Làn sóng đầu tư về gần sẽ bùng nổ tại nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh

09:17' - 03/01/2024
BNEWS Đầu tư về gần (near-shoring) tiếp tục là xu hướng đầu tư chủ lưu tại Mexico trong năm 2024.

Đầu tư về gần (near-shoring) tiếp tục là xu hướng đầu tư chủ lưu tại Mexico trong năm 2024, đồng thời dự kiến sẽ đóng góp khoảng 2,6% mỗi năm vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh này trong giai đoạn 2024-2030.

 
Phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn dự báo hôm 2/1 từ Hội đồng Kinh doanh Toàn cầu (GBC) cho biết tương tự như 2 năm vừa qua, Mexico sẽ tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng near-shoring, đặc biệt giai đoạn hậu COVID-19 khi các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển hoạt động từ các nơi khác trên thế giới đến Mexico nhằm tận dụng vị trí gần với Mỹ - trung tâm tiêu dùng cũng như sản xuất lớn trên thế giới.

Theo tổ chức quốc tế có trụ sở chính tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, việc dịch chuyển sản xuất - kinh doanh đến Mexico sẽ giúp các doanh nghiệp tránh được tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khi có sự cố xảy ra, cũng như tiết kiệm được chi phí logistics trong quá trình giao dịch với Mỹ nói riêng và khối Bắc Mỹ nói chung, trong đó có Canada.

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng thôi thúc nhiều tập đoàn đa quốc gia quyết định dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc về những quốc gia nằm ngoài tác động của cuộc chiến hiện vẫn chưa có hồi kết này.

Bổ sung nhận định của GBC, Tập đoàn tài chính hàng đầu Mexico Citibanamex cho rằng trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới trong thời gian gần đây ẩn chứa nhiều rủi ro, các tập đoàn toàn cầu có xu hướng tìm đến đầu tư tại các quốc gia có tình hình chính trị ổn định cũng như có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, trong đó Mexico là một trong những quốc gia hàng đầu sở hữu đầy đủ các yếu tố này.

Khẳng định near-shoring tiếp tục là động lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Manuel Romo, người đứng đầu bộ phận tài chính quốc tế của Citibanamex cho biết trong năm 2023, chính làn sóng này đã giúp hàng hóa sản xuất tại Mexico chiếm tới 16% tổng lượng hàng nhập khẩu của Mỹ. Đây là con số kỷ lục và cũng là lần đầu tiên Mexico vượt Trung Quốc và Canada để trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ.

Theo ông Manuel Romo, Mexico còn nhiều dư địa để tiếp tục thúc đẩy làn sóng near-shoring trong thời gian tới, tương tự như nhận định trước đó của GBC cho rằng làn sóng này mỗi năm sẽ đóng góp khoảng 2.6% vào GDP, cũng như sớm đưa mức FDI chạm mốc 50 tỷ USD/năm.

Đầu tháng 12 vừa qua, Bộ Kinh tế Mexico (SE) thông báo trong giai đoạn từ tháng 1-11/2023, các doanh nghiệp quốc tế đã công bố 363 dự án cam kết đầu tư vào nước này với tổng giá trị lên tới 106,4 tỷ USD.

Theo SE, số vốn mà các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư và nước này trong thời gian tới tương đương 6,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico trong năm 2022, đồng thời dự kiến tạo ra khoảng 226.800 việc làm mới, trong đó 42% vị trí việc làm liên quan đến ngành công nghiệp ô tô.

Trước đó, hồi tháng 8/2023, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings dự báo nếu Mexico tiếp tục duy trì tốc độ thu hút FDI như hiện tại, chỉ 2 năm nữa nước này sẽ chiếm một nửa tổng số vốn đầu tư nước ngoài tại Mỹ Latinh, khu vực mà năm 2022 thu hút tổng cộng 208 tỷ USD vốn FDI.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục