã kiểu mới theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn khác để tăng khả năng nguồn vốn cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh.

Đặc biệt, quỹ được thành lập sẽ hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, xây dựng và nhân rộng các mô hình mới, mô hình điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

 

Kết luận hội nghị, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các địa phương; đồng thời khẳng định, Nghị định định 45/2021/NĐ-CP có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển, lớn mạnh và hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. 

Vì vậy, bà Cao Xuân Thu Vân đề nghị các địa phương cần chủ động, quyết liệt trong các khâu để thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; tham mưu cấp ủy, chính quyền bổ sung đủ vốn điều lệ cho quỹ hoạt động.

Cùng đó, bà Cao Xuân Thu Vân cũng mong muốn các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm các điều kiện về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất cho Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, địa phương hoạt động hiệu quả.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục