Làm sao đưa sản phẩm của hợp tác xã vào chợ đầu mối, siêu thị và sàn thương mại điện tử?

20:08' - 12/08/2021
BNEWS Kết nối đưa sản phẩm của hợp tác xã vào chợ đầu mối, siêu thị và sàn thương mại điện tử.

Trước bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài khiến các hợp tác xã nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, lượng hàng tồn kho lớn lên tới hàng chục triệu tấn, chi phí đầu vào tăng nhưng tài chính của hợp tác xã và nông dân lại hạn chế.

Điều đáng nói có tới 80% lượng thực phẩm mà hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất đều được thu mua thông qua thương lái.

Để khắc phục vấn đề này, ngày 12/8, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Liên minh Hợp tác xã 63 tỉnh, thành phố về triển khai Chương trình 503/Ctr-LMHTXVN về kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa do hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

* Tắc nghẽn nguồn cung

Theo số liệu của Bộ Công Thương, số lượng hàng hóa tồn kho gồm: gần 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120 nghìn tấn thủy hải sản, 80 nghìn tấn lợn hơi, 600 nghìn tấn thịt gà, 400 triệu quả trứng với trị giá hàng hóa ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hoạch, thu mua nông sản. Nhiều nhà máy chế biến nông, thủy sản phải đóng cửa, trong khi khâu vận chuyển giao thương trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Nhận định vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Ngay từ tháng 5/2021, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức đẩy mạnh việc kết nối cung - cầu tiêu thụ, sản xuất nông sản; đồng thời, Quỹ hỗ trợ Phát triển Hợp tác xã cũng tiến hành giãn, hoãn, giảm lãi suất hỗ trợ cho các hợp tác xã.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thực hiện Chương trình kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi cung ứng do hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất. Theo đó, đã huy động hàng nghìn hợp tác xã vận tải, thương mại tham gia.

Liên quan đến cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trong giai đoạn khó khăn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị các địa phương xem xét mở lại chợ đầu mối để hỗ trợ tiêu thụ nông sản; ưu tiên tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 cho người lao động, thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa...

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề nghị giảm 50% hoặc miễn phí xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe, phụ xe, lái tàu, phụ lái tàu, thuyền viên, người lao động của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về phía các Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo mong muốn Bộ Công Thương đẩy mạnh thông tin về thị trường, rà soát kỹ chuỗi nông sản để giải quyết ách tắc một cách cụ thể. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có gói tín dụng hỗ trợ về lãi suất cho việc chế biến, dự trữ hàng hóa; rà soát chi phí sản xuất giúp hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân tổ chức sản xuất...

"Bộ Công Thương cũng cần xem xét đánh giá kế hoạch cho giai đoạn hậu COVID-19 để có giải pháp, tránh tình trạng suy giảm sản xuất về nguyên liệu nông sản", ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Văn Cứng - đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang cho hay: Qua khảo sát, đối với rau củ quả, toàn tỉnh ước tính thu hoạch 83 nghìn tấn, nhu cầu hỗ trợ là 58 nghìn tấn. Đối với cây ăn trái, đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ khoảng 518 nghìn tấn.

Bên cạnh việc mong muốn được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, Liên minh Hợp tác xã An Giang kỳ vọng sẽ được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hoá với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Theo ông Trần Văn Cứng, sản phẩm của An Giang tuy nhiều, nhưng chất lượng tiêu chuẩn còn nhiều hạn chế. Hiện tại Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang thực hiện các thủ tục để có thể đánh giá được chất lượng tiêu chuẩn hàng hóa đến các hợp tác xã.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Bio Fruit Coop cho hay: Thời gian qua, Hợp tác xã đã bao tiêu nhiều loại trái cây cho nông dân, sản lượng tăng gấp 2 - 3 lần. Hiện tại, cung cấp 2 - 3 tấn/ngày bao gồm các loại trái cây cho hệ thống Liên hiệp Hợp tác xã thương mại (SaiGon Co.op) khu vực miền Tây.

Tuy nhiên, Hợp tác xã đề xuất Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và SaiGon Co.op tạo điều kiện cho hợp tác xã giao thêm các mặt hàng vào hệ thống của SaiGon Co.op để có thể giải phóng được nguồn hàng đang tồn đọng.

* Tháo gỡ "nút thắt"

Nhận định về tiêu thụ nông sản, nhất là với khu vực hợp tác xã, tổ hợp tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Muốn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, phải xác định tiêu thụ thị trường nội địa là quan trọng nhất, từ đó định hướng sản xuất cho các địa phương cũng như có các chính sách hỗ trợ chế biến nông sản thực phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nguồn cung cho khu vực hợp tác xã, tổ hợp tác, ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op khẳng định: Saigon Co.op đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh Hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố hỗ trợ phân phối các mặt hàng nông sản không tiêu thụ được.

Đồng thời, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng sàn giao dịch nông sản nhằm hỗ trợ liên kết thông tin, tăng tiêu thụ nông sản địa phương.

Nhìn nhận việc sản xuất nông sản cần nghiên cứu nắm bắt thị hiếu, thói quen tiêu dùng, ông Lê Trường Sơn cũng đã nhấn mạnh tới vai trò của hợp tác xã trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các hợp tác xã còn hạn chế. Vì vậy, Saigon Co.op kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ, đầu tư cho các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp để áp dụng công nghệ tạo ra sản phẩm tốt, có giá trị cao.

Theo ông Lê Trường Sơn, thời gian tới cần đẩy mạnh liên kết, kết nối thông tin giữa các hợp tác xã, địa phương với các doanh nghiệp phân phối, nhất là nâng cao chất lượng hàng hóa.

Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chi phí hoạt động của doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều, đặc biệt là chi phí test COVID-19. Do vậy, các doanh nghiệp bán lẻ mong muốn nhận được hỗ trợ từ Nhà nước để cắt giảm chi phí này.

Thêm nữa, các hợp tác xã và tổ hợp tác phải nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục về hành chính như: giấy chứng nhận chất lượng, bao bì đóng gói theo quy chuẩn để nhanh chóng có mặt trong hệ thống siêu thị Saigon Co.op.

Chia sẻ về Chương trình 503/CTr-LMHTXVN ngày 4/8 của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với Liên minh Hợp tác xã tại 63 tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho hay: Tới đây Chương trình 503 sẽ tổ chức kênh tiêu thụ tại chợ truyền thống, trung tâm/cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm của hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương; chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố; hệ thống các siêu thị, doanh nghiệp phân phối; doanh nghiệp chế biến; doanh nghiệp xuất khẩu; kênh tiêu thụ trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart, Voso…

Chương trình cũng sẽ thu thập thông tin, lựa chọn, giới thiệu các đơn vị vận tải hàng hóa; ưu tiên các hợp tác xã vận tải; hỗ trợ các thủ tục pháp lý đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt từ đơn vị cung cấp đến nơi tiêu thụ.

Cũng theo Chương trình này, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm với tên miền: lmhtxvnmart.com.vn để đăng tải đầy đủ thông tin của các sản phẩm lên Cổng thông tin này thuận tiện cho việc cung- cầu.

Cùng với việc xây dựng Cổng thông tin điện tử phục vụ kết nối cung - cầu sản phẩm cho hợp tác xã, tổ hợp tác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam còn triển khai dự án xây dựng sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu vật tư, sản phẩm, dịch vụ, hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh,… cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp thành viên với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: Sàn thương mại điện tử này sẽ phân tích, đánh giá nhu cầu, năng lực của các hợp tác xã, đề xuất giải pháp về công nghệ và phương án triển khai phù hợp.

Qua đó, xây dựng nền tảng công nghệ; đề xuất mô hình quản lý, vận hành phù hợp cũng như triển khai thử nghiệm, đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai trên quy mô toàn quốc. Đặc biệt, sàn thương mại điện tử này sẽ được triển khai xây dựng từ quý IV/2021, đưa vào vận hành thử nghiệm từ quý III/2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục