Ùn ứ nông sản tại Lào Cai, Quảng Ninh cơ bản được giải quyết

18:56' - 10/08/2021
BNEWS Nhờ những nỗ lực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương nên hàng hóa thông quan qua một số cửa khẩu tại các tỉnh, thành biên giới phía Bắc diễn ra tương đối thuận lợi.

Tại các cửa khẩu ở Lào Cai, Quảng Ninh tình trạng ùn ứ hàng nông sản cơ bản được giải quyết, trong khi đó tại tỉnh Lạng Sơn vẫn còn tình trạng tồn đọng do lượng hàng hóa dồn về khu vực cửa khẩu ngày càng nhiều do một số nông sản đang vào vụ thu hoạch.
Cụ thể, tại tỉnh Lào Cai những ngày gần đây, tình trạng ùn ứ một số mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam đã cơ bản được giải quyết.
Theo số liệu từ lực lượng quản lý cửa khẩu, trung bình mỗi ngày từ 6 - 9/8 có khoảng 400 xe hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành- Lào Cai, cao điểm nhất có ngày có 435 xe hàng được thông quan.

Do mặt hàng thanh long phía Trung Quốc đã có thông báo tạm dừng nhập khẩu 1 tháng nên hàng từ phía Việt Nam xuất sang Trung Quốc mỗi ngày chỉ khoảng 30 xe, chủ yếu ván bóc, chuối, mít… Trong khi Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Trung Quốc, phân bón, than cốc.
Ông Lê Phương - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết, với tinh thần thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả, vừa phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chi cục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt và linh hoạt để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là xử lý các vấn đề ở cửa khẩu để thúc đẩy lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc;

Trong đó, đối với mặt hàng nông sản đơn vị đã ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp xuất được hàng nhanh nhất.
Theo ông Lê Phương, để tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đã kéo dài thời gian thông quan các mặt hàng nông sản của Trung Quốc nhập khẩu. Đặc biệt, những ngày qua có nắng nóng kéo dài nên việc thông quan hàng nhanh đã góp phần giảm thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Mặt khác, do việc triển khai luồng xanh vận tải có hiệu quả nên lượng xe từ Hà Nội lên nhập hàng thuận tiện hơn đã góp phần giải phóng nhanh hàng nông sản nhập khẩu tại Lào Cai.
Ngoài ra, để hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp, tư thương tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, từ ngày 1/8/2021, tỉnh Lào Cai đã quyết định giảm các mức thu phí sử dụng hạ tầng đối phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu khoảng 30% so với trước đây.

Ban quản lý Cửa khẩu Lào Cai cũng đã bố trí các khu vực lưu trú dành cho lái xe tại trong khu vực cửa khẩu; tạo điều kiện thuận lợi làm thủ tục, kiểm tra tại các kho bãi, đảm bảo hàng hóa thông quan nhanh chóng.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Ninh, theo Ban quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trong hơn 7 tháng qua tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, tổng trọng lượng hàng hóa từ ngày 1/1 – 8/8 đạt 1.172.606 tấn, tăng 90,35% so cùng kỳ năm trước, hoàn thành 78,17% so kế hoạch năm 2021.
Trong số đó, số phương tiện qua lại cửa khẩu cầu Bắc Luân II từ ngày 1/1 đến 8/8 đạt 32.814, tăng 42,56% so cùng kỳ năm 2020, trung bình đạt 162 phương tiện/ngày. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 536.039 tấn, tăng 21,47% so cùng kỳ năm 2020 (nhập khẩu đạt: 353.222  tấn, xuất khẩu đạt: 182.817 tấn), bình quân đạt 2.654 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu/ngày.
Hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cầu phao tạm km3+4 Hải Yên từ đầu năm đến nay đạt 636.567 tấn, tăng 267% so cùng kỳ tháng năm 2020; trong đó, hàng hóa 200.161 tấn, bột Sắn 268.475 tấn, thủy, hải sản: 5.551 115.780 tấn, hạt khô và hàng hóa khác 47.868 tấn; tôm, cua sống 11.560 tấn.
Việc vận chuyển hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Từ ngày 1/1-8/8, cửa khẩu đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 với tổng số 18.403 lượt người người là cán bộ, chiến sỹ, công chức các ngành khối cửa khẩu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn, lái xe trung chuyển, thuyền viên, lái xe đường dài làm việc tại khu vực cửa khẩu, lối mở.
Còn tại tỉnh Lạng Sơn, ngày 10/8, theo thông tin từ Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, hiện tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh vẫn là hai cửa khẩu có lưu lượng xuất nhập khẩu hàng lớn nhất trong tỉnh.
Đối với cửa khẩu Tân Thanh, từ ngày 19/7 đến 10/8, lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng quả thanh long dồn lên khu vực cửa khẩu Tân Thanh ngày càng lớn. Nguyên nhân của việc tăng đột biến hàng hoa quả xuất khẩu là do tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã thông báo dừng nhập khẩu mặt hàng thanh long tại tỉnh Lào Cai trong 30 ngày, đồng thời hiện nay các loại nông sản của Việt Nam đang vào vụ thu hoạch.

Theo đánh giá năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh trung bình chỉ đạt 150 – 180 xe các loại nông sản mỗi ngày, dẫn đến lượng xe hàng còn tồn là tương đối lớn; tính đến sáng ngày 9/8/2021, xe tồn trong bến xe Bảo Nguyên là 699 xe hàng chờ xuất khẩu và 30 phương tiện ở ngoài bến xe (có 572 xe thanh long).
Để giảm thiểu tình trạng ùn ứ xe nông sản xuất khẩu, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xem xét, cân nhắc bố trí thời gian hợp lý đến cửa khẩu Tân Thanh để xuất khẩu hàng nông sản, không nên tập trung lên cửa khẩu vào cùng một thời điểm, nhằm tránh ùn tắc tại cửa khẩu.
Với cửa khẩu Hữu Nghị, thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh,... dẫn đến việc giao thương xuất nhập khẩu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Tính từ đầu tháng 8/2021 đến nay, lượng xe tồn đọng bình quân mỗi ngày khoảng 300 - 400 phương tiện. Hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là ô tô, linh kiện xe ô tô xe máy, hàng gia dụng, máy móc, sản phẩm điện tử và linh kiện, hoa quả tươi...
Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng liên quan tại cửa khẩu đã xây dựng các phương án để quản lý, phân luồng, điều tiết phương tiện hàng hóa xuất nhập khẩu khi lưu lượng hàng tăng cao, không để ùn ứ trong khu vực cửa khẩu.

Xây dựng phương án bố trí, sắp xếp phương tiện tập trung tại một số địa điểm khác phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và phòng chống dịch; trên tinh thần Lạng Sơn luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng hoa quả tươi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục